Có chính sách đặc thù đối với các đối tượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Việc ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là cần thiết, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào công cuộc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

Trung tướng Lê Quang Đạo - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu thảo luận tại tổ chiều 15/5/2025.
Thảo luận tại tổ chiều 15/5 về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (GGHB LHQ), Trung tướng Lê Quang Đạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng: Luật Tham gia lực lượng GGHB LHQ tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc, lan tỏa tinh thần trách nhiệm quốc tế sâu rộng của Việt Nam; khơi dậy niềm tự hào dân tộc và phát huy vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Việt Nam đã có hơn một thập kỷ tham gia các hoạt động GGHB LHQ từ tháng 6/2014 với nhiều thành tích nổi bật, hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình, đóng góp quan trọng trong mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; góp phần tăng cường uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Mặc dù lực lượng này mới thành lập, đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong môi trường thực hiện nhiệm vụ quốc tế xa Tổ quốc, nhưng những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người dân, cũng như chính quyền địa phương, tạo được nhiều thiện cảm, sự tin yêu của họ thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp cải thiện đời sống người dân.
"Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, cạnh tranh địa chính trị và xung đột gia tăng, sứ mệnh GGHB LHQ ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi lực lượng này của các nước phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cao hơn như: Bảo vệ dân thường, hỗ trợ nhân đạo, tái thiết sau xung đột, hỗ trợ bầu cử, thiết lập lại chính quyền. Sự hiện diện của bộ đội Việt Nam trong lực lượng GGHB LHQ là hình ảnh sống động về một quốc gia có trách nhiệm, yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng đóng góp vì mục đích chung của nhân loại. Điều đó cũng nâng cao uy tín, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương", Đại biểu Lê Quang Đạo phát biểu.
Đánh giá cao dự thảo Luật trình Quốc hội lần này, Đại biểu Lê Quang Đạo cho biết: Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật (Bộ Quốc phòng) đã tiếp thu, giải trình tối đa các ý kiến đóng góp của các cơ quan Trung ương, địa phương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Dự thảo luật được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, thể chế hóa toàn diện, chủ trương, chiến lược, toàn diện của Đảng; bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Để các chính sách mới trong dự án Luật được thực hiện hiệu quả, thống nhất, Đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng, tiếp tục làm rõ một số nội dung như: Về chế độ, chính sách đặc thù đối với các đối tượng tham gia lực lượng GGHB LHQ. Theo dự thảo Luật quy định chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia lực lượng GGHB (Điều 25), ngoài hưởng đầy đủ, phụ cấp theo quy định hiện hành còn “được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc thù hoạt động” trong suốt thời gian huấn luyện trong nước, khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài và sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước.
Đồng thời, quy định chế độ ưu đãi trong đào tạo, sử dụng nguồn lực: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ quản phải có chính sách ưu đãi trong đào tạo, bố trí, tuyển dụng, tuyển chọn đối với những người đã hoàn thành nhiệm vụ GGHB; quy định rõ ràng về khen thưởng và bảo hiểm đối với thương, bệnh binh, tử nạn: Cá nhân bị thương, bệnh tật, tai nạn hoặc hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo pháp luật Việt Nam và quy định của LHQ. Chế độ bảo hiểm xã hội và y tế cũng được thực hiện theo luật hiện hành.
“Dự thảo luật đã kế thừa các quy định dưới Luật trước đây vốn đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã có những đánh giá tổng thể, khách quan, đề xuất các chế độ, chính sách đặt trong tổng thể với các lực lượng khác bảo đảm sự hài hòa, phù hợp với lực lượng vũ trang và lực lượng dân sự, giữa lực lượng GGHB LHQ và các lực lượng khác. Vì vậy tôi đánh giá cao và hoàn toàn tán thành với các quy định này trong dự thảo Luật”, Đại biểu Lê Quang Đạo phát biểu.
Sau 11 năm chính thức tham gia lực lượng GGHB LHQ, đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại các phái bộ của LHQ. Việt Nam đã cử 5 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2, luân phiên tham gia Phái bộ Nam Sudan, với 63 quân nhân/lượt. Khám, chữa bệnh cho gần 2.000 lượt người/năm; phẫu thuật cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, không để xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng nào; đồng thời, đã cử 3 lượt Đội Công binh với 184 quân nhân/lượt, có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng Phái bộ, sửa chữa đường xá, sân bay, các công trình an sinh cho người dân. Ngoài ra, còn có hàng chục sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam đã làm việc tại các Phái bộ: Nam Sudan, Trung Phi và trụ sở LHQ được đánh giá lực lượng làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, có tinh thần hợp tác cao.