Chuyện vươn ra thế giới của Boxing nữ Hà Nội
Sau hơn 2 thập niên, Hà Nội đã biến Boxing nữ từ một miền đất trống, giờ đây trở thành đội thể thao đẳng cấp quốc tế. Đằng sau thành công với những suất tham dự Olympic, hay huy chương ASIAD là nỗ lực của một tập thể không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân để hướng đến tương lai.
Những viên gạch đầu tiên
Khoảng năm 2002-2003, Boxing ở Việt Nam được gỡ lệnh cấm. Các địa phương nhanh chóng thành lập đội Boxing, với nền tảng là những VĐV, HLV ăn tập môn võ này trước năm 1994. Hà Nội cũng không phải ngoại lệ. Địa phương này tập hợp các VĐV, HLV để phát triển song song cả Boxing nam và nữ.
So với Boxing nữ, Boxing nam khi ấy phát triển mạnh hơn. Một trong những nguyên nhân căn bản là định kiến về việc nữ giới tập Boxing. Một cựu VĐV nữ cho biết, ở thời của mình, chị đã phải nói dối gia đình chuyện học võ. Bởi với các bậc phụ huynh, nhất là những người sống ở vùng nông thôn, con gái tập Boxing là chuyện chẳng giống ai.
"Ở nhiều giải đấu quốc tế, tôi thực sự cảm thấy ganh tỵ với đồng nghiệp nước ngoài. Không ít người trong số họ đã lập gia đình, sinh con, và vẫn được tạo điều kiện để tiếp tục thi đấu. Nhưng chúng tôi, những võ sĩ nữ Việt Nam lại không có may mắn như thế. Tất cả thường giải nghệ trước tuổi 30 để lập gia đình", cựu VĐV này cho biết.
Hà Nội gặp khó trong việc tìm kiếm VĐV Boxing thuở ban đầu nên họ phải lấy nguồn võ sĩ từ những môn khác. Không ít người trong thế hệ đầu tiên của Boxing nữ Hà Nội xuất phát từ môn Tán thủ (Wushu). Họ trở thành những viên gạch đầu tiên của Boxing nữ Hà Nội như Đinh Thị Phương Thanh, Ngô Thị Chung, Nguyễn Thị Chiến, Lê Thị Ngân Hằng.
Sau một vài tấm huy chương ở SEA Games 2005 và 2007, Boxing nữ Hà Nội thực sự tạo được cú hích từ Asian Indoor Games 2009. Tại giải đấu Việt Nam là nước chủ nhà, một tuyển thủ thuộc đội Hà Nội là Ngô Thị Phương đã xuất sắc giành huy chương vàng. Ngôi vô địch châu Á như chất xúc tác giúp Boxing nữ Hà Nội được tạo điều kiện phát triển.
Sau tấm huy chương vàng Indoor Games, các tuyển trạch viên của Boxing nữ Hà Nội tiến hành "săn đầu người" khắp khu vực phía Bắc. Họ tìm ra những thiếu niên có tố chất tốt, cần cù, chịu khó để bồi dưỡng, đào tạo thành VĐV Boxing. Những gương mặt tiêu biểu nhất của Boxing nữ Hà Nội là Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Tâm và Hà Thị Linh.
Mười lăm năm trước, Hà Thị Linh (quê Lào Cai) được Boxing nữ Hà Nội tuyển mộ khi đang là thành viên đội bóng chuyền Yên Bái. Nguyễn Thị Tâm là VĐV điền kinh đội Công an nhân dân trong quá khứ. Trong khi đó, Nguyễn Thị Yến được phát hiện từ quê nhà Bắc Giang và sớm thành danh.
Chỉ có tiền là chưa đủ
Nếu tính toàn bộ vận động viên, huấn luyện viên thuộc các tuyến, Boxing nữ Hà Nội hiện có khoảng 60-70 người. Lực lượng huấn luyện viên của họ cũng ở mức trên dưới 10 người. Đây là con số mơ ước của mọi địa phương, cho thấy tiềm lực và năng lực mạnh mẽ của đội Boxing nữ Hà Nội.
