Chuyện về một cô bộ đội thời chiến

Nhớ lại một ngày cách đây 46 năm, ngày 17 tháng 2 năm 1979. Là một nhà báo tại mặt trận Cao Bằng, tôi theo các chiến sỹ Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 81, Sư đoàn 346, đang phục kích quân địch từ Thông Nông kéo xuống.

Khoảng 9 giờ sáng, một đoàn xe tăng giặc nối đuôi nhau vừa chạy vừa bắn loạn xạ vào các bản làng hai bên đường, đoàn xe lướt qua thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tiến về thị xã Cao Bằng, vừa đến Bản Sẩy, xã Bế Triều, Hòa An, bị bộ đội ta tiêu diệt gọn, bắn cháy toàn bộ 12 chiếc và bắt sống một chiếc.

Tiếng súng vừa dứt lúc 12 giờ, lại được tin tại đồi Pháo Đài, và trên đồi Nà Toòng thị xã Cao Bằng, bộ đội địa phương thị xã đã bắn nát nhiều xe tăng địch từ Đông Khê, huyện Thạch An lên, tôi ăn vội bánh lương khô rồi một mạch chạy bộ xuống thị xã khoảng 20km. Tại đây tôi đã thu gọn vào ống kính của mình nhiều chiếc xe tăng của giặc đang bốc cháy, có chiếc bị nát vụn chỉ còn tháp pháo…

Rời mặt trận thị xã, tôi vào Sở chỉ huy Tiền phương, được Thiếu tướng Đàm Quang Trung và Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Dương Tường giúp đỡ, chỉ dẫn những nơi tôi cần đến.

Đến rạng sáng ngày 24/ 2/1979, từ trong rừng vừa ra Quốc lộ 3 (Hà Nội - Cao Bằng), gần cầu Tài Hồ Sìn, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, đột nhiên tôi nhìn thấy ở mé đường có một phụ nữ nằm sóng soài, toàn thân máu me, loang ra cả mặt đường, ngồi cạnh là một bé gái chừng 2-3 tuổi, đang mếu máo, dụi mắt nhìn mọi người trong nỗi sợ hãi. Tôi vội lấy máy ảnh định chụp, thì ngay lúc đó, một chiếc ô tô trườn tới, một cô bộ đội trẻ, vai mang súng, lưng khoác ba lô, nhanh như cắt, lao xuống ôm vội cháu bé lên. Tôi chỉ kịp bấm được một kiểu “Cô bộ đội bế cháu bé”. Bỗng đâu đó tiếng đại bác gầm rú, lẫn tiếng kêu la thất thanh của phụ nữ và trẻ con, tôi chưa kịp hỏi han, đã phải chạy đi ngay. Men theo đường rừng vượt qua đèo Mã Phục tôi vào Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng… tiếp tục tác nghiệp.

Đến đầu tháng 3, khi quân địch thất bại phải rút về nước, tôi trở lại Hà Nội. Và đến tháng 6 cùng năm, bức ảnh đó được báo Nhân dân đăng tải số 9135, ra ngày 14/6/1979, với chú thích “Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24/2/1979 và đây là cô bộ đội đã cứu bé”.

Chiến tranh đã đi qua, mọi hoạt động trở lại bình thường. Thời gian trôi nhanh. Quá khứ đã trở thành dĩ vãng. Không một ai nhắc đến bức ảnh đó nữa.

Bỗng một sáng đầu xuân năm 2014, một chàng trai đến bấm chuông nhà tôi. Cánh cửa vừa mở, người thanh niên vội chào tôi và hỏi:

- Bác là nhà báo Trần Mạnh Thường?

Cô bộ đội trên đường ra trận cứu em bé.

Cô bộ đội trên đường ra trận cứu em bé.

- Vâng!

- Thưa bác, tôi là Mai Thanh Hải, phóng viên báo Thanh Niên.

- Mời anh vào.

