Cơ chế 'trói buộc' nông nghiệp - 'Xé rào' để đột phá (Bài 2): 'Điểm nghẽn'

Nông nghiệp hiện đại không còn đơn thuần là trồng và nuôi truyền thống. Cần tích tụ đất sản xuất quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, trong đó có cả phát triển du lịch nông nghiệp để đa dạng hóa và nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Song, vẫn còn nhiều vướng mắc ở chính những quy định, cơ chế có phần 'lạc hậu' so với yêu cầu phát triển của thực tiễn.

Một góc mô hình trang trại trồng hoa, cải tạo các hạng mục để đón khách trải nghiệm của gia đình ông Phạm Quang Vọng, thôn Yên Hoành, xã Định Tân (Yên Định). Ảnh: P.V

Một góc mô hình trang trại trồng hoa, cải tạo các hạng mục để đón khách trải nghiệm của gia đình ông Phạm Quang Vọng, thôn Yên Hoành, xã Định Tân (Yên Định). Ảnh: P.V

Trầy trật mô hình du lịch nông nghiệp

Ruộng hoang có ở khắp nơi, từ Trung ương đến tỉnh đều khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tích tụ để khơi dậy quỹ đất phục vụ sản xuất quy mô lớn. Ở Thanh Hóa, điển hình nhất là Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành năm 2019, đến nay đã gặt hái được nhiều thành công. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh tích tụ, tập trung ước đạt 29.461ha đất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhờ đó, đã khắc phục tình trạng ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún ở nhiều nơi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi đất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm tạo đột phá, vẫn còn không ít vướng mắc.

Du lịch nông nghiệp, hay hình thức canh nông đón khách đang được phát triển ở nhiều nơi do nhu cầu từ thực tiễn. Tuy nhiên, từ những diện tích ruộng hoang, những khu đồng kém hiệu quả, được nhiều nông dân năng động, doanh nghiệp đứng ra tích tụ để phát triển các hoạt động tham quan thì “vướng” đủ đường.

Ao nuôi cá koi cho khách tham quan, trải nghiệm của gia đình ông Phạm Quang Vọng, xã Định Tân, huyện Yên Định.

Ao nuôi cá koi cho khách tham quan, trải nghiệm của gia đình ông Phạm Quang Vọng, xã Định Tân, huyện Yên Định.

Điển hình như trường hợp ông Phạm Quang Vọng ở thôn Yên Hoành, xã Định Tân (Yên Định), gần chục năm qua, vẫn loay hoay lo thủ tục để hợp thức hóa mô hình du lịch nông nghiệp 5ha của mình. Mô hình được coi là “vi phạm” này được gia đình ông gây dựng từ đất nông nghiệp kém hiệu quả, thường xuyên ngập úng ven đê sông Mã với hình thức đấu thầu 50 năm và dồn đổi thêm để phát triển nông nghiệp và trang trại tổng hợp. Khá năng động với yêu cầu thực tế, ông dần chuyển nhiều diện tích trồng hướng dương và đủ loại hoa để tạo thành mô hình đón khách. Các ao cũng được đào để tôn cao nền, đồng thời trồng sen Úc, nuôi cá koi làm cảnh. Những chòi bán kiên cố dọc các tuyến đường bê tông hoặc lát gạch nội vườn dần được xây dựng cho khách nghỉ chân, đồng thời làm điểm bán nước. Các tiểu cảnh và công trình bằng tre luồng đẹp mắt đều được dựng lên hàng năm làm điểm vui chơi và cho khách chụp ảnh.

Xã Định Tân coi đây là mô hình kinh tế điển hình, nhiều lần dẫn các đoàn thẩm định tiêu chí NTM đến thăm, giới thiệu về hiệu quả trong chuyển đổi đất sản xuất ngập úng, hoang hóa thành mô hình tiền tỷ. Tuy nhiên, các năm 2021 và 2022, mô hình liên tục bị các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, nhiều lần bị xử phạt. Các kết luận căn cứ quy định hiện hành, bởi thực tế đây là đất được thuê trồng cây lâu năm, phát triển trang trại, chứ không phải đất dịch vụ thương mại cho phát triển du lịch. Việc gia đình tạo các tiểu cảnh, chòi che mát, lắp các ghế xích đu vui chơi, nhà vệ sinh, rồi trồng cây cảnh và các loại hoa thay vì trồng lúa ở một số vị trí là vi phạm.

