Có bao nhiêu tiền sẽ cảm thấy hạnh phúc?

Số tiền bạn có đôi khi không tỉ lệ thuận với sự hài lòng của bản thân. Sự thỏa mãn về tiền bạc của con người còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến môi trường sống.

 Nhưng người có nhu cầu cao hơn thu nhập thường cảm thấy bất an về tiền bạc. Ảnh minh họa: L.Đ.

Nhưng người có nhu cầu cao hơn thu nhập thường cảm thấy bất an về tiền bạc. Ảnh minh họa: L.Đ.

Có vẻ khá dễ rút ra kết luận “tiền có thể làm cho mọi người hạnh phúc, nhưng nhiều tiền hơn chưa chắc mang lại nhiều hạnh phúc hơn”. Song một số người lại cho rằng “tiền không mang lại hạnh phúc mà chỉ giúp giảm bớt nỗi đau”.

Theo họ, dù là nghiên cứu của Đại học Princeton hay nghiên cứu của Đại học Purdue đều không thể xác định “kiếm được bao nhiêu tiền thì hạnh phúc”, chi bằng kết luận rằng “kiếm được bao nhiêu tiền thì có thể tránh bất hạnh”.

Tập đoàn truyền thông Anh BBC từng ghi hình một thí nghiệm: Chia những người tham gia thí nghiệm thành hai nhóm, một nhóm cầm tiền và một nhóm cầm giấy với số lượng như nhau, sau đó để người tham gia ngâm tay vào thùng nước đá trong 30 giây và đo mức độ đau đớn mà đối tượng cảm thấy theo thang đo Likert [1].

Kết quả cho thấy nhóm người cầm tiền có thể chịu đựng với thời gian gấp đôi nhóm người cầm giấy. Điều này cho thấy tiền giúp giảm cảm giác đau đớn của người tham gia thí nghiệm.

Tiếp tục với “thí nghiệm loại trừ xã hội”. Người tham gia thử nghiệm chuyền bóng cho nhân vật ảo trong máy tính, sau đó hai nhân vật ảo tự chuyền bóng cho nhau chứ không hề chuyền cho người tham gia thí nghiệm. Kết quả từ thang đo Likert chỉ ra rằng nhóm người cầm tiền ít cảm thấy tổn thương vì bị từ chối hơn nhóm còn lại.

Như vậy, tiền không chỉ giúp con người chống lại nỗi đau thể xác mà còn chống lại nỗi đau tinh thần do đổ vỡ các mối quan hệ xã hội. Kết luận này dường như cung cấp bằng chứng cho việc bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần theo pháp luật. Khi bị người khác nói xấu, xúc phạm, có người chọn cách kiện đòi bồi thường và đồng tiền đóng vai trò xoa dịu nỗi đau tâm lý.

Vào tháng 08/2010, các nhà tâm lý học người Bỉ thực hiện một thí nghiệm thú vị: Họ chia những người tham gia thí nghiệm thành hai nhóm, nhóm thứ nhất ăn chocolate sau khi nhìn thấy tiền, nhóm thứ hai ăn chocolate mà không nhìn thấy tiền.

Kết quả cho thấy chỉ số cảm nhận của nhóm nhìn thấy tiền trước khi ăn thấp hơn nhóm không nhìn thấy. Điều này cũng phù hợp với nhiều ví dụ thực tế rằng người có lương cao thường khó cảm nhận niềm vui từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hơn.

Tại sao tiền không khiến chúng ta hạnh phúc hơn?

Có ít nhất hai quy luật kinh tế học đang diễn ra.

- Một là lợi ích cận biên giảm dần: Khi mức độ vật chất tuyệt đối tăng lên, chúng nhanh chóng trở thành một phần tự nhiên của cuộc sống và không còn mang đến kích thích mới. Điều này cũng giống như khi điều kiện sống khó khăn, ta chỉ được ăn thịt vào dịp Tết và nó mặc nhiên được coi là quý.

Bây giờ cuộc sống khá hơn, gà vịt thịt cá trở thành món ăn quen thuộc, thậm chí đôi khi còn ăn nhiều đến nhàm. Với sự cải thiện về đời sống vật chất, chi phí cho hạnh phúc vật chất ngày càng cao, nếu muốn có mức độ hạnh phúc như trước, bạn phải kiếm nhiều tiền hơn.

Đúng như nhà kinh tế học Daniel W. Sacks từng kết luận sau một cuộc khảo sát nhiều nhóm người ở các quốc gia khác nhau: Con người ngày càng tham lam về của cải. Không phải thu nhập tăng 1 USD thì cảm giác hạnh phúc sẽ tăng thêm 1 USD. Thay vào đó, sự giàu có phải tăng lên theo cấp số nhân để tạo ra hạnh phúc giống như trước đây.

- Hai là so sánh xã hội: Hạnh phúc thường không đến từ việc chúng ta thực sự cảm thấy thế nào, mà nó bắt nguồn từ sự so sánh với những người xung quanh. Nhiều người tự tạo ra một nhóm đối tượng để so sánh với bản thân, khi thấy ai trong số đó mua được ngôi nhà lớn hơn, họ cảm thấy nhà mình thật chật chội; khi ai đó mua được chiếc xe sang trọng hơn, thì họ cảm thấy chiếc xe cũ của họ thật chật chội. Họ không còn hài lòng với nó nữa.

Những ví dụ này chứng tỏ một điều: Chúng ta sẽ thấy thỏa mãn và có cảm giác mình "giàu có hơn mức thực tế" khi sống trong một cộng đồng có điều kiện kinh tế kém hơn. Ngược lại, nếu bạn có thu nhập ở mức trên trung bình, khá thoải mái nếu sống ở các khu ngoại ô dành cho tầng lớp trung lưu. Nhưng đến một ngày, với từng đó tiền bạn chuyển tới sống ở các khu biệt thự cao cấp dành cho giới tinh hoa thì mọi chuyện sẽ khác.

Xung quanh là những người hàng xóm có mức thu nhập gấp hàng chục, thậm chí cả trăm lần bạn, bạn sẽ thấy điều kiện tài chính của bản thân trở nên eo hẹp, những món đồ làm bạn thỏa mãn trước kia sẽ không làm bạn thấy hài lòng ở hiện tại nữa.

[1] Thang đo mức độ hài lòng, đồng tình, tần suất, tầm quan trọng, chất lượng… thường được chia thành năm cấp độ, ví dụ đối với trường hợp trên có thể là: Rất đau đớn - Đau đớn - Bình thường - Không đau đớn - Hoàn toàn không đau đớn.

Tạ Tôn Bác/ Skybooks & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/co-bao-nhieu-tien-se-cam-thay-hanh-phuc-post1553904.html
Zalo