Cienco 1 bị kê biên, đấu giá 14,8 triệu cổ phần góp tại BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

Hơn 14,8 triệu cổ phần Cienco 1 góp tại BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ bị kê biên để thi hành án, dự kiến sẽ được đưa ra đấu giá vào ngày 16/1/2025 tới đây.

Thông báo từ Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong cho biết, ngày 16/1/2025, tại trụ sở công ty (số 167 An Trạch, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra phiên đấu giá 14.817.258 cổ phần cùng lợi tức phát sinh của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty CP (Ciencol 1) góp tại Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Hơn 14,8 triệu cổ phần Cienco 1 góp tại BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ bị kê biên để thi hành án, dự kiến sẽ được đưa ra đấu giá vào ngày 16/1/2025 tới đây. Ảnh minh họa

Hơn 14,8 triệu cổ phần Cienco 1 góp tại BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ bị kê biên để thi hành án, dự kiến sẽ được đưa ra đấu giá vào ngày 16/1/2025 tới đây. Ảnh minh họa

“14.817.258 cổ phần nói trên thuộc tài sản thế chấp bảo đảm nghĩa vụ nợ của Ciencol 1 tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh Hà Nội; Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội đã kê biên để bảo đảm thi hành án”, Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong thông tin.

Theo thông báo, giá khởi điểm tài sản này là 165.321.013.000 đồng. “Giá khởi điểm chưa bao gồm thuế VAT (nếu có) và các khoản thuế, phí, lệ phí để làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu tài sản. Người mua được tài sản đấu giá phải chịu trách nhiệm nộp thuế VAT (nếu có) và các khoản thuế, phí, lệ phí và tự liên hệ với cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật”, Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong cho biết.

Hình thức đấu giá tài sản này là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên. Để tham gia đấu giá, khách hàng phải đặt tiền trước là 33.000.000.000 đồng; tiền mua hồ sơ là 500.000 đồng.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải đảm bảo một số điều kiện, như: Là pháp nhân theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; có vốn chủ sở hữu còn lại (sau khi trừ đi các khoản đầu tư tài chính) lớn hơn hoặc bằng với giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá; có cam kết bằng văn bản tiếp tục thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư…

Trường hợp khách hàng là pháp nhân có vốn nước ngoài thì ngoài những hồ sơ trên còn phải nộp giấy tờ chứng minh đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền về đầu tư chấp thuận khách hàng tham gia đấu giá được mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật.

“Khách hàng tham gia đấu giá được quyền xem toàn bộ hồ sơ, tài liệu do Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội cung cấp, bàn giao cho Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong và tự chịu trách nhiệm xem xét, đánh giá về hồ sơ, năng lực tài chính, kỹ thuật, quản lý của tổ chức mình phù hợp với quy định tại Hợp đồng số 51/HĐ.BOT-GTVT ngày 9/10/2014 ký giữa Bộ Giao thông vận tải với Nhà đầu tư (Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển xây dựng Minh Phát – Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành) và Doanh nghiệp dự án (Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ) và các Hợp đồng có liên quan”, Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong lưu ý.

Vẫn theo Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong, khách hàng đã mua hồ sơ phải tự liên hệ tìm hiểu thông tin về tài sản (hồ sơ tài sản) hoặc đăng ký xem tài sản (hồ sơ tài sản) cùng Công ty Đấu giá Hợp danh Bảo Phong vào các ngày 9/1/2025 và 10/1/2025, tại trụ sở công ty.

BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ từng được một số cơ quan báo chí gọi là “cỗ máy in tiền” của các nhà đầu tư. Trong một bài báo được Báo Tiền phong đăng tải vào giữa năm 2019, cho biết trong tháng 5/2019, trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có số thu hơn 57,9 tỷ, trung bình mỗi ngày trạm BOT thu gần 2 tỷ đồng.

Phong Vân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cienco-1-bi-ke-bien-dau-gia-148-trieu-co-phan-gop-tai-bot-phap-van-cau-gie-368155.html
Zalo