CJ Group và dấu ấn phát triển bền vững tại Việt Nam
Sau gần ba thập kỷ đồng hành cùng thị trường Việt Nam, CJ Group không chỉ tập trung phát triển kinh doanh mà còn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững thông qua hàng loạt chương trình trách nhiệm xã hội (CSR) và triển khai các tiêu chuẩn ESG toàn cầu.

Nông dân phân loại ớt tại nhà máy Tầm Ngân. Ảnh: CJ Group.
Hành trình này phản ánh rõ định hướng vì cộng đồng, lấy con người, môi trường và đạo đức kinh doanh làm trọng tâm trong mọi hoạt động.
Dự án nông nghiệp vì cộng đồng
Một trong những chương trình nổi bật thể hiện cam kết vì cộng đồng của CJ Group tại Việt Nam là dự án phát triển vùng nguyên liệu ớt tại thôn Tầm Ngân, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Khởi động từ năm 2014, dự án đã góp phần nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ nông dân thông qua việc tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Năm 2017, CJ đưa vào hoạt động nhà máy chế biến nông sản Tầm Ngân, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt tại khu vực. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến chuỗi giá trị bị gián đoạn nghiêm trọng. Đáp lại, CJ đã kịp thời hỗ trợ hơn 400 triệu đồng để sửa chữa nhà máy và khuyến khích bà con tái canh tác.
Hướng đến giai đoạn 2024-2026, dự án đặt mục tiêu tái thiết và phát triển bền vững. Bắt đầu từ tháng 7-2024, CJ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cam kết đồng hành với tổng mức hỗ trợ lên tới 4,2 tỉ đồng. Khoản đầu tư này sẽ tập trung vào việc mở rộng vùng trồng và tăng cường sự tham gia của nông dân thông qua hỗ trợ giống, phân bón và máy móc; đồng thời củng cố năng lực hoạt động cho hợp tác xã và nhà máy chế biến.
Tính đến tháng 5-2025, nhiều hộ nông dân đã quay trở lại trồng ớt sau giai đoạn gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, CJ hỗ trợ miễn phí giống ớt, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho bà con tham gia trồng ớt. Phía KOICA đã cử tình nguyện viên và chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp đến khu vực Tầm Ngân để hỗ trợ dự án. Nếu trước đây, mỗi năm người dân chỉ xuống giống 1 vụ/năm thì hiện nay, dự án đã thúc đẩy việc xuống giống 2 lần/năm.
Ban đầu, dự án dự kiến trồng 3 ha ớt trong năm nay nhưng sẽ tăng lên 5 ha do số lượng bà con đăng ký trồng lại tăng. Sản lượng ớt bột ước đạt 3,6-4 tấn. Đặc biệt, sản phẩm ớt bột Ninh Thuận đã chính thức quay lại các kệ hàng tại chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh và Coop Mart, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khôi phục chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
“Nhìn những trái ớt chín đỏ mọng trên cánh đồng và sản phẩm ớt bột ra đời từ sự đồng lòng của cộng đồng, chúng tôi càng tin tưởng vào mô hình phát triển bền vững. CJ mong muốn dự án tiếp tục được củng cố, mở rộng để cải thiện thu nhập và đời sống của nông dân địa phương”, đại diện CJ tại Việt Nam chia sẻ.
Lan tỏa giá trị cộng đồng qua các chương trình thiện nguyện
Với CJ Group, phát triển bền vững không chỉ gói gọn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn được mở rộng qua nhiều chương trình thiện nguyện thiết thực, hướng đến nâng cao chất lượng sống, sức khỏe và giáo dục cho cộng đồng địa phương.
Trong ba ngày từ 19 đến 21-2-2025, hơn 40 tình nguyện viên từ Hàn Quốc – bao gồm bác sĩ, dược sĩ và nhân viên của CJ – đã trực tiếp đến thôn Tầm Ngân để tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc và tư vấn sức khỏe miễn phí cho hơn 500 người dân.

Đội bác sĩ tình nguyện của CJ hỗ trợ khám bệnh cho người dân tại Ninh Thuận, tháng 2-2025. Ảnh: CJ Group
Song song đó, CJ cũng tặng 500 bộ đồng phục và cặp sách cho học sinh Trường Tiểu học Lâm Sơn A, thuộc một trong những khu vực khó khăn của huyện Ninh Sơn. Món quà không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn là sự động viên tinh thần đối với học sinh và giáo viên nơi đây, góp phần tiếp thêm động lực đến trường cho các em nhỏ vùng nông thôn.
Những hoạt động này không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống và học tập của người dân, mà còn thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của CJ trong việc đồng hành cùng cộng đồng địa phương. Dự án cũng được xem là mô hình kiểu mẫu cho sự phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp, chính quyền và người dân – tạo ra giá trị kinh tế, xã hội và môi trường bền vững.
Cam kết thực hành ESG
Kể từ năm 2021, CJ Group đã triển khai hệ thống quản trị ESG trên toàn cầu, với mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và trở thành doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững.
Ở trụ cột môi trường, tập đoàn tập trung vào giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng tài nguyên hiệu quả. Cụ thể, cường độ phát thải trên mỗi đơn vị doanh thu liên tục giảm. Lượng khí thải nhà kính được cắt giảm cũng đạt 3,730 tCO₂e trong năm 2021, sau khi ghi nhận mức cao nhất là 7,264 tCO₂e vào năm 2020.
CJ cố gắng chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn bằng cách giảm chất thải phát sinh tại các địa điểm kinh doanh, mở rộng bao bì thân thiện với môi trường, tái chế và liên tục tìm ra những giải pháp khác.
Về mặt xã hội, CJ chú trọng thúc đẩy bình đẳng và đa dạng trong nội bộ. Tỷ lệ nhân viên nữ tăng từ 13% năm 2019 lên 15,7% năm 2021, trong khi tỷ lệ nữ giữ vị trí quản lý tăng từ 23,5% lên 26,7%. Bên cạnh đó, hơn 79% hợp đồng với đối tác trong chuỗi cung ứng đã tuân thủ quy tắc ứng xử về phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực quản trị, tập đoàn duy trì 100% thành viên độc lập trong Ủy ban kiểm toán suốt ba năm liên tiếp. Ngoài ra, mỗi năm có hơn 13.000 nhân viên được tham gia đào tạo về đạo đức kinh doanh, thể hiện cam kết minh bạch, tuân thủ và quản trị hiệu quả trong toàn hệ thống.
Các hoạt động thực hành ESG hiện vẫn đang được triển khai đều đặn không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Với những thành quả đã đạt được, CJ Việt Nam đang củng cố vị thế là một doanh nghiệp không chỉ theo đuổi lợi nhuận mà còn tạo dựng giá trị lâu dài cho xã hội và môi trường.