Cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Động lực mới cho hiệu quả quản trị Quốc gia

Ngày 5/2, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tờ trình của Chính phủ cho biết, trước những yêu cầu cấp bách của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, việc tinh gọn bộ máy Chính phủ trở thành nhiệm vụ quan trọng, không chỉ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn đáp ứng xu hướng quản trị hiện đại.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Sự thay đổi này được đặt trong bối cảnh bộ máy Chính phủ giai đoạn 2021-2024 dù đạt được những thành quả rất quan trọng nhưng vẫn tồn tại những hạn chế như, sự chồng chéo về chức năng, sự phân tán nguồn lực và hệ thống tổ chức cồng kềnh. Mặc dù 22 cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ trước đã có những cải tiến nhất định, nhưng việc tối ưu hóa bộ máy hành chính là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng suất và hiệu suất vận hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia.

Theo tờ trình của Chính phủ, bộ máy mới sẽ được tái cấu trúc theo hướng giảm từ 22 cơ quan xuống còn 17, gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ. Trong đó, một số thay đổi đáng chú ý bao gồm: thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, tích hợp chức năng quản lý bảo hiểm xã hội và quyền đại diện chủ sở hữu tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, đồng thời chuyển chức năng sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an; hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tiếp nhận nhiệm vụ giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Những cải cách này không chỉ hướng đến việc tinh giản bộ máy hành chính mà còn nhằm bảo đảm sự liên kết giữa các lĩnh vực quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu chi phí vận hành. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu còn giúp tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước, đảm bảo rằng mỗi bộ, ngành có chức năng rõ ràng, không bị chồng chéo, đồng thời tạo điều kiện cho việc thực thi chính sách một cách đồng bộ, hiệu quả hơn...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ triển khai các bước cụ thể để bảo đảm bộ máy vận hành hiệu quả, bao gồm việc ban hành các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ; điều chỉnh quy chế làm việc, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm giữa các cấp quản lý; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương để tránh tình trạng chồng chéo và giảm thiểu rào cản hành chính.

Các chuyên gia pháp chế cho rằng, việc tái cấu trúc Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là một bước đi chiến lược, phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ của hệ thống hành chính Việt Nam. Đây không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là sự khẳng định quyết tâm nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, và hướng tới một Chính phủ hiện đại, minh bạch, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-cau-to-chuc-moi-cua-chinh-phu-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-xv-dong-luc-moi-cho-hieu-qua-quan-tri-quoc-gia-160241.html
Zalo