Chuyện vốn xây dựng nông thôn mới sau sáp nhập xã ở Hải Dương
Sau sáp nhập xã, nhiều địa phương ở Hải Dương sẽ được tiếp sức trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn cần giải quyết.
Hợp lại thì mạnh
Ngày 1/12, 28 xã, phường, thị trấn mới của tỉnh Hải Dương đã chính thức đi vào hoạt động. "Hợp lại thì mạnh", sáp nhập chắc chắn sẽ tạo ra thế và lực mới cho bức tranh phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và lĩnh vực xây dựng nông thôn mới cũng vậy.
Những ngày này, công trường thi công mở rộng đoạn đường trung tâm xã Nhật Quang (Gia Lộc) diễn ra hết sức khẩn trương. Điểm đầu đoạn đường này tiếp nối với quốc lộ 38B, điểm cuối thuộc địa phận xã Nhật Tân (cũ). Đơn vị thi công đang làm móng, kè mái đường để sớm trải asphalt. Sau khi hoàn thành, mặt đường sẽ rộng 7 m, hai bên có rãnh thoát nước, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tổng trị giá xây dựng đoạn đường này là hơn 20 tỷ đồng, do ngân sách tỉnh và huyện đầu tư.
Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Lộc Tiến là đơn vị thi công đoạn đường trên. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc công ty hồ hởi thông tin: "Công trình được khởi công từ ngày 11/9, theo kế hoạch đến tháng 3/2025 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đây là một trong những công trình quan trọng có ý nghĩa lớn đối với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, định hướng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Nhật Quang nên chúng tôi đang tranh thủ ngày đêm làm việc, phấn đấu xong trước 40 ngày so với kế hoạch".
Ngoài giao thông, xã Nhật Quang (sáp nhập từ xã Nhật Tân và Đồng Quang) chỉ cần có vùng sản xuất được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Xã này hiện đã có vùng sản xuất nhà màng rộng khoảng 12 ha ở thôn Vĩnh Duệ, chờ được thẩm định trong vài ngày tới.
Chủ tịch UBND xã Nhật Quang Lã Văn Chiến cho biết: "Trước khi sáp nhập, xã Đồng Quang chưa có ao bơi hợp vệ sinh, chưa có đường trục xã đủ rộng... trong khi xã Nhật Tân đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí này. Nay sáp nhập rồi không còn phải lo nữa vì xã Nhật Tân đã gánh những tiêu chí chưa đạt cho xã Đồng Quang. Nhật Quang sẽ sớm trở lại là xã nông thôn mới nâng cao vì những tiêu chí còn lại đang được tập trung rà soát, hoàn thiện theo hướng dẫn giai đoạn 2023-2025".
Trường hợp của xã Cẩm Việt (Thanh Hà) cũng tương tự. Trước khi sáp nhập, xã Việt Hồng (cũ) còn nhiều nội dung trong xây dựng nông thôn mới nâng cao chưa đạt như chưa có bể bơi, chưa có thôn thông minh và sàn giao dịch điện tử...
Sau sáp nhập, đối chiếu theo quy định mới giai đoạn 2023-2025 thì địa phương này còn 3 nội dung chưa hoàn thiện liên quan đến việc thành lập sàn giao dịch điện tử, xây dựng thôn thông minh và tăng tỷ lệ phân loại rác thải rắn tại nguồn.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Nam cho biết địa phương đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hoàn thiện thủ tục công nhận ổi Cẩm Việt là sản phẩm OCOP 3 sao. Sau đó, việc đưa sản phẩm OCOP này lên giao dịch tại sàn giao dịch điện tử sẽ được tiến hành ngay.
Hiện tại, xã Cẩm Việt đã lắp wifi miễn phí tại nhà văn hóa của 4 thôn, đang triển khai lắp hệ thống camera giám sát tại thôn Kỳ Tây là sẽ bảo đảm các yêu cầu về thôn thông minh. "Việc phân loại rác tại nguồn cũng được chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành trước ngày 10/12. Những nội dung còn lại không khó và Cẩm Việt sẽ phấn đấu để trở thành xã nông thôn mới nâng cao trong nay mai", ông Nam tự tin nói.
"Bài toán" nan giải về vốn
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, lãnh đạo các xã mới cũng có những "bài toán" khó phải hợp lực để sớm tìm giải.
Xã Dân An (Tứ Kỳ) hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 xã Dân Chủ và Quảng Nghiệp. Trước khi sáp nhập, xã Quảng Nghiệp (cũ) đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, còn xã Dân Chủ (cũ) là xã nông thôn mới.
