Có bài báo khoa học bị rút là chuyện rất đau buồn trong nghiên cứu khoa học
Một bài báo khoa học do nhóm tác giả Việt thực hiện đăng trên Tạp chí Environmental Science and Pollution Research (thuộc Nhà xuất bản Springer) vừa bị rút lại.
Vừa qua, một bài báo khoa học do nhóm các tác giả Việt Nam thực hiện, đăng trên Tạp chí Environmental Science and Pollution Research (thuộc Nhà xuất bản Springer) đã bị rút (retracted).
Cụ thể, bài báo khoa học có tiêu đề “Moderating role of green knowledge sharing and employee green behavior among the relationship of green supply chain management, green entrepreneurship, and sustainable development goal: evidence from Vietnam textile sector”, xuất bản ngày 31/3/2023 (bị rút ngày 21/9/2024).
Nhóm tác giả thực hiện gồm tác giả đầu: Thi Thu Thuy Nguyen (Nguyễn Thị Thu Thủy, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội); các đồng tác giả thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân gồm Hong Chuong Pham (Phạm Hồng Chương), Quoc Hoi Le (Lê Quốc Hội), Van Hung Bui (Bùi Văn Hưng) và Thi Thu Lien Nguyen (Nguyễn Thị Thu Liên). Và tác giả liên hệ là Thi Thu Hien Phan (có thể là Phan Thị Thu Hiền, Trường Đại học Ngoại Thương).
Ngay sau khi thông báo rút bài được công bố, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc cần làm rõ các thông tin liên quan. Bởi, có những đồng tác giả của bài báo bị rút đang giữ các chức vụ rất quan trọng.
Bên cạnh đó, tác giả Phan Thị Thu Hiền trong 3 năm liên tiếp gần đây (2022, 2023, 2024) cũng có nhiều bài báo bị Tạp chí này rút lại bởi cùng lý do trên.
Cần sớm có kết luận khách quan
Theo Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP) thuộc Trường Đại học Văn Lang, việc một bài báo khoa học bị rút có thể nói là vấn đề không mong đợi trong hoạt động khoa học; do đó, đây đương nhiên là điều bất thường.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến việc một bài báo khoa học bị rút. Trong đó, có thể có lỗi kỹ thuật trong quá trình xuất bản. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Văn Út nhận định nguyên nhân thường xuyên nhất của việc rút bài là liên quan đến liêm chính nghiên cứu khoa học như gian lận, bịa đặt và đạo văn trong hoạt động nghiên cứu.
“Nói chung, việc một bài báo khoa học bị rút (retracted) có thể mang lại nỗi buồn không chỉ cho tác giả mà còn cho cả tạp chí đăng bài, cho cơ quan của tác giả.
Thông tin rút bài đều được lưu lâu dài trong các cơ sở dữ liệu khoa học nên tất nhiên ảnh hưởng không ít đến các bên liên quan”, Trưởng nhóm nghiên cứu SARAP Trường Đại học Văn Lang đánh giá.
Phân tích thêm, thầy Út cho biết, tùy theo nguyên nhân của việc rút bài mà mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau.
Nếu một tác giả liên tiếp có bài báo khoa học bị rút cho thấy hoạt động nghiên cứu của tác giả có những vấn đề không ổn. Dù vậy, Tiến sĩ Lê Văn Út cũng nhấn mạnh rằng việc có bài báo khoa học bị rút là “chuyện rất đau buồn trong nghiên cứu khoa học. Có thể, có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề này. Tuy nhiên, dù thế nào thì tác giả rất cần được chia sẻ, thậm chí rất cần được động viên khi gặp phải những rủi ro không mong đợi trong hoạt động khoa học.
Tiếp theo, cơ quan của tác giả nên tổ chức xem xét cẩn thận và từ đó có kết luận khách quan nhất trên tinh thần các bên liên quan đều được bảo vệ một cách đầy đủ, phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế”.
Trong thông báo rút bài đăng trên cổng thông tin tra cứu SpringerLink (thuộc nhà xuất bản Springer Nature), nhà xuất bản cho biết, việc rút bài này căn cứ trên sự đồng thuận giữa Nhà xuất bản và Tổng biên tập của tạp chí.
Một cuộc điều tra do Nhà xuất bản tiến hành đã phát hiện bài báo này nằm trong một nhóm bài có một số vấn đề đáng lo ngại, liên quan đến việc thao túng phản biện, trích dẫn không phù hợp hoặc không liên quan.
Nêu quan điểm về các lý do rút bài được nhà xuất bản đưa ra, Tiến sĩ Lê Văn Út bày tỏ: “Nếu đúng như thế thì đây có thể là những lý do hết sức nghiêm trọng trong công bố khoa học. Không loại trừ khả năng tạp chí cũng có phần trách nhiệm vì tổ chức thẩm định chưa chuyên nghiệp nên đã có thể dẫn đến những thiếu sót.
