Chuyện về 'ngũ hổ' rừng Tam Đảo

Ở sườn Đông dãy Tam Đảo hùng vĩ, khu vực Lán Than, xã Quân Chu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, di tích lịch sử Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái ẩn giữa núi rừng trùng điệp. Đây chính là nơi nhen nhóm ngọn lửa cách mạng đầu tiên, hình thành nên Trung đội du kích Phạm Hồng Thái - tiền thân của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Trên tấm bia đá khắc tên những chiến sĩ thuộc Trung đội du kích năm xưa, có 7 người trong một gia đình đặc biệt. Đó là năm người con trai, một người em trai và một người con rể của mẹ Nguyễn Thị Vĩnh - người mẹ cách mạng tiêu biểu được Bác Hồ vinh danh.

Người mẹ được Bác Hồ vinh danh

"Con đi đi. Đi đi con/ Đánh Tây, để giữ nước non Lạc Hồng/ Bao giờ kháng chiến thành công/ Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai". Đại khái đó là lời bà cụ Nguyễn Thị Vĩnh dạy các con của bà cụ như thế. Bà cụ Vĩnh quê ở Nam Định. Ngày trước, lên làm ăn ở Tam Đảo. Nay tản cư đến Thái Nguyên. Bà cụ có 6 người con - 5 trai và 1 gái. Cả 6 người đều ở bộ đội. Tuy nhà nghèo, bà cụ Vĩnh vẫn hăng hái giúp đỡ cán bộ và bộ đội như con cháu ruột thịt.

Bà cụ nói: "Con mình ở bộ đội, đi đến đâu cũng được đồng bào thương yêu giúp đỡ, vậy đối với con cháu đồng bào ở bộ đội, mình cũng phải thương yêu giúp đỡ như con cháu mình. Bà cụ Vĩnh chẳng những là mẹ hiền của 6 chiến sĩ con cụ, mà còn là mẹ chung của cả các chiến sĩ Việt Nam. Vì cả nhà kháng chiến, bà cụ Vĩnh và các con cụ thật xứng đáng với Tổ quốc. Và bà cụ thì xứng đáng là gương mẫu cho các bà mẹ Việt Nam".

Đồng chí Thạch Sơn.

Đồng chí Thạch Sơn.

Đó là nội dung bài viết "Cả nhà kháng chiến" vinh danh gia đình cụ bà Vĩnh, đăng trên báo Nhân Dân số 34, ngày 29/11/1951. Tác giả bài báo chính là Bác Hồ với bút danh C.B.

Mẹ Vĩnh đã về với tổ tiên từ lâu song những lời Hồ Chủ tịch viết về gia đình mẹ cách đây hơn 70 năm thì con cháu mẹ hôm nay vẫn thuộc nằm lòng. Chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Thủy - người cháu nội rất gần gũi, gắn bó với mẹ Vĩnh để nghe kể về cuộc đời trải dài hơn một thế kỷ của người mẹ tiêu biểu ấy.

Mẹ Vĩnh tên thật là Nguyễn Thị Đào sinh năm 1890, cùng năm sinh với Hồ Chủ tịch. Mẹ quê ở Nam Định nhưng từ nhỏ đã theo gia đình lên Tam Đảo, Vĩnh Phúc và sinh sống ở đó. Lớn lên, mẹ kết duyên với người thanh niên tên là Nguyễn Huy Vĩnh, từ đó mẹ mang tên chồng là Vĩnh. Mẹ sinh được 6 người con, 5 trai 1 gái. Đến năm 1937 thì chồng mất, một mình mẹ Vĩnh tần tảo nuôi các con khôn lớn.

Bà Thủy kể về bà nội: "Bà tôi hiền từ và giàu lòng nhân ái. Tuy không được học hành nhưng có tư tưởng tiến bộ. Khi tôi còn nhỏ, tối ngủ với nội thường được nghe nội kể chuyện. Nội kể rằng một hôm đồng chí Vũ Tuân đến Tam Đảo liên lạc với nội. Hôm ấy bác Tuân mặc áo the, đi guốc mộc, hỏi han tình hình và móc nối cơ sở cách mạng. Sau này, bác Vũ Tuân trở thành Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Cả thời kì trước cách mạng Tháng 8 và trong kháng chiến chống Pháp, nội tôi nuôi giấu các nhà hoạt động cách mạng như đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Vũ Tuân,... Nhà nội còn là nơi nuôi dưỡng bộ đội, thương binh và con của một số đồng chí lãnh đạo gửi để đi công tác".

