Cơ cấu đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động
Trước những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, khó tìm doanh nghiệp hợp tác toàn diện... đòi hỏi nhà trường cần có chiến lược đổi mới đào tạo nghề toàn diện.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng đã có những chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm "Đổi mới đào tạo nghề từ chất: Định vị vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập" do Báo Công Thương tổ chức sáng 18/7.
Cần sự đồng bộ từ thiết bị, công nghệ mới đến yếu tố con người
PV: Với vai trò là đơn vị trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực ngành Công Thương, ông đánh giá như thế nào về thực trạng và nhu cầu nguồn nhân lực đào tạo nghề hiện nay nói chung và ngành Công Thương nói riêng và thưa ông, với đặc thù đào tạo những lĩnh vực trực tiếp liên quan đến phát triển hạ tầng, sản xuất và công nghiệp hóa đất nước, ông có thể chia sẻ về quá trình đào tạo nghề tại trường hiện nay, đặc biệt là vai trò trong hệ sinh thái cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Công Thương?

Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng. Ảnh: Quốc Chuyển
Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng nghề, đặc biệt là các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so với các nước trong khu vực, cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Ngành Công Thương có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực qua đào tạo nghề, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng, dệt may, da giày…; Các doanh nghiệp trong ngành Công Thương đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng chuyên môn vững vàng, kỹ năng mềm tốt, khả năng làm việc độc lập và theo nhóm, khả năng học hỏi và thích ứng nhanh với công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao, đặc biệt là các vị trí kỹ thuật, quản lý.
Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, trực thuộc Bộ Công thương được thành lập từ năm 1977, Quy mô đào tạo của nhà trường hiện nay gần 10.000 học sinh sinh viên/năm với các ngành nghề đào tạo cung ứng cho ngành công thương như Điện, Cơ khí, Ô tô, Xây dựng, Du lịch dịch vụ…
Với bề dày gần 50 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, hàng năm nhà trường cung ứng cho thị trường lao động một số lượng lớn công nhân kỹ thuật và kỹ sư thực hành lành nghề góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như thể hiện vai trò trong hệ sinh thái cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Công Thương.
Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực rất lớn để xây dựng uy tín, thương hiệu và đặc biệt là xây dựng hoàn thiện triết lý giáo dục của mình, thể hiện qua một số định hướng trong thực hiện mô hình quản lý đào tạo của nhà trường như: Đào tạo bám sát nhu cầu doanh nghiệp; Tăng cường liên kết doanh nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo; chú trọng thực hành và ứng dụng; phát triển kỹ năng mềm và năng lực số cho học sinh sinh viên; chuyển đổi số trong đào tạo.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên tốt nghiệp được đánh giá cao về kỷ luật, tay nghề và khả năng thích nghi với môi trường lao động hiện đại. Nhiều sinh viên được doanh nghiệp "đặt hàng tuyển dụng" ngay từ học kỳ cuối.
Những nỗ lực này giúp nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nhà trường tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nhằm đáp ứng đầu ra của nguồn nhân lực sau đào tạo
PV: Là đơn vị đào tạo các ngành nghề mang tính chuyên sâu, đòi hỏi thiết bị, công nghệ và quy trình cập nhật, ông có thể chia sẻ những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo sát với yêu cầu doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Việc duy trì chất lượng đào tạo mang lại niềm tin cho người học là việc làm thường xuyên liên tục, đặc biệt là đào tạo nghề mang tính chuyên sâu đòi hỏi có sự đồng bộ từ thiết bị, công nghệ mới đến yếu tố con người, nhất là trong giai đoạn đổi mới này. Những khó khăn thách thức đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là không hề nhỏ, chúng tôi nhận thấy một số khó khăn mà phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều đang vướng đó là:
Thiếu hụt nguồn lực tài chính: Chi phí đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, đặc biệt là các thiết bị chuyên dùng cho các ngành công nghệ cao trong khi nguồn ngân sách nhà nước cấp còn hạn chế, khó đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ; khó khăn trong chuyển đổi số đầu tư hạ tầng số; chi phí đầu tư cho chuyển đổi số (mua phần mềm, đào tạo giảng viên, xây dựng hệ thống quản lý) là những thách thức lớn đối với các trường.