Các quy định đều do con người đặt ra, trước đây để bảo vệ diện tích trồng lương thực là rất đúng. Nhưng nay thực tiễn đã khác, phát triển du lịch tham quan mô hình nông nghiệp có thu nhập hàng chục lần trồng cây lương thực, chưa kể tình trạng thường xuyên ngập úng mất mùa do nước sông dâng cao. Làm kinh tế cho gia đình, cùng địa phương tích tụ đất đai, giải quyết được tình trạng hoang hóa, nhưng chiếu các quy định chuyển đổi đất nông nghiệp lại thành sai phạm. Và nhiều năm qua, ông vẫn lao tâm khổ tứ lo xin thủ tục để chuyển một phần đất trang trại ấy thành đất thương mại và dịch vụ để “hợp thức hóa” cho phát triển du lịch tham quan nông nghiệp.

Cây mắc ca tại vườn cây ăn quả của ông Bùi Văn Soạn, thôn Hùng Vĩnh, xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) tỏa tán sum suê, có tác dụng phủ xanh và giữ đất chẳng kém các cây lâm nghiệp.

Cây mắc ca tại vườn cây ăn quả của ông Bùi Văn Soạn, thôn Hùng Vĩnh, xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) tỏa tán sum suê, có tác dụng phủ xanh và giữ đất chẳng kém các cây lâm nghiệp.

Hàng chục mô hình canh nông đón khách khác trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đều “vướng” các quy định dẫn đến chỉ cầm chừng, không thể đầu tư đột phá. Trên đất đồi miền núi, những diện tích sát vườn nhà, đất thấp còn rất lớn, nhưng nhiều nơi vẫn hoang hóa, cây bụi mọc nhiều. Cải tạo thành nơi nuôi cừu, nuôi dê, nuôi hươu và xây dựng tiểu cảnh để phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái đón khách trải nghiệm cũng vi phạm, điển hình là mô hình du lịch trải nghiệm Nông trại Golden Cow ở xã miền núi Lương Sơn, huyện Thường Xuân. Từ khu vườn rừng gần như bỏ hoang, được cải tạo trồng các loại hoa, cây và chăn nuôi để thành điểm du lịch, phát triển kinh tế, khơi dậy hiệu quả quỹ đất, nhưng soi chiếu các quy định lại thành vi phạm...

Bài toán kinh tế hay quy định?

Một thực trạng khác đang “gây khó” cho người dân các vùng miền núi trong phát triển kinh tế từ nhiều năm qua là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất rừng sản xuất. Bởi theo các quy định hiện hành, đất rừng sản xuất phải trồng các loại cây lâm nghiệp như xoan, lát, luồng, keo... Tuy nhiên, những cây trồng này có giá trị kinh tế không cao, nhiều hộ dân muốn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả ở những vị trí chân đồi thấp, sát vườn nhà lại sai quy định. Dẫu biết rằng, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định mới bảo vệ được rừng, song với nhu cầu thực tiễn mới cũng như phát huy giá trị của đất rừng sản xuất, vấn đề đặt ra là, có thể “linh động” để người dân xóa đói giảm nghèo trên diện tích đất bằng phẳng dưới thấp mà vẫn bảo đảm được vai trò của rừng?

"Cẩm Thủy là một trong những huyện có nhiều diện tích đất rừng sản xuất lớn nhất ở Thanh Hóa. Tuy nhiên qua rà soát, chính quyền cũng như người dân trong huyện mong muốn được chuyển đổi diện tích đất rừng sát chân đồi ở những vị trí thấp, có độ dốc dưới 15% để chuyển sang trồng cây ăn quả với diện tích mới được khảo sát sơ bộ là hơn 150ha. Đây là những khu đất đỏ feralit màu mỡ, rất phù hợp cho bưởi, mít, xoài, cam...”.

Ông Hà Thanh Sơn

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy

Tại thôn Hùng Vĩnh xã Cẩm Phú, huyện miền núi Cẩm Thủy, ông Bùi Văn Soạn đang canh tác hiệu quả vườn cây ăn trái ngay sau nhà với diện tích 2ha. 250 trụ thanh long, rồi nhiều loại cây ăn quả như vải, ổi tứ quý, dổi ăn hạt... hàng năm đều trĩu quả, cho gia đình ông tổng thu nhập đến nửa tỷ đồng mỗi năm. Những khu trồng cây mắc ca của ông cũng có vai trò giữ đất, chống sạt lở chẳng khác cây lâm nghiệp như xoan, luồng hay keo. Tuy nhiên, cũng trên khu đất thoai thoải ngay sát nhà ấy, 1/2 diện tích được ông chuyển đổi thành đất trồng cây lâu năm để canh tác cây ăn quả từ nhiều năm trước thì đúng mục đích sử dụng. Nửa còn lại sẽ trở thành vi phạm nếu cải tạo chuyên canh cây ăn quả, bởi nó vẫn còn là đất rừng sản xuất, mà địa phương hay gọi là “đất 02”. Diện tích 2,3ha luồng và hơn 1ha keo cùng thân đồi nhưng thuộc đất rừng sản xuất, thì thu nhập thấp hơn cả chục lần cây ăn quả, mà đầu ra lâm sản lại bấp bênh.