Trong lúc tôi đang loay hoay pha nước mời khách, Mai Thanh Hải lấy trong cặp ra một bức ảnh đã cũ, vàng úa (hình như được cắt ra từ một tờ báo?) và hỏi:

- Xin lỗi! Có phải bác chụp bức ảnh này không?

- Đúng vậy! Xem qua bức ảnh, tự nhiên mọi hình ảnh quá khứ dồn dập ùa về lướt qua đầu tôi như một trường đoạn trong một bộ phim nào đó! Tôi liền kể một mạch cho Thanh Hải nghe về không gian và thời gian cũng như hoàn cảnh lúc tôi chụp bức ảnh đó.

- Bác có biết em bé và cô bộ đội ở đâu không? Mai Thanh Hải hỏi.

- Không, lúc bấy giờ vội lắm, tôi không kịp hỏi. Nhưng tôi nhớ, tôi chụp bức ảnh này vào khoảng 8 giờ sáng. Như vậy hai mẹ con bé từ một chỗ nào đấy, và sáng sớm bắt đầu đi đến đây, phải mất khoảng 3-4 giờ. Tính ra quãng đường đi được (từ nơi ở của hai mẹ con đến đây) trong vòng bán kính 10-15 km. Vậy, có thể là thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, hoặc thị xã Cao Bằng!.. Còn cô bộ đội, quả là khó đoán, tuy là bộ đội địa phương Quân khu I, nhưng có thể là người Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang… Anh có thể hỏi Bộ Chỉ huy Quân Khu I, hoặc tỉnh đội các tỉnh thuộc Quân Khu I.

- Vâng! Đó cũng là một gợi ý hay, để khoanh vùng tìm kiếm em bé- Nhà báo Thanh Hải nói.

Và chưa đầy một tháng sau, Mai Thanh Hải báo tin đã tìm được em bé tên là Hoàng Thị Thu Hiền, hiện là cán bộ địa chính xã Hoàng Tung, Hòa An, Cao Bằng.

Bẵng đi một thời gian, đến đầu xuân 2016, tôi nhận được điện thoại của nhà báo Mai Thanh Hải cho biết đã tìm được “cô bộ đội bế em bé” năm xưa là bà Bùi Thị Mùi, nguyên là tiểu đội trưởng Tiểu đội vận tải, Đại đội 3, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 81, Sư đoàn 346, Quân khu I. Hiện đang ở xã Thanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Sau khi giải ngũ về địa phương, không may bị tai nạn lao động, phải ngồi xe lăn. Tôi bồi hồi xúc động mong có ngày được gặp lại “hai mẹ con bà Mùi”.

Cô bộ đội Bùi Thị Mùi 37 năm sau, ngày đất nước hòa bình, độc lập.

Cô bộ đội Bùi Thị Mùi 37 năm sau, ngày đất nước hòa bình, độc lập.

Đặc biệt trước đó, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ ngay tại địa điểm gần cầu Tài Hồ Sìn, nơi tôi đã chụp bức ảnh cách nay 37 năm.

Cuộc hội ngộ này đã được các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin như VTV1, VTC, Đài Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Quốc hội… và nhiều kênh mạng xã hội truyền tải bức ảnh “Cô bộ đội bế em bé” với lời bình luận: Bức ảnh đã nói lên đầy đủ việc bảo vệ nhân quyền và quyền được sống của người Việt trong chiến tranh và hiện nay.

Giữa tháng 2 năm 2016, báo Thanh Niên phối hợp Đài Truyền hình VTV1 và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng tổ chức buổi hội ngộ dưới tiêu đề “37 năm ngày gặp lại” giữa hai mẹ con bà Mùi và tác giả bức ảnh (Trần Mạnh Thường) tại Hội trường tỉnh Cao Bằng. Cuộc gặp mặt diễn ra vô cùng cảm động với sự có mặt của các vị đại diện Tỉnh ủy, UBND, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng và nhiều cựu chiến binh và thanh niên Cao Bằng.

Trần Mạnh Thường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-ve-mot-co-bo-doi-thoi-chien-post1717867.tpo
Zalo