Có chế tài nhưng thiếu giải pháp căn cơ

Quy định về xử phạt nguội đối với xe máy đã có, tuy nhiên việc triển khai chưa đạt kết quả cao. Khó xác minh người vi phạm do xe mua đi bán lại không sang tên, chủ xe phớt lờ nộp phạt... là lý do khiến phạt nguội xe máy khó khăn.

Còn khó khăn trong công tác xử lý

Xe máy là phương tiện được nhiều người dân sử dụng. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đến hết năm 2023, tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt hơn 73 triệu chiếc. Với số lượng lớn nhưng việc kiểm soát phương tiện này khi tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng người dân tham gia giao thông một cách thiếu ý thức, thậm chí bất chấp những quy định của pháp luật. Tại không ít tuyến đường, không khó để bắt gặp, phát hiện những lỗi vi phạm của người điều khiển xe máy như không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ… tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do vậy nếu cải thiện được hành vi của người đi xe máy, sẽ kéo giảm tai nạn giao thông.

Tình trạng xe máy vượt đèn đỏ thường xuyên diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Tình trạng xe máy vượt đèn đỏ thường xuyên diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Để kiểm soát và giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông cũng như các vụ tai nạn thương tiếc xảy ra, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện phạt nguội đối với loại hình phương tiện này để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Thực tế, xe máy cũng bị phạt nguội như ô tô với một số lỗi như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đèn vàng, sử dụng điện thoại khi lái xe, đi ngược chiều, dừng đỗ xe không đúng quy định… Ở một số địa phương, lực lượng CSGT đã triển khai phạt nguội với xe máy. Vào cuối tháng 3/2024, qua trích xuất camera giám sát, Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã phát hiện, xử lý nhiều tài xế điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông. Trong đó có trường hợp bà N.T.T. (41 tuổi, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa). Chỉ trong tháng 2, bà đã vi phạm 26 lần, cụ thể là 16 lần vượt đèn đỏ và 10 lần không đội mũ bảo hiểm. Với các lỗi vi phạm này, bà T. bị xử phạt 15,4 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với xe máy bằng hình thức phạt nguội chưa thực sự đem lại hiệu quả cao khi mà phương tiện xe máy không phải đi đăng kiểm như xe ô tô và người vi phạm vẫn lưu thông bình thường khi bị phát hiện, chưa kể rất nhiều xe máy chưa chính chủ như hiện nay. Anh Nguyễn Thế Quyền, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Tôi tham gia giao thông bằng cả xe máy và ô tô. Tôi đi ô tô thì tuyệt đối chấp hành nghiêm quy định của pháp luật vì sợ phạt nguội. Tuy nhiên, khi điều khiển xe máy, cũng đôi lần chủ quan vi phạm một số lỗi”. Theo anh Quyền, việc thực hiện phạt nguội đối với xe máy ở các TP lớn chưa được triển khai rộng rãi tạo tâm lý tham gia giao thông tùy tiện cho một số người dân.

Nhiều chuyên gia đều cho biết, hầu hết người tham gia giao thông đều rất sợ bị phạt nguội, có thể áp dụng rộng rãi việc phạt nguội xe máy sẽ xây dựng được văn hóa tham gia giao thông cho người dân. Tuy nhiên, để có thể tiến tới xử lý vi phạm theo hình thức này đối với xe máy cần có lộ trình cụ thể, sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt của các ban, ngành và lực lượng chức năng có liên quan.

Chị Lê Thị Lan, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Người tham gia giao thông rất sợ camera phạt nguội. Nếu triển khai phạt nguội được đối với xe máy sẽ dần xây dựng được thói quen chấp hành luật giao thông. Ví dụ trên tuyến đường BRT, dành riêng cho xe buýt, xe máy bất chấp kéo nhau hàng đoàn di chuyển vào làm ảnh hưởng đến phương tiện được ưu tiên vì lý do không thể phạt nguội được xe máy”.

Đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, xe ô tô phải đăng kiểm định kỳ theo quy định nên việc xác minh thông tin đối với chủ xe sau khi có quyết định phạt nguội khá dễ dàng. Nhưng đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện… người điều khiển phương tiện hiện nay còn chưa có ý thức chấp hành việc xử phạt khi có thông báo của cơ quan công an dẫn tới lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý phạt nguội đối với các loại hình giao thông này.

Cần sớm thực hiện đồng bộ toàn hệ thống

Theo các chuyên gia, để việc xử phạt nguội đối với xe máy đạt hiệu quả, trước tiên cần phải đồng bộ được hệ thống giấy tờ chính chủ. Vì hiện nay, việc mua bán sang tay xe máy diễn ra phổ biến và dễ dàng, chỉ cần một tờ giấy viết tay là đã có thể mua được chiếc xe máy cũ mà không phải đăng ký tên của mình. Cùng đó, hiện chưa áp dụng đăng kiểm cho phương tiện xe máy, việc xử phạt đa số vẫn là cơ quan chức năng nơi phát hiện vi phạm, gửi giấy về nơi cư trú, hoặc nhờ đơn vị công an địa phương xử lý vi phạm. Đây là một bất cập mà các cấp quản lý Nhà nước cần phải sớm có hình thức thắt chặt quản lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, rất nhiều xe máy trên thị trường hiện nay lưu thông trôi nổi không rõ định danh. Do vậy, khi phát hiện vi phạm qua camera phạt nguội rất khó tìm được chủ xe thực sự. Do đó, việc phạt nguội đối với xe máy gặp nhiều khó khăn. “Trước hết, các cơ quan quản lý cần phải đẩy nhanh công tác định danh biển số của xe máy, khi đó mới có đủ căn cứ, thông tin tiến hành xử phạt nguội đối với người điều khiển vi phạm. Ngoài ra, Việt Nam sắp tới sẽ tiến hành kiểm định khí thải đối với xe máy, đây cũng là cơ hội để định danh lại toàn bộ xe máy không chính chủ. Từ đó sẽ có căn cứ để phạt nguội xe máy” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hải – Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh cho rằng, quy định về xử phạt nguội đối với xe máy đã có và rất cụ thể tại Thông tư số 32/2023/TT-BCA. Tuy nhiên, để việc xử phạt nguội xe máy có thể thực hiện được trong thực tế, bên cạnh việc định danh biển số cũng cần hoàn thiện hệ thống camera giám sát giao thông ở những tuyến đường và khu vực có nhiều vi phạm, bảo đảm chất lượng hình ảnh rõ nét và có khả năng ghi lại biển số xe một cách chính xác. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống kết nối và đồng bộ dữ liệu từ các camera về trung tâm quản lý để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. “Đối với phương tiện không chính chủ, có thể tạo điều kiện thuận lợi để chủ xe thực hiện sang tên chính chủ. Khi việc cấp biển số theo mã định danh cá nhân, việc tìm ra chủ xe, người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm sẽ dễ dàng thực hiện. Trường hợp thông báo phạt nguội gửi về nơi ở, nơi cư trú, nếu chủ xe không đóng tiền phạt thì sau này sẽ không thể kiểm định khí thải, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xử phạt như ô tô hiện nay” – luật sư Phạm Thanh Hải chia sẻ.

Xử phạt nguội xe máy vi phạm giao thông là hình thức xử phạt dựa trên việc sử dụng công nghệ giám sát, camera an ninh và hệ thống quản lý giao thông để phát hiện và xử lý các vi phạm giao thông mà không cần dừng xe ngay tại thời điểm vi phạm. Mức xử phạt đối với xe máy vi phạm giao thông được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể: 1. Đi ngược chiều: Phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. 2. Đi vào đường cấm: Phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng. 3. Vượt đèn đỏ: Phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng. 4. Không đội mũ bảo hiểm: Phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng. 5. Chạy quá tốc độ: Phạt từ 200.000 đến 5.000.000 đồng.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-che-tai-nhung-thieu-giai-phap-can-co.html
Zalo