Khó cạnh tranh với các doanh nghiệp trong thu hút giáo viên giỏi, giữ chân giảng viên giỏi, có kinh nghiệm thực tế, cần có chính sách đãi ngộ tốt về lương, thưởng, cơ hội phát triển chuyên môn.
Thay đổi nhanh chóng của công nghệ: Sự thay đổi nhanh của công nghệ khiến cho chương trình đào tạo, thiết bị, máy móc nhanh chóng trở nên lạc hậu, đòi hỏi nhà trường phải liên tục cập nhật, đổi mới; khó dự đoán được xu hướng phát triển của công nghệ trong tương lai để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
Hợp tác doanh nghiệp: Khó tìm được doanh nghiệp để hợp tác toàn diện, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có công nghệ hiện đại và sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho học sinh sinh viên thực hành thực tập trên những thiết bị tiên tiến, đắt tiền.
Tuyển sinh trình độ cao đẳng: Tâm lý khoa bảng vẫn chưa được cởi bỏ, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh trình độ cao đẳng.
Để vượt qua những khó khăn này, các trường cần có chiến lược phát triển rõ ràng, tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, chủ động chuyển đổi số và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Trong quá trình đổi mới đào tạo nghề, nhà trường đã triển khai nhiều mô hình đào tạo mang tính đột phá, tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế
Xây dựng mô hình "xưởng trường" ứng dụng thực tiễn
PV: Để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trường đã triển khai những mô hình đào tạo nào mang tính đột phá nhằm đáp ứng nguồn nhân lực ngành sát thực tiễn?
Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Trong quá trình đổi mới đào tạo nghề, nhà trường đã triển khai nhiều mô hình đào tạo mang tính đột phá, tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế: Một số mô hình tiêu biểu mà nhà trường đã triển khai cố hiệu quả như:
Đào tạo theo đơn đặt hàng: Doanh nghiệp chủ động đưa ra yêu cầu về số lượng, chất lượng, kỹ năng của nhân lực, nhà trường thiết kế chương trình và tổ chức đào tạo theo yêu cầu đó tại Doanh nghiệp.
Đào tạo kép (Dual Training): Kết hợp đào tạo lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp, sinh viên luân phiên học tập và làm việc thực tế tại doanh nghiệp.
Tích hợp chuyển đổi số: Ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ quản lý, giảng dạy, học tập đến kiểm tra, đánh giá.
Kết nối doanh nghiệp: Mở rộng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác về đào tạo, thực tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trao đổi giảng viên, sinh viên.
Các mô hình đột phá khác: Xây dựng "xưởng trường" giúp sinh viên thực hành ngay tại trường với các thiết bị hiện đại, mô phỏng môi trường làm việc thực tế; tổ chức các cuộc thi kỹ năng nghề cấp trường, tham gia thi khối nghề nghiệp cấp quốc gia để khuyến khích sinh viên rèn luyện tay nghề, giao lưu học hỏi kinh nghiệm; …
Những mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề mà còn góp phần xây dựng hệ sinh thái gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Với tầm nhìn xa hơn, nhà trường đã vạch ra những định hướng chiến lược như hướng tới đào tạo chất lượng nguồn nhân lực vượt trội; liên kết chặt chẽ, toàn diện với doanh nghiệp; hội nhập quốc tế sâu rộng; Năng lực số vững mạnh; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; môi trường học tập, rèn luyện lý tưởng; xây dựng thương hiệu, uy tín... Nếu đạt được những định hướng đó, nhà trường sẽ trở thành trung tâm đào tạo nghề hàng đầu khu vực, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.