Cuộc sống tảo tần nhưng mẹ Vĩnh luôn nhen lên trong lòng các con tình yêu nước, lòng dũng cảm để đi hoạt động cách mạng. Cả 6 người con của mẹ Vĩnh đều tham gia hoạt động từ trước cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi tuổi đời rất trẻ. Tổng kết kháng chiến, gia đình mẹ Vĩnh được Chính phủ cấp Bằng có công với nước. Riêng mẹ được thưởng một Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, một Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Trong những năm kháng chiến, và khi đất nước hòa bình, mẹ Vĩnh luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm mẹ Vĩnh ở thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Năm 1990, nhân dịp 100 năm ngày sinh mẹ Vĩnh, vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Vĩnh Yên chúc thọ và Đại tướng đã ghi lại dòng chữ: "Tôi và cả gia đình xin gửi những tình cảm thân thiết nhất đến cụ nhân ngày lễ thượng thọ 100 tuổi. Xin chúc cụ khỏe mạnh, sống lâu hơn nữa để cùng vui với con cháu, với bạn bè, đồng chí mà cụ đã hết lòng thương yêu, đùm bọc".

Bà Thủy nhớ lại: "Nội thường dạy các cháu về tình yêu thương gia đình, yêu quê hương, đồng bào. Tôi theo nghề dạy học, trước khi nhận công tác, nội dặn: "Con đi dạy phải thương học trò, càng con nhà nghèo càng phải thương". Có lẽ sống gắn bó với nội nên nên ai cũng bảo tôi giống nội và gọi tôi là "bà Vĩnh con". Tôi rất tự hào vì điều đó. Nội Vĩnh sống một đời giản dị, ăn uống cũng giản đơn. Vài nắm rau tập tàng hái quanh nhà nấu với chút mắm tôm, mấy con cá trạch kho là món ăn nội ưa thích. Năm 1998, nội Vĩnh về với ông bà tổ tiên ở tuổi đại thượng thọ, 108 tuổi. Sau khi nội qua đời, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với gia đình Đại tướng. Có lần tôi đến thăm Đại tướng, nghe ông kể thời gian đi hoạt động thì phu nhân là bà Đặng Bích Hà và các con ở nhà nội Vĩnh".

Năm 2006, Lán Than được công nhận là di tích lịch sử nằm trong quần thể du lịch lịch sử - tâm linh của thủ đô gió ngàn. Thật vinh dự có đủ tên 5 con trai, 1 con rể và 1 em trai của mẹ Vĩnh. Người em trai của mẹ Vĩnh là Nguyễn Huy Chồi mang bí danh Thanh Sơn đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Người con rể duy nhất của mẹ Vĩnh, tức chồng của con gái út Nguyễn Thị Học là Lê Hồng Tâm cũng là đội viên đội du kích Phạm Hồng Thái. Đến nay, thế hệ cha anh chỉ còn người con trai thứ 4 là Đại tá Kim Sơn và con gái út của mẹ Vĩnh còn sống.

5 người con trai tên "Sơn" của mẹ Vĩnh

Mặt trận Việt Minh ra đời như một luồng gió cuốn hút 6 người con của mẹ Vĩnh bắt liên lạc với tổ chức các mạng. Sau khi hoạt động ở Tam Đảo, người con trai cả của mẹ Vĩnh là Nguyễn Huy Minh đã cùng các em trai và một số người khác vượt núi sang địa bàn xã Quân Chu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên hoạt động tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà trong một lần đến thăm hỏi sức khỏe của mẹ Nguyễn Thị Vĩnh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà trong một lần đến thăm hỏi sức khỏe của mẹ Nguyễn Thị Vĩnh.

