Cơ chế đặc thù: Mở rộng dư địa đầu tư, thu hút nguồn lực đưa địa phương 'cất cánh'

Các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng cho mỗi tỉnh, thành được thiết kế trên thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, mỗi địa phương đều có những sản phẩm, dự án được tập trung kêu gọi đầu tư, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Hiện trên cả nước có 10 địa phương đã được Quốc hội “trao” các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực phát triển mới, gồm Hà Nội, TP HCM, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Trong đó, các chính sách cho Đà Nẵng và Nghệ An vừa được bổ sung tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Các chính sách, cơ chế đặc thù đều được thiết kế theo hướng tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế và năng lực lãnh đạo để tạo bước chuyển biến thực sự đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho cả nước. Trong đó, vấn đề thu hút đầu tư được đặc biệt chú trọng, bằng các dự án mới, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp...

Với Thành phố Cần Thơ, một trong 6 cơ chế đặc thù là ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Theo đó, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại đây được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Doanh nghiệp cũng được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.

Đầu tháng 6 vừa qua, UBND Thành phố Cần Thơ đã phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập đồ án Quy hoạch phân khu hai trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó trung tâm thực hiện tại huyện Cờ Đỏ có quy mô khoảng 200 ha và trung tâm tại quận Bình Thủy có quy mô khoảng 50 ha.

Với các chính sách, cơ chế đặc thù cho TP HCM theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, nổi bật nhất là các quy định liên quan đến triển khai dự án PPP như mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với các dự án nâng cấp công trình đường bộ hiện hữu, cho phép áp dụng hợp đồng BT được thanh toán bằng ngân sách Nhà nước... Đây là những quy định mới có tính đột phá khi không chỉ khắc phục được một số hạn chế còn tồn tại ở khung pháp lý hiện hành mà còn tạo thuận lợi nhất định cho các dự án PPP đã, đang và sắp thực hiện tại TP HCM.

Tiên phong vận dụng Nghị quyết 98, tháng 4 vừa qua, UBND TP Thủ Đức đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư với 11 dự án theo phương thức PPP, với tổng số vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết, việc triển khai các dự án PPP vốn không đơn giản, gần 10 năm qua ở TP HCM chưa dự án nào mới được triển khai. Vì vậy, Nghị quyết 98 chính là cơ hội rất lớn để địa phương thu hút thêm nguồn lực, đáp ứng nhu cầu, giảm lệ thuộc đầu tư công.

Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, việc Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho 10 tỉnh, thành phố được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này. Sau một thời gian triển khai, các chính sách đặc thù đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Về phát triển kinh tế, 10 tỉnh, thành phố có cơ chế đặc thù đều có mức tăng trưởng kinh tế cao trong những năm gần đây, ví dụ như trong năm 2023, Hải Phòng có mức tăng trưởng khoảng 10,34%, Thanh Hóa là 7,01%, Nghệ An là 7,14%..., đều cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại 10 địa phương này cũng tăng đáng kể. Các chính sách đặc thù đã góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao đời sống người dân.

Với các cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng được Quốc hội chấp thuận bổ sung lần này, nội dung được nhiều người quan tâm chính là thí điểm thành lập khu thương mại tự do. Đây là một khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, thu hút tài chính, thu hút thương mại, thu hút du lịch và các dịch vụ chất lượng cao. Cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ với đề xuất này, với mong muốn tạo động lực phát triển mới cho Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, khu thương mại tự do đã hình thành trên thế giới từ những năm 1951, cách đây khoảng 70 năm. Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... đều đã thực hiện. Khu thương mại tự do có thể góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, từ đó sẽ thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Đà Nẵng, đặc biệt là thu hút về vốn và công nghệ.

