Cơ chế đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân quy định hai chính sách cho nhóm doanh nghiệp để đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; áp dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Dự thảo dành ra một chương quy định về hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong. Theo đó, để đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự thảo nghị quyết quy định hai chính sách cho nhóm doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định: Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Theo đó, nhà nước bố trí ngân sách cho hai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân theo hai chương trình.

Thứ nhất là Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xanh, công nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ. Thứ hai là Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global), hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp và kết nối với tập đoàn đa quốc gia.

Nghị quyết còn đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định ưu đãi, tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định ưu đãi, tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Thẩm tra nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68 tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.

Theo ông Mãi, do thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày được Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán Nghị quyết số 68.

Đặc biệt, về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Lê Bảo - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-che-dac-biet-de-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-169250515155132703.htm
Zalo