Sau khi có huy chương vàng Indoor Games, Boxing nữ Hà Nội vẫn khao khát danh hiệu SEA Games. Bởi trong mắt người hâm mộ đại chúng, SEA Games vẫn là cái tên thân thuộc hơn cả. Nhưng làm thế nào để Boxing nữ Hà Nội có thể lên ngôi vô địch, khi xung quanh đã có 2 cường quốc trong môn Boxing là Thái Lan và Philippines?
Để trả lời cho câu hỏi đó, Boxing nữ Hà Nội chọn phương án "học từ chính đối thủ". HLV Nguyễn Như Cường, một người thông thạo cả về chuyên môn và ngoại ngữ, đã nhanh chóng phát triển những mối quan hệ trong môn Boxing ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Từ đó, ông dần phát hiện, nhìn thấy những huấn luyện viên có thể phù hợp cho Boxing nữ Hà Nội.
Cuối năm 2012, HLV Nguyễn Như Cường biết tin đội tuyển Boxing Thái Lan có biến động mạnh về thượng tầng quản lý. Ông Tawan Mungphingklang, HLV trưởng đội tuyển Boxing Thái Lan, từng giành HCV Olympic 2008, chịu áp lực vì không thể đạt chỉ tiêu "1 vàng". Sau một vài cuộc trao đổi cùng HLV Nguyễn Như Cường, ông Tawan nhận sang Việt Nam làm việc.
Chỉ có những cán bộ cấp cao nhất của thể thao Hà Nội mới nắm được thu nhập của chuyên gia Tawan tại Việt Nam. Ông là HLV được Hà Nội mời về làm việc, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ đội tuyển quốc gia (không công) mỗi khi có dịp. Nhưng tiền lại không phải lý do chính để HLV Tawan đến Việt Nam.
Theo chia sẻ từ chính những HLV Boxing Thái Lan, họ cho biết, thu nhập của HLV Tawan tại Việt Nam không cao hơn mức đãi ngộ dành cho ông ở quê nhà. Chuyên gia này đến Việt Nam làm việc vì có chung một hoài bão với HLV Nguyễn Như Cường. Họ muốn cùng tạo nên một di sản đồ sộ cho Boxing nữ Việt Nam, với thành tích ở tầm thế giới.
Đúng 1 năm sau khi chuyên gia Tawan đến Việt Nam, Boxing nữ Hà Nội lập tức giải cơn khát huy chương vàng SEA Games. Hà Thị Linh lên ngôi vô địch vào năm 2013, và những năm sau là Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Tâm. Đây cũng là những VĐV chủ chốt giúp Boxing nữ Hà Nội chinh phục các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới trong 10 năm qua.
Trong thời gian tham dự giải vô địch Boxing toàn quốc 2024 tại Cần Thơ, ngay sau buổi bốc thăm, Boxing nữ Hà Nội đã chắc ngôi nhất toàn đoàn. Họ nắm chắc trong tay ít nhất 5 HCV trên tổng số 13 nội dung thi đấu. Đó là một phần minh chứng sức mạnh của một đội thể thao đã vươn tầm quốc tế.
Vì sao Boxing Hà Nội tách biệt nam và nữ?
Theo mô hình quản lý của thể thao Hà Nội, Boxing nam và Boxing nữ trực thuộc 2 bộ môn khác nhau, dù sử dụng chung một nhà tập. Boxing nữ là một bộ môn riêng biệt. Trong khi đó, Boxing nam được gộp chung với Muay, Kickboxing để tạo thành một bộ môn khác. Sự tách biệt này được xây dựng trên cơ sở thành tích thi đấu quốc tế.
Trong 3 môn Boxing, Muay và Kickboxing, Boxing là môn duy nhất nằm trong chương trình thi đấu Olympic và ASIAD. Đây cũng là môn "nhóm 1 Olympic" trong nhiều năm. Ngược lại, Muay và Kickboxing chỉ nằm trong hệ thống thi đấu SEA Games. Lần gần nhất Muay xuất hiện tại ASIAD là vào năm 1998, thời điểm Thái Lan là nước chủ nhà.
Việc Boxing nam Hà Nội được tách riêng, gộp chung với Muay và Kickboxing xuất phát từ thành tích. Theo thời gian, đội Boxing nam Hà Nội đã sa sút nhiều. Từ một đội mạnh hàng đầu Việt Nam, Boxing nam Hà Nội giờ đây chỉ có 1-2 vận động viên đảm bảo giành huy chương vàng tại các giải quốc gia thường niên.