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết, đây là mô hình mới tại Việt Nam và hiện vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên đã có khoảng hơn 150 nước trên thế giới đã áp dụng. “Khu thương mại tự do này phát triển ở nhiều góc độ, cả về sản xuất, dịch vụ logistics, thương mại dịch vụ... Chúng tôi hy vọng khu thương mại tự do ra đời sẽ giúp hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, trong đó có cả khu phi thuế quan và khu hàng miễn thuế. Từ đó tạo thêm sức hút điểm đến, thúc đẩy hơn nữa du lịch Đà Nẵng cũng như khu vực,” ông Trần Chí Cường chia sẻ với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội.

Bên cạnh thí điểm khu thương mại tự do, một chính sách đặc thù rất đáng quan tâm khác theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng là thu hút nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là cho lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn, chip AI... Theo ông, đây sẽ là cơ sở để Đà Nẵng xây dựng các cơ chế để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như MBA, Intel... đầu tư. “Hiện nay, các nhà đầu tư này đã đặt vấn đề, chỉ chờ cơ chế chính sách sẽ có đầu tư vào Thành phố,” ông Quảng nói tại phiên thảo luận tổ về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng.

Với Nghệ An - tỉnh có diện tích lớn nhất nước nhưng còn nhiều khó khăn, các đại biểu Quốc hội cũng đều đồng tình và kỳ vọng cơ chế đặc thù sẽ tạo bước chuyển biến mới cho địa phương. Phát biểu tại hội trường, ông Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP HCM bày tỏ trăn trở khi GDP bình quân đầu người của Nghệ An chỉ bằng 50% mức bình quân cả nước, tương đương 56 triệu đồng/người. Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Nghệ An còn nhiều khó khăn là do một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù chậm được ban hành, thiếu giải pháp đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 36 năm 2021 thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho Nghệ An, tuy nhiên qua 2 năm thực hiện nhưng chưa đủ động lực để đưa Nghệ An phát triển. Năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 với yêu cầu cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Nghệ An, nâng cao đời sống của người dân. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình cao với việc bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Nghệ An.

Với những cơ chế đặc thù bổ sung cho Nghệ An lần này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu tin tưởng sẽ góp phần tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư. Chẳng hạn trong việc quản lý đầu tư, tỉnh Nghệ An được thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; được tăng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án PPP lên không quá 70% trong một số lĩnh vực và địa bàn nhất định; được thực hiện hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông, hạ tầng...

Tỉnh cũng được quyết định việc tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công đối với chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc một số lĩnh vực cụ thể.

Trước những hiệu quả mà cơ chế, chính sách đặc thù mang lại, nhiều đại biểu có đề xuất tổng kết đánh giá các địa phương đã thực hiện, từ đó nhân rộng ra các tỉnh, thành khác, nhất là những nơi còn khó khăn, vùng sâu vùng xa. “Tôi cho rằng cần ưu tiên các tỉnh khó khăn, tỉnh chưa phát triển, tỉnh còn nghèo, tỉnh ở xa trung tâm và phải coi đây là cơ hội để lãnh đạo của các tỉnh thể hiện năng lực, hiểu biết, trình độ; đóng góp vào chiến lược, phương hướng phát triển của địa phương mình. Đặc biệt, đây là cách làm để tạo sự bình đẳng giữa các tỉnh, thành,” đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nêu quan điểm tại phiên thảo luận hội trường về chính sách đặc thù cho Đà Nẵng.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, khi có chủ trương nhân rộng thì cần nghiên cứu kỹ, xem xét kỹ lưỡng về các điều kiện cụ thể của các địa phương trước khi triển khai áp dụng. Cụ thể, cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương, trong đó xác định những điểm yếu, điểm mạnh và tiềm năng phát triển của địa phương đó. Xác định rõ nhu cầu phát triển của từng địa phương, từ đó xây dựng các cơ chế đặc thù phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

NỘI DUNG: ĐINH NHUNG; THIẾT KẾ: HÀ ANH

NỘI DUNG: ĐINH NHUNG; THIẾT KẾ: HÀ ANH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/co-che-dac-thu-mo-rong-du-dia-dau-tu-thu-hut-nguon-luc-dua-dia-phuong-cat-canh-31018.html
Zalo