Cơ bản khống chế dịch lở mồm long móng trên trâu bò ở huyện Kỳ Anh

Sau nhiều nỗ lực trong công tác dập dịch, đến thời điểm hiện tại, dịch lở mồm long móng ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã cơ bản được khống chế, không phát sinh trâu bò mắc bệnh.

Ngày 12/9, thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) phát hiện các ca bệnh lở mồm long móng (LMLM) đầu tiên trên đàn trâu bò. Đến ngày 17/9, xã Kỳ Bắc có 2 thôn, 12 hộ có dịch với 23 con trâu bò mắc bệnh.

Để khống chế dịch và bảo vệ đàn trâu bò 685 con trên địa bàn, ngay khi dịch bùng phát đến nay, xã đã tiến hành tiêm phòng bao vây 441 liều vắc xin, tiêm phòng đợt 1/2024 243 liều; sử dụng 20 lít hóa chất phun phòng và 350 kg vôi bột để khử khuẩn. Cũng từ ngày 17/9 đến nay, xã Kỳ Bắc không phát hiện thêm trâu bò mắc bệnh LMLM.

 Bò của gia đình ông Hoàng Nhật Cường (thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc) được phát hiện bệnh lở mồm long móng vào ngày 12/9.

Bò của gia đình ông Hoàng Nhật Cường (thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc) được phát hiện bệnh lở mồm long móng vào ngày 12/9.

Ông Lê Quang Hanh - Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc cho biết: "Địa phương đã rất nỗ lực trong triển khai các biện pháp khống chế và dập dịch. Đặc biệt là kịp thời phát hiện và bao vây ổ dịch, huy động cả hệ thống chính trị tập trung cao các giải pháp như: cách ly, chăm sóc vật nuôi bị bệnh, tổ chức phun hóa chất, rải vôi bột tiêu độc, khử trùng chuồng trại và tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh…".

Sau khi xuất hiện dịch bệnh ở Kỳ Bắc, dịch bệnh tiếp tục lây lan lên địa bàn 3 xã: Kỳ Giang phát hiện dịch vào ngày 13/9; Kỳ Đồng ngày 14/9; Kỳ Khang ngày 27/9. Trong đó, Kỳ Khang có ca bệnh cuối cùng phát hiện vào ngày 3/10.

 Cán bộ thú y xã Kỳ Bắc phun thuốc dập dịch.

Cán bộ thú y xã Kỳ Bắc phun thuốc dập dịch.

Theo báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh của UBND huyện Kỳ Anh, trong đợt dịch này, toàn huyện có 4 xã, 7 thôn, 30 hộ với 56 con trâu bò bị bệnh, trong đó có 6 con bị chết và tiêu hủy. Đến thời điểm này, diễn biến dịch bệnh tại 4 xã ổn định, không phát sinh ca bệnh mới, các ca bệnh cũ đang dần khỏi triệu chứng lâm sàng.

Ông Phan Công Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết: “Mặc dù không phát hiện các ca mắc mới, nhưng theo quy định của cơ quan thú y, ở các vùng có dịch, sau 21 ngày kể từ khi ghi nhận ca bệnh cuối cùng thì địa phương mới được công bố hết dịch. Vì vậy, nếu tình hình tiếp tục ổn định thì ngày 23/10 huyện Kỳ Anh sẽ được công bố hết dịch lở mồm long móng trên đàn trâu bò”.

 Các giải pháp dập dịch được xã Kỳ Giang thực hiện.

Các giải pháp dập dịch được xã Kỳ Giang thực hiện.

Được biết, cùng với nỗ lực phòng chống dịch bệnh LMLM, toàn huyện đã tiến hành tiêm phòng bao vây dập dịch 1.244 liều vắc xin; tiêm phòng đợt 1 năm 2024 với 837 liều; sử dụng 89 lít hóa chất, 1.195 kg vôi bột để tiêu độc khử trùng…

Hầu hết các địa phương của huyện Kỳ Anh đã tiến hành tiêm phòng đợt 1 năm 2024, đạt từ 70 - 100%; chỉ còn 3 xã (Kỳ Phong, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng) đạt dưới 60%. Với lượng vắc xin đã được cung ứng đầy đủ, các địa phương đang tiếp tục tập trung cao, sớm hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng.

 Cán bộ thú y ở xã Kỳ Đồng tập trung tiêm phòng cho đàn gia súc.

Cán bộ thú y ở xã Kỳ Đồng tập trung tiêm phòng cho đàn gia súc.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: "Hiện nay, huyện chỉ đạo các xã có dịch cũng như các địa phương còn lại tiếp tục tập trung công tác phòng dịch, tuyệt đối không lơ là. Cùng với phấn đấu có 100% số xã tiêm phòng đợt 1 đạt trên 90% trở lên, các địa phương cũng sẵn sàng phương án ứng phó trong điều kiện dịch bệnh tái bùng phát; tiếp tục phân công cán bộ bám địa bàn để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện các dấu hiệu phát bệnh trên đàn gia súc, gia cầm...".

Thời tiết nóng, ẩm trong những ngày qua cũng ảnh hưởng lớn đến đàn gia súc, gia cầm, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Vì vậy, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, huyện Kỳ Anh tiếp tục chỉ đạo bà con tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Các địa phương tiếp tục siết chặt công tác quản lý hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, nhất là đối với con giống nhập vào địa phương... để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác.

Vũ Huyền

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/co-ban-khong-che-dich-lo-mom-long-mong-tren-trau-bo-o-huyen-ky-anh-post275775.html
Zalo