Cũng ở chân các đồi núi thấp trong huyện Cẩm Thủy, nhiều mô hình trồng cây ăn quả trên đất đồi rừng cho giá trị kinh tế cao. Điển hình như gia đình bà Bùi Thị Thơm, cán bộ xã Cẩm Tâm với 3,8ha đồi trồng bưởi. Hiện mới hơn 1/3 diện tích cho thu hoạch, nhưng vẫn có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Tính trung bình của riêng 1,3ha bưởi 7 năm tuổi đã cho quả này, lợi nhuận canh tác đạt 150 đến 180 triệu đồng/ha/năm.

Một mô hình trồng dứa và cây ăn quả trên đất lâm nghiệp ở xã Cẩm Tâm cho thu nhập cao hơn hẳn trồng cây lâm nghiệp như xoan, keo.

Một mô hình trồng dứa và cây ăn quả trên đất lâm nghiệp ở xã Cẩm Tâm cho thu nhập cao hơn hẳn trồng cây lâm nghiệp như xoan, keo.

Thông tin tổng hợp từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, hầu hết đất rừng sản xuất của huyện đa phần chỉ trồng keo. Sau 5 - 6 năm trồng, mỗi ha keo được người dân thu hoạch để bán cho các nhà máy sản xuất dăm gỗ với giá rẻ, đạt khoảng 80 triệu đồng/ha/5 năm. Chia trung bình cho mỗi năm, 1ha đất rừng sản xuất này chỉ đem về doanh thu chưa đầy 20 triệu đồng/ha, trừ các chi phí chỉ còn lợi nhuận từ 10 đến 15 triệu đồng, bằng 1/10 trồng cây ăn quả.

Thanh Hóa là địa phương xếp thứ 5 cả nước về diện tích rừng, có 11 huyện miền núi và nhiều huyện trung du, người dân sống lệ thuộc vào kinh tế đồi rừng. Theo quyết định phê duyệt, công bố hiện trạng rừng tỉnh Thanh Hóa được ban hành vào tháng 2/2024 của UBND tỉnh, Thanh Hóa có hơn 647.437ha rừng, trong đó gần 393.361ha rừng tự nhiên, còn lại gần 254.076ha rừng trồng/sản xuất. Diện tích đất rừng sản xuất tập trung nhiều tại các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Lang Chánh... Người nhận giao rừng chủ yếu trồng keo, luồng, lát hoa, xoan ta, trong đó cây keo vẫn phổ biến ở các huyện miền núi thấp. Nhiều diện tích trong số đó hiệu quả kinh tế không cao, người dân chủ động chuyển đổi sang trồng cây ăn quả ở những vùng chân đồi, vườn rừng sát nhà, những khu đất thấp.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi gặp quá nhiều khó khăn bởi rất nhiều quy định. Trên thực tế, có nhiều diện tích trồng sắn, dứa, gai xanh, mía... trên đất lâm nghiệp bằng phẳng dưới các chân đồi đang sai quy định, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp người dân trong xóa đói, giảm nghèo, phát huy quỹ đất... Cùng mảnh đất đó, nếu để đất lâm nghiệp (đất rừng 02) là vi phạm, nhưng chuyển đổi được thành đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thì lại đúng quy định (?!).

Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, nêu quan điểm: “Muốn giữ rừng phải bảo vệ đất rừng. Chủ trương cũng như các quy định về mục đích sử dụng đất rừng sản xuất nhiều năm qua là đúng. Tuy nhiên, khi áp dụng vào một số vùng cụ thể thì phát sinh bất cập, gần đây Nhà nước cũng đang có nhiều quy định mới để dần tháo gỡ. Điển hình là Luật Lâm nghiệp mới nhất cũng đã cho trồng xen cây nông nghiệp không quá 20% quỹ đất rừng. Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp hay lâm nghiệp hiện nay cũng cần phát huy được lợi thế so sánh, tức là căn cứ điều kiện thực tế để sản xuất thứ thị trường cần. Bởi vậy mà nhiều người dân đã chuyển đổi cây keo, các cây lâm nghiệp ở bãi sông, chân đồi thấp sang trồng cây ăn quả”.

Nhóm PV

Bài cuối: Cần “xé rào”

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/co-che-troi-buoc-nong-nghiep-xe-rao-de-dot-pha-bai-2-diem-nghen-235207.htm
Zalo