CLB Thể Công Viettel: Có một thời để nhớ
Đội bóng Thể Công Viettel, một trong những tượng đài của bóng đá Việt Nam, đã khởi đầu chặng đường đầy tự hào của mình cách đây 70 năm.
Ngày 23/9/1954, Đội công tác thể dục thể thao Quân đội được thành lập, tên gọi tắt Thể Công ra đời từ đó. Mục tiêu trước mắt khi đó là gấp rút chuẩn bị cùng với bộ đội tiến vào Thủ đô và một số đô thị mới giải phóng, xây dựng đời sống văn hóa thể thao lành mạnh làm nòng cốt cho việc phát triển phong trào thể dục thể thao trong quân đội.
Nòng cốt đầu tiên của Thể Công bao gồn 23 chiến sĩ của trường Sĩ quan Lục quân, chia thành 3 đội: bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền, trong đó bóng đá với đội hình chỉ vỏn vẹn 11 người do ông Nguyễn Thông, người từng một thời nổi tiếng với biệt danh "Túc cầu tiểu vương", dẫn dắt.
Ngày về Thủ đô, ngay trong thời gian đầu mày mò gây dựng phong trào, Thể Công đã chứng tỏ được sự vượt trội so với những đội bóng khác cùng thời với nhiều tên tuổi tiếng tăm lừng lẫy như: Phạm Ngọc Quế, Nguyễn Quý Thiêm, hai cha con Trương Tấn Bửu - Trương Tấn Nghĩa, Nguyễn Văn Bưởi và Ngô Xuân Quýnh.
"Cha đẻ" của Thể Công chính là cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Với tầm nhìn xa trông rộng, ông là người đặt nền móng cho Thể Công, để rồi sau này trở thành một tượng đài lẫy lừng của bóng đá Việt Nam.
Chất lính của Thể Công chính là sự quyết tâm, sắt đá, luôn phấn đấu vươn lên trong từng con người, từng cầu thủ. Tài năng của mỗi cá nhân được hun đúc từ môi trường đào tạo có chất lượng, kỷ luật, cộng với bề dày truyền thống rất đáng tự hào hình thành nên trong mỗi người lính, mỗi cầu thủ Thể Công đều toát lên niềm kiêu hãnh vươn lên rất đáng trân trọng. Từng thế hệ cầu thủ nối tiếp và phát huy truyền thống để mãi xứng đáng là anh bộ đội cụ Hồ trên mặt trận thể dục thể thao.