Lúc đầu, họ làm lò đốt củi lấy than để bán cho Pháp nhằm dò la tin tức, tìm cách liên hệ mua vũ khí của giặc và gây dựng mối quan hệ với đồng bào để tuyên truyền về Việt Minh. Các ông bí mật tổ chức lập các hội cứu quốc, chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính, lập đội tự vệ, đội du kích bảo vệ nhân dân. Nguyễn Huy Minh cùng đồng chí Vũ Tuân tổ chức một đội vũ trang cách mạng, lúc đầu lấy tên là Đội du kích Cao Sơn, sau đổi tên là Trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái. Năm người con trai của mẹ Vĩnh đều có mặt trong đội hình này.

Điều đặc biệt là 5 anh em thống nhất mang bí danh "Sơn" như một dấu hiệu nhận nhau và khẳng định ý chí cách mạng vững chắc tựa cao sơn. Anh cả Nguyễn Huy Minh là Thạch Sơn, anh thứ hai Nguyễn Huy Mục là Tam Sơn, anh ba Nguyễn Huy Tân lấy tên Ngân Sơn, người con trai thứ 4 Nguyễn Huy Văn là Kim Sơn, con trai thứ 5 Nguyễn Huy Khoa là Mai Sơn. Năm anh em trai được mệnh danh "ngũ hổ" rừng Tam Đảo. Cô con gái út của mẹ Vĩnh là Nguyễn Thị Học sinh năm 1933 cũng hăng hái tham gia công tác cách mạng.

Đầu tháng 8/1944, ông Chu Văn Tấn lúc ấy là lãnh đạo Cứu quốc quân đã đến Lán Than tiếp nhận Trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái vào Cứu quốc quân và giao nhiệm vụ mở thông liên lạc với Trung ương Đảng ở miền xuôi, lập một hành lang giao thông liên lạc qua ATK từ Hà Nội đến Phúc Yên, lên Tam Đảo rồi sang Thái Nguyên, đi Tuyên Quang. Tháng 4/1945, Thạch Sơn vinh dự được gặp anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp). Trước đó, đồng chí Văn đã nghe báo cáo có một phân đội đang hoạt động trong vùng Đại Từ do Thạch Sơn - con trai cả của mẹ Vĩnh làm đội trưởng.

Ngày 15/5/1945, Trung ương đã thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân. Trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái chính thức trở thành một trung đội của Việt Nam giải phóng quân. Tháng 7/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ra chỉ thị hạ đồn Nhật ở Tam Đảo, nhằm đảm bảo an toàn hành lang giao thông đưa đón các đại biểu lên họp Quốc dân ở Tân Trào. Ngày 16/7/1945, trận đánh đồn Nhật ở Tam Đảo do Thạch Sơn chỉ huy đã giành thắng lợi, được ghi nhận là chiến công lớn gây tiếng vang thời kỳ tiền khởi nghĩa, góp phần quan trọng để Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công.

"Bác tôi cả Thạch Sơn sinh năm 1921, mất năm 1952. Bác là người thông minh, mưu trí và rất dũng cảm. Tháng 10/1952, bác tôi là phái viên của Tổng cục Chính trị cùng Trung đoàn 98 đi thực tế chiến trường. Ngay đêm trước trận đánh tấn công Đồn bản Mo, bác Sơn cùng đồng đội đã hy sinh chỉ vài giờ trước khi huyện Phù Yên, Sơn La được giải phóng. Đó là nỗi buồn đau của nội Vĩnh và gia đình tôi", bà Thủy kể.

Cha của bà Thủy là Nguyễn Huy Mục, tức Tam Sơn (1923- 2005), từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này là Bí thư ATK Định Hóa 15 năm, rồi làm huyện đội trưởng huyện Đại Từ. Người con thứ tư là Nguyễn Huy Văn, tức Kim Sơn (sinh năm 1930), từng là thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiện ông vẫn sống khỏe mạnh ở tuổi 95. Bà Thủy rất tự hào khi kể về bà nội, các bác, các chú, và người cha Tam Sơn. Bà và các con cháu vẫn về lại chiến khu xưa, nơi các bác, các chú và cha bà cùng đồng đội đã đặt dấu ấn đầu tiên trên bước đường cách mạng.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/chuyen-ve-ngu-ho-rung-tam-dao-i767744/
Zalo