Để có thể đánh giá chính xác, cần làm rõ các cáo buộc của tạp chí đối với bài báo. Chắc chắn, tạp chí sẽ sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin về quyết định rút bài cho các bên liên quan. Trong trường hợp tạp chí có quan liêu trong việc rút bài và đã có quyết định không đúng, bài báo đã nêu có thể được phục hồi lại vị trí cũ. Ủy ban đạo đức nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học liên quan đến bài bị rút có thể đại diện để làm việc với tạp chí về vấn đề này”.
Trách nhiệm giải trình đối với những người có vai trò "cầm cân nảy mực"
Đáng chú ý, một số đồng tác giả của bài báo bị rút đang giữ các chức vụ rất quan trọng về học thuật như Giáo sư Phạm Hồng Chương hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời là Ủy viên Hội đồng giáo sư Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế; Giáo sư Lê Quốc Hội hiện là Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng ngành kinh tế của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế và là đại điện của Việt Nam tại ACI (Asean Citation Index) – tổ chức trích dẫn khoa học của các nước Đông Nam Á.
Nhiều ý kiến băn khoăn và đặt câu hỏi về trách nhiệm giải trình của các nhà khoa học, nhất là với những người có vai trò “cầm cân nảy mực” xét duyệt, công nhận giáo sư, phó giáo sư trong nước. Minh bạch thông tin là cách để nêu gương cho các thế hệ sinh viên, những nhà khoa học trẻ, góp phần xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học lành mạnh, chính trực và công bằng.
Một thông tin khác cũng được dư luận quan tâm khi bài báo bị rút trên được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED). Điều này cũng làm dấy lên băn khoăn, cho rằng một công bố khoa học là sản phẩm của đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi quỹ khoa học quốc gia bị gỡ bỏ là vấn đề có thể gây lãng phí ngân sách.
Tiến sĩ Lê Văn Út nhận định, vấn đề này chắc chắn sẽ được NAFOSTED rất quan tâm. Nếu bài báo này là sản phẩm thuộc đề tài đã được NAFOSTED nghiệm thu thì sẽ là một vấn đề nghiêm trọng. Khi đó, việc này sẽ được xem xét và xử lý theo trình tự, thủ tục và các quy định của NAFOSTED.
Công cụ để kiểm soát liêm chính nghiên cứu khoa học
Điều 20, Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải có công cụ để kiểm soát liêm chính nghiên cứu khoa học.
Do đó, Tiến sĩ Lê Văn Út cho rằng mỗi cơ sở giáo dục đại học cần có một bộ phận chuyên xem xét và tư vấn về vấn đề này, thông thường là ủy ban đạo đức nghiên cứu (Research Ethics Committee, REC).
Sau khi thụ lý hồ sơ, REC cần làm việc trên tinh thần hết sức vô tư và chuyên nghiệp, tổ chức nghiên cứu hồ sơ một cách cẩn thận, thu thập đầy đủ minh chứng và lắng nghe các bên liên quan trước tổ chức thẩm định và quyết nghị kết quả cuối cùng.
“Mức độ ảnh hưởng của tác giả bị rút bài tùy thuộc vào bản chất của vụ việc và kết quả quyết nghị của REC. Tinh thần chung là tác giả nên phối hợp chặt chẽ với REC và tác giả cũng cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể vượt qua sự cố và có thể tiếp tục hoạt động nghiên cứu và cống hiến.
Cũng cần lưu ý thêm, REC cũng đồng thời có giải pháp bảo vệ tác giả, làm việc với tạp chí để có thể phục hồi danh dự cho tác giả, trong trường hợp quyết định rút bài của tạp chí không đúng”, Tiến sĩ Lê Văn Út nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Lê Văn Út nhận định, việc có bài báo bị rút chắc chắn sẽ ảnh hưởng môi trường học thuật nói chung, như làm giảm độ tin cậy đối với các kết quả nghiên cứu của tác giả, giảm danh tiếng của cơ quan của tác giả và thậm chí ảnh hưởng đến uy tín học thuật của quốc gia.
Thực trạng hiện nay cho thấy việc tác giả có bài báo khoa học bị rút đã làm cho lãnh đạo cơ quan của các tác giả giảm lòng tin và có thể hoài nghi về hiệu quả của việc đầu tư cho phát triển nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.
Trước đó, tại Hội thảo khoa học về Liêm chính trong nghiên cứu được tổ chức vào cuối tháng 12/2023, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái khẳng định, liêm chính trong nghiên cứu khoa học là vấn đề quan trọng, nhưng là khái niệm “mở”, cần có sự cập nhật và hướng dẫn chung để thực hiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc về vấn đề liêm chính và công bố khoa học quốc tế. Thứ trưởng cũng mong muốn cộng đồng khoa học sẽ có ứng xử phù hợp đối với các trường hợp liên quan đến liêm chính nghiên cứu, không quy chụp vội vàng, gây ảnh hưởng đến cá nhân cũng như tập thể những người làm nghiên cứu khoa học.