Cỗ đón trăng
Bão lũ đã đi qua, và Trung thu đã cận kề rồi.
Làng tôi vỏn vẹn chỉ dăm chục nóc nhà nằm gọn trong thung lũng được cánh cung Đông Triều ôm ấp. Không gian vắng vẻ, tịnh mịch cả ngày lẫn đêm. Nhất là vào thu, nắng dìu dịu, gió hanh hao, trời cao xa càng làm cho không gian ngôi làng thêm hoang sơ, yên tĩnh.
Cận ngày Trung thu, hai chị em tôi đã tíu tít nhờ bố mẹ gỡ hai chiếc đèn ông sao treo ở cửa bếp xuống để lau chùi. Là con gái nên chúng tôi chơi đèn rất giữ gìn, một chiếc đèn có khi chơi được hai năm liên tiếp. Gác cửa bếp một năm, đèn nhiều mạng nhện, bồ hóng nên phải dùng vải mềm chấm nước pha vài giọt chanh để lau cho sạch. Chiếc đèn ông sao ngày đó là món đồ chơi đứa trẻ nào cũng phải có, để bằng bạn bằng bè khi nhập hội rước đèn. Còn mặt nạ khỉ, heo, gà… như gia vị, có thêm càng xôm, nhưng đèn ông sao thì không thiếu được.
Tháng 8 âm lịch, lúa vào giai đoạn làm đòng cần nhiều công chăm bón. Nhưng mấy ngày cận Trung thu, bố mẹ tôi gác việc lại, trông thong thả hẳn. Bố mẹ đi làm đồng về sớm hơn thường nhật. Trong khi bố ra vườn bòng ngắm nghía trước những trái bòng vàng ngon để chính rằm trẩy thì mẹ tranh thủ bóc lạc đỏ sẵn để hôm rằm làm mâm kẹo lạc. Bòng và kẹo lạc là hai thức quan trọng trong mâm tiệc đón trăng của nhà tôi, làng tôi từ năm này qua năm khác.
Trung thu tới! Nếu Trung thu trùng vào ngày đi học thì hôm đó, cô giáo làng cũng châm chước cho chúng tôi cắp cặp về sớm hơn thường lệ. Chập choạng tối, từ đầu làng tới cuối làng, trẻ con ùa ra đường. Đèn ông sao nối nhau thắp sáng cả quãng đường quanh co chân đồi.
Chúng tôi ra nhà văn hóa làng, các anh chị Đoàn thanh niên đã trải sẵn chiếu trên sân cỏ, bày đủ thức bánh trái thập cẩm và bật loa míc rộn ràng. Cây thông con trên đồi thông gần chùa Ngọa Vân được đánh xuống, giăng đèn nhấp nháy. Các cụ ông cụ bà, các bố các mẹ dập dìu từng tốp đi sau lũ trẻ con. Các em bé lít nhít được bố mẹ bồng bế trên tay, giờ tới sân nhà văn hóa làng, nằng nặc đòi xuống, lon ton chạy nô đùa.
Mọi người vừa ăn cỗ vừa xem văn nghệ. Lớp mẫu giáo làng lúc nào cũng tham gia nhiều tiết mục nhất, các em nhỏ váy áo sặc sỡ múa cùng cô giáo. Bà nội tôi lên hát làn điệu chèo đào liễu do ông tôi đặt lời. Và không thể thiếu một tiết mục quen thuộc hằng năm nhưng rất thu hút tụi trẻ con chúng tôi: mục thổi sáo bằng mũi của chú Tiển. Năm nào chú cũng thổi sáo bằng mũi bài sòn sòn sòn đô sòn. Chúng tôi cứ mắt chữ A mồm chữ O, nín thở nghe, chỉ sợ tiếng sáo bị hụt vì trông chú rất gầy.
Khi tiệc vui chung ở làng văn hóa kết thúc, cũng là lúc gia đình nào về gia đình nấy phá cỗ riêng. Bố tôi trải chiếu ra sân. Ba mẹ con tôi bày đủ thức lên đó. Một cái mâm nhôm lót miếng lá chuối to đựng đẫy đà kẹo lạc. Chỉ nhìn lớp đường trắng dày giữa những viên lạc đỏ, cái ngọt bùi dường như tan chảy trong miệng tôi. Bốn trái dừa bự cùi mềm, nước ngọt. Bòng thơm, mọng nước, tép căng ửng hồng. Hai chị em cuộn miếng vỏ bòng dài thượt mẹ gọt khéo lại để thành cái mũ công chúa đội đầu. Vỏ bòng mới gọt, mùi hăng hăng xộc vào mũi, nhưng vui. Thêm vài cái bánh đa vừng thơm phức. Khi bữa tiệc đã sẵn sàng, bố tôi đi tắt hết điện. Tôi thắc mắc tại sao nhà mọi người vẫn mở điện, vẫn bật ti vi đen trắng còn nhà mình thì tối thui ? Bố tôi cười rồi chỉ lên ông trăng vằng vặc trên trời cao, giữa muôn ngàn sao sáng. Ánh trăng chảy tràn lên tóc mẹ cha, phủ lên mâm cỗ Trung thu, nhuộm sáng cả núi rừng.
Bây giờ khôn lớn, ngày Trung thu, cơ quan cũng liên hoan đủ món. Nhưng trăng bị ngó lơ, bị ánh đèn thành phố hay những tòa nhà cao tầng lấn át. Tôi tìm lại cảm giác đón trăng trọn vẹn bằng cách mua ít bánh đa, dừa, bòng, kẹo lạc về phòng trọ. Rồi mở cửa sổ, thấy trăng tròn vành vạnh như xưa. Trăng vẫn chảy tràn dọc dài miền ký ức tâm hồn tôi.