Chuyện về anh hùng Alăng Bảy bên dòng sông Kôn
Từ bao đời nay, dòng sông Kôn khởi nguồn từ dãy núi Mang, qua bao thác ghềnh xuôi dòng ôm ấp bản làng Cơ Tu. Vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có một già làng tiêu biểu bởi tên ông gắn liền với những chiến công hiển hách, đó là già làng Alăng Bảy – người anh hùng của đại ngàn Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, cứu nước, người con ưu tú bình dị, thương dân của đồng bào Cơ Tu...
Kỳ tích bắn rơi 5 máy bay Mỹ bằng súng trường
Cách đây 3 năm, cùng đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam lên chúc sức khỏe, tặng quà nhân ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), tôi thấy Anh hùng Alăng Bảy còn minh mẫn và tráng kiện lắm. Khi hỏi về những chiến công năm xưa, ông say sưa kể cho tôi nghe về ký ức một thời oanh liệt...
Anh hùng Alăng Bảy sinh năm 1930, tại xã Atiêng, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang, Quảng Nam). Buôn làng Cơ Tu nghèo khó, đồng bào lam lũ, chiến tranh thảm khốc, kẻ địch dã man tàn sát, giết hại người vô tội. Vì căm thù giặc, năm 1958 ông thoát ly theo cách mạng. Đúng hai năm sau, ông được kết nạp vào Đảng. Ngày ấy, tình hình chiến tranh và cục diện trên chiến trường ngày càng