Có bước đệm quan trọng, kinh tế Việt Nam vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới

Kết quả tăng trưởng kinh tế vững vàng năm 2024 là bước đệm quan trọng, vững chắc để Việt Nam tự tin cho những mục tiêu cao hơn trong năm nay.

Năm 2025, Việt Nam được thừa hưởng động lực tăng trưởng cao và sự phục hồi của nền kinh tế vững chắc từ năm 2024. (Ảnh: Gia Thành)

Năm 2025, Việt Nam được thừa hưởng động lực tăng trưởng cao và sự phục hồi của nền kinh tế vững chắc từ năm 2024. (Ảnh: Gia Thành)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2024, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Tăng trưởng GDP của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn.

Bước sang năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%. Trong khi đó, Chính phủ đặt dự kiến ít nhất 8-10% trong điều kiện thuận lợi. Mức này sẽ tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Có cơ sở để GDP đạt 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm nhận định tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 rằng, với những thành tựu ấn tượng của năm 2024, có cơ sở để kinh tế năm 2025 tăng trưởng 8%.

Trong đó, yêu cầu Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được đặt ra rất cao đối với các địa phương đầu tàu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…, với mức tăng trưởng tối thiểu ở mức 8-10%.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, năm nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam được thừa hưởng động lực tăng trưởng cao và sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế năm 2024.

Trong đó, việc hệ thống thể chế được hoàn thiện, bộ máy được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả là động lực sẽ giúp nền kinh tế sẽ đạt được nhiều kết quả cao.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, mặc dù đất nước đã thực hiện việc miễn, giảm, hoãn thuế khoảng 197.000 tỷ đồng, nhưng cuối năm vẫn tăng thu, khoảng 337.000 tỷ đồng. “Điều này cho thấy, nếu như tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì sẽ thu được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ quay lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn", Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nói.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng cao phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động kinh tế trong năm 2025.

Theo ông Khoa, ngành sản xuất của đất nước đã thoát khỏi khó khăn, hồi phục như thời kỳ trước đại dịch. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan tỏa ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.

Về chỉ tiêu lạm phát, diễn biến giá cả đang chuyển biến thuận lợi hơn từ nửa sau của năm 2024, lạm phát cũng được kiểm soát phần lớn. Áp lực đối với một số sản phẩm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm bớt. Vì vậy, Nhóm nghiên cứu Ngân hàng HSBC duy trì dự báo lạm phát năm 2025 sẽ ở mức 3,0% - dù vẫn cần theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa.

Dự án điện gió tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Nguồn: Trungnam Group)

Dự án điện gió tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Nguồn: Trungnam Group)

Động lực quan trọng

Trong tương lai, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, chuyển đổi kép (bao gồm chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia. Chuyển đổi kép giúp các quốc gia hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và số hóa.

Lấy ví dụ từ Trung Quốc, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay, nền kinh tế số lớn nhất thế giới đã triển khai sáng kiến “Dữ liệu miền Đông, điện toán miền Tây”. Sáng kiến nhằm dịch chuyển các trung tâm dữ liệu từ khu vực miền Đông - vốn hạn chế về tài nguyên đất đai và năng lượng - sang khu vực miền Tây để tận dụng điều kiện thời tiết mát hơn, năng lượng sạch và các nguồn tài nguyên, với chi phí hiệu quả.

Ông Ngô Đăng Khoa nhận thấy, đất nước hình chữ S - một quốc gia năng động bậc nhất châu Á cũng như thế giới - có thể nắm bắt xu thế này.

Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam có thể lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép.

Chẳng hạn, đất nước đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Năm 2025 sẽ là một năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, đơn cử như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%”.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, Việt Nam là một trong nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 16%.

Vị chuyên gia này cũng đánh giá, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để triển khai chuyển đổi kép.

Thứ nhất, đất nước có thuận lợi về những yếu tố nhân khẩu học. Cụ thể như: Dân số 100 triệu người, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%, gần 80% dân số sử dụng Internet, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với thập kỷ trước… Những thuận lợi này góp phần mở ra tiềm năng lớn về tiêu dùng số cho Việt Nam.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là một trong nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 16%. Xét về tổng giá trị hàng hóa giao dịch, đất nước hình chữ S cũng có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai vào năm 2030.

Thứ hai, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo khi sở hữu điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng Mặt trời. Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước đang phát triển về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năng lượng tái tạo.

Dù vậy, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức. Việc nâng cao trình độ hiểu biết về chuyển đổi số trong người dân là ưu tiên hàng đầu. Song song với đó, để tận dụng nhân khẩu học và đạt được tham vọng số, các khoản đầu tư cần được chuyển hướng, không chỉ vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI) mà còn vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục số và cơ sở hạ tầng truyền thống.

Thêm vào đó, cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ. Vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD, chưa đến một nửa vốn đầu tư cần thiết.

“Do đó, ngân hàng toàn cầu như HSBC có vai trò tạo điều kiện khơi thông dòng chảy vốn, kết nối nhà đầu tư, cung cấp cho khách hàng kiến thức chuyên môn liên quan và dẫn vốn đi đúng hướng”, ông Khoa gợi ý.

Ngoài ra, một điểm quan trọng mà Việt Nam cần làm ngay trong năm nay chính là tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng. Đây là một trong những nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút dòng vốn FDI chất lượng vào Việt Nam.

Chính phủ đang cho thấy một thái độ rất quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế. Đây sẽ là một bệ phóng quan trọng, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, vững vàng tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-buoc-dem-quan-trong-kinh-te-viet-nam-vung-vang-tien-vao-ky-nguyen-moi-300887.html
Zalo