Cơ chế, chính sách đặc thù có ý nghĩa chiến lược
ThS Bùi Thái Hà, Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội cho biết, các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô 2024 không chỉ cần thiết mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Hà Nội. Việc triển khai hiệu quả những cơ chế này sẽ quyết định vị thế và vai trò của Hà Nội trong quá trình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Luật Thủ đô 2024

Biểu diễn nghệ thuật trên phố cổ Hà Nội. Ảnh Hải Linh
Nền tảng pháp lý vững chắc để xây dựng Thủ đô
Chia sẻ về cơ chế, chính sách đặc thù của Luật Thủ đô 2024, ThS Bùi Thái Hà cho biết, Luật Thủ đô 2024 là một văn bản pháp luật đặc biệt quy định về vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô của quốc gia. Trên thế giới có ít nhất 11 quốc gia có Luật Thủ đô 2024. Thủ đô không giống với các TP khác, bởi thường là nơi tập trung quyền lực chính trị, kinh tế và đầu não của bộ máy hành chính.
Luật Thủ đô 2024 đóng vai trò là nền tảng pháp lý vững chắc để xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật Thủ đô 2024 quy định các chính sách đặc thù, vượt trội để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Điều này bao gồm cả việc cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn so với luật khác được ban hành sau ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực. Luật Thủ đô 2024 cụ thể hóa về cách thức hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng, nâng cao trình độ chuyên môn theo đúng sở trường, góp phần hiệu quả, thiết thực cho sự phát triển của Thủ đô.
Việc thực hiện Luật Thủ đô 2024 còn nhằm mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Luật Thủ đô 2024 cũng hướng tới việc xây dựng Hà Nội trở thành một TP kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao. Có thể nói, Luật Thủ đô 2024 không chỉ là khung pháp lý mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững và giữ vững vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Cơ chế, chính sách đặt thù giúp Hà Nội linh hoạt, phát triển
ThS Bùi Thái Hà cho biết thêm, Luật Thủ đô 2024, với các cơ chế đặc thù tạo ra một khung pháp lý phù hợp hơn với đặc điểm của Thủ đô. Các cơ chế, chính sách đặc thù giúp Hà Nội có khả năng tự chủ và linh hoạt hơn trong việc quản lý và phát triển, từ quy hoạch đô thị, quản lý tài chính, phát triển nguồn nhân lực đến bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Điều này cho phép TP chủ động ứng phó với các thách thức, khai thác tối đa tiềm năng và phát huy vai trò đầu tàu, động lực thúc đẩy sự phát triển của cả vùng và quốc gia.
Các cơ chế, chính sách đặc thù về phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài để Hà Nội có thể cạnh tranh và thu hút được những người giỏi nhất trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, năng động, thúc đẩy đổi mới và phát triển trên mọi lĩnh vực. Việc tăng cường liên kết vùng sẽ giúp phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, tận dụng lợi thế của từng địa phương, giảm tải cho khu vực trung tâm, phát triển các đô thị vệ tinh và tạo ra sự phát triển cân đối, hài hòa trong cả vùng.
"Các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô không chỉ cần thiết mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Hà Nội. Việc triển khai hiệu quả những cơ chế này sẽ quyết định vị thế và vai trò của Hà Nội trong quá trình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế"- ThS Bùi Thái Hà chia sẻ.

"Bến hoa Phúc Xá" dưới chân cầu Long Biên được đông đảo người dân và du khách tìm đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: T.L
Khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô 2024
Theo ThS Bùi Thái Hà, để khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô, cần có sự phối hợp đồng bộ và nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền TP, DN và người dân. Theo đó, cần ban hành kịp thời và chất lượng các văn bản quy định chi tiết để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô 2024. Các cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng quy định và kiểm soát nội dung chi tiết được ủy quyền, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi của các văn bản. Ưu tiên cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để có thể áp dụng ngay. Các sở, ban, ngành cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, có khả năng thực hiện ngay. Đối với các nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi ban hành.
Nâng cao năng lực và quyền lực cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thực thi tại địa phương, thông qua đào tạo, trang bị công nghệ hiện đại và cung cấp đủ nguồn lực tài chính. Xây dựng và giám sát việc thực hiện cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện luật. Có thể xem xét thành lập các ban chỉ đạo liên ngành hoặc cơ chế phối hợp đặc thù cho các dự án lớn. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng quy trình quản lý, giám sát khoa học, hiệu quả. Tranh thủ nguồn lực hiện có, thay đổi cách nghĩ, tiếp cận quan điểm phát triển mới để tập trung phát triển các lĩnh vực cơ bản của TP.
Xây dựng cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân cấp của các cấp chính quyền Thủ đô. Cần cải tiến cơ chế giám sát, bao gồm việc sử dụng công nghệ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát cũng như tổng kết, đánh giá hiệu quả thực hiện để bảo đảm triển khai đúng quy định của Luật Thủ đô 2024.
Thủ đô Hà Nội là chủ thể rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân ta. Thủ đô Hà Nội tham gia trực tiếp vào các hoạt động đối ngoại của cả nước và vào việc kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho đất nước phát triển và hội nhập quốc tế về chính trị, đối ngoại, an ninh và kinh tế đối ngoại. Vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù có thể đưa lại cho Thủ đô Hà Nội nhiều đột phá phát triển thông qua khai thác, tận dụng và phát huy vị thế, uy tín của Thủ đô trên thế giới.