CLIP: Cận cảnh biển du lịch Đà Nẵng bị xâm thực nghiêm trọng
Có ít nhất ba điểm bị sạt lở, xâm thực, nguy cơ ảnh hưởng hạ tầng kết cấu trên bãi biển du lịch Đà Nẵng.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều vị trí tại bãi biển Đà Nẵng dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp bị nước biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng.
Cụ thể, ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh (đêm 27 và ngày 28-12), sóng cao gây sạt lở bãi biển dọc tuyến biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa (đoạn từ Nút giao thông Nguyễn Văn Thoại đến trước Trạm khách T20 Quân khu 5; khu vực bãi biển trước khách sạn Tourane và khu vực bãi biển trước nhà hàng Hàu Sữa).
Tại bãi biển Mỹ Khê (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) - nơi từng được bình chọn là một trong những "bãi biển quyến rũ nhất hành tinh", hơn 100m bờ biển bị sóng đánh sạt lở, có những đoạn ăn sâu vào 5-10m tạo thành những bờ ta luy cao 2-3m.
Theo ông N.V.K. (chủ một quầy hàng kinh doanh) tại bãi biển Mỹ Khê cho biết, tình trạng biển ngoạm sâu vào đất liền đã gần 1 tuần nay. Gia đình ông và các hộ dân phải đóng hệ thống cọc tre và dùng cả trăm bao cát lớn gia cố nhưng vẫn không giữ được cửa hàng, ki ốt trước sức tàn phá của sóng biển.
Các hộ kinh doanh tại đây cũng cho rằng, khu vực này lần đầu bị xâm thực, dù hiện tượng biển xâm thực ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà đã diễn ra từ nhiều năm trước.
Ông Phan Minh Hải - Phó Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đã chèn chống, di dời các cây dừa có nguy cơ ngã, đổ đến vị trí khác để tránh thiệt hại. Đồng thời, thông báo cho các tổ kinh doanh dịch vụ ven biển theo dõi tình hình sạt lở và có kế hoạch tháo dỡ tài sản khi có nguy cơ cao sạt lở bãi biển.
Đồng thời, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã đề xuất Sở Du lịch báo cáo, kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan đánh giá biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và giải pháp chống sạt lở bờ biển Đà Nẵng.
Một số hình ảnh ghi nhận từ hiện trường: