Cô đỡ thôn bản: 'Cánh tay nối dài' của ngành Y tế

Đội ngũ cô đỡ thôn bản được ví như 'cánh tay nối dài' của ngành Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Tình nguyện vì cộng đồng

Năm 1992, ngành Y tế tỉnh Gia Lai phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) mở lớp đào tạo cô đỡ thôn bản. Từ đó đến nay, 2 đơn vị đã phối hợp đào tạo 103 cô đỡ. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực này từ nhiều nguồn khác nhau.

Hiện toàn tỉnh có 219 cô đỡ đã qua đào tạo, tất cả đều là người dân tộc thiểu số. Hiện có 151 cô đỡ đang hoạt động, trong đó có trên 110 người vừa thực hiện nhiệm vụ cô đỡ, vừa là nhân viên y tế.

Việc được tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn giúp các cô đỡ thôn bản làm tốt công việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn. Ảnh: N.N

Trải qua hơn 30 năm hoạt động, đội ngũ cô đỡ đã chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, bảo đảm sinh đẻ an toàn tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế. Nhờ có đội ngũ này mà hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được nâng lên.

Với tình yêu nghề, vì cộng đồng, các cô đỡ trên địa bàn tỉnh đã không quản ngại khó khăn, làm tốt nhiệm vụ. Nơi nào người dân cần hỗ trợ là các cô nhanh chóng có mặt.

Chị Rmah H’Bem (buôn Plei Kte Lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Tôi làm cô đỡ thôn bản đã được 18 năm. Tại Ia Yeng, tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh đẻ tại nhà còn cao, một phần do khó khăn, một phần do tập quán.

Với vai trò là cô đỡ, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi người. Có những lúc đêm hôm mưa gió nhưng cứ nhận điện thoại là tôi nhanh chóng lên đường, không quản ngại đường sá xa xôi hay thời tiết khắc nghiệt. Riêng từ đầu năm đến nay, tôi đỡ đẻ cho 12 ca, tất cả đều an toàn”.

Bên cạnh việc giúp đỡ mọi người, chị H’Bem cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến các thai phụ và gia đình về kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe trước, trong và sau sinh, cách chăm sóc trẻ sơ sinh, đồng thời động viên chị em phụ nữ chọn sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn. “Qua tuyên truyền, người dân đã nâng cao nhận thức, tỷ lệ sinh đẻ tại nhà được kéo giảm”-chị H’Bem nói.

Còn chị Rơ Châm Lur (làng B, xã Gào, TP. Pleiku) thì cho hay: “Năm 1992, tôi theo học lớp đào tạo cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ. Thời gian trước, do nhận thức hạn chế, kinh tế khó khăn nên nhiều phụ nữ chọn sinh con tại nhà. Tôi đã đỡ đẻ cho rất nhiều ca, hầu hết đều an toàn. Bản thân tôi cũng rất vui vì góp chút sức mình cho cộng đồng”.

Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ

Với các cô đỡ, bên cạnh kinh nghiệm thì việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn hết sức quan trọng. Chị H’Bem bộc bạch: “Bệnh tật thường diễn biến bất thường nên nếu không cập nhật kiến thức chuyên môn thì sẽ tụt hậu. Vì vậy, khi tỉnh tổ chức lớp đào tạo hay tập huấn là tôi thu xếp thời gian tham gia.

Đầu tháng 10 vừa qua, tôi đã tham gia tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức. Sau lớp tập huấn, tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích góp phần hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn”.

Các cô đỡ thôn bản tại Gia Lai tham gia tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh: Như Nguyện

Cùng quan điểm, chị Rơ Châm Hoa-Cô đỡ ở làng Krái (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) cho rằng: Bản thân chị chưa có nhiều kinh nghiệm vì thời gian làm cô đỡ chưa nhiều. Vì vậy, chị luôn nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp. Ngoài ra, chị còn chủ động tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, từ đó giúp được nhiều ca sinh đẻ tại nhà an toàn.

Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cô đỡ thôn bản. Riêng từ đầu tháng 10-2024 đến nay, Trung tâm đã mở được 2 lớp.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thanh Hương-Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Tham gia tập huấn, học viên được phổ biến các kiến thức về quản lý thai nghén và chăm sóc bà mẹ thời kỳ mang thai; khám thai; các dấu hiệu bất thường khi mang thai; chuyển dạ-theo dõi chuyển dạ; đỡ đẻ thường có sử dụng gói đỡ đẻ sạch; chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ...

Ngoài lý thuyết, học viên còn được thực hành về các tình huống trong chăm sóc bà mẹ thời kỳ thai nghén và đỡ đẻ tại nhà, thực hành xử lý các tình huống nếu có bất thường khi mang thai và trong quá trình chuyển dạ. Những kiến thức hữu ích này sẽ giúp các cô đỡ thực hiện hiệu quả công việc và góp phần chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/co-do-thon-ban-canh-tay-noi-dai-cua-nganh-y-te-post296949.html
Zalo