Sau sáp nhập, xã Dân An đang phải đối diện với khó khăn về nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo kế hoạch trong thời gian tới, địa phương này sẽ tiếp tục cải tạo, xây rãnh thoát nước 2 bên đường trục xã dài 500 m tại xã Dân Chủ (cũ), xây dựng sân vận động trung tâm rộng 2,5 ha, nhà đa năng trường tiểu học, di chuyển 54 cột điện nằm trong hành lang giao thông một số tuyến đường... Đây đều là những công việc lớn, dự kiến ngốn hàng chục tỷ đồng.
Trong khi đó, để xây dựng nông thôn mới, xã Quảng Nghiệp (cũ) vẫn còn nợ khoảng 30 tỷ đồng tiền đầu tư xây dựng cơ bản, xã Dân Chủ (cũ) nợ hơn 5 tỷ đồng. Nợ cũ chưa trả, xã Dân An giờ còn phải đau đầu tìm nguồn lực hoàn thiện những công trình trên nên đây sẽ là "bài toán" không dễ giải.
Xã Trần Phú (Nam Sách) mới được hình thành sau khi 2 xã Nam Trung và Nam Chính sáp nhập. Địa phương này khả năng sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới khi nhiều tiêu chí khó đã được xã Nam Trung (cũ) "gánh". Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, việc nâng cao chất lượng các tiêu chí để hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn tiếp theo mới là việc khó khăn.
Hiện cả 3 trường mầm non, tiểu học và THCS của xã Nam Chính (cũ) vẫn chưa đạt chuẩn mức độ 2. Có nhiều công trình ở cả 3 cơ sở giáo dục này cần hoàn thiện nhưng chưa có nguồn lực đầu tư. Năm 2023-2024, huyện Nam Sách đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lớp học 2 tầng 10 phòng cho Trường Tiểu học Nam Chính. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu kinh phí để hoàn thiện một số công trình phụ trợ.
Xã Quang Đức (Gia Lộc) được sáp nhập từ 2 xã Quang Minh và Đức Xương. Quang Đức phấn đấu sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Địa phương này chỉ cần hoàn thiện tiêu chí giao thông là sẽ đạt được mục tiêu.
Tuyến đường trục xã Đức Xương (cũ) từ quốc lộ 38B đến địa phận thôn An Cự 1 đã hoàn thiện được khoảng 1 km, rộng 7,5m, có rãnh thoát nước hai bên. Từ ngày 16/11, tuyến đường này tiếp tục được thi công 1 km tiếp theo với tổng vốn đầu tư hơn 14,7 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác. Tuy nhiên đường trục xã Quang Đức vẫn còn 1,5 km nữa cần hoàn thành với tổng kinh phí ước tính khoảng 21 tỷ đồng.
Hé lộ đáp án?
Gia Lộc là 1 trong 4 huyện đầu tiên của tỉnh Hải Dương phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2024. Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết việc rà soát, đánh giá, hỗ trợ các xã mới sáp nhập khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. "Năm nay, Gia Lộc vượt kế hoạch tỉnh giao về thu tiền sử dụng đất. Huyện sẽ nghiên cứu, cân đối nguồn thu để xem xét hỗ trợ những xã mới sáp nhập hoàn thiện các tiêu chí cần nguồn lực tài chính lớn phục vụ xây dựng nông thôn mới", đồng chí Đặng Xuân Thưởng khẳng định.
Đại diện lãnh đạo Huyện ủy Nam Sách cũng cho biết huyện sẽ quan tâm hỗ trợ các địa phương, trong đó có cả những xã mới sáp nhập để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... và hướng tới mục tiêu được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao vào năm tới.
Việc rà soát, tính toán, dự kiến đưa các công trình liên quan đến xây dựng nông thôn mới vào mục tiêu đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 cũng đang được nhiều địa phương tính đến.
Bên cạnh sự quan tâm tháo gỡ của tỉnh, của huyện, nhiều địa phương đã chủ động tính phương án cho mình.
Chủ tịch UBND xã Dân An (Tứ Kỳ) Phạm Sơn Tùng cho biết sắp tới địa phương sẽ đấu giá 26 lô đất ở khu Đồng Mạc (giai đoạn 2) để tạo nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Tương tự, thời gian tới, xã Quang Đức (Gia Lộc) sẽ đề nghị cấp trên cho tổ chức đấu giá 2 dự án khu dân cư mới tại thôn Thọ Xương rộng 2 ha và tại thôn Minh Tân rộng 4 ha. Hai dự án này có khoảng 180 lô đất, giá trị lên tới gần 300 tỷ đồng. Đây là nguồn lực dồi dào để xã hoàn thiện nốt đoạn tuyến trục xã còn lại và xây dựng các công trình khác cần kinh phí lớn.
Tất nhiên, việc đấu giá đất không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi và nếu có bán được hết những lô đất này thì khả năng cũng chưa đủ kinh phí để các địa phương bù đắp cho những công trình nằm trong kế hoạch cần đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên đây cũng là nguồn nội lực đáng trông đợi để giải "cơn khát" vốn trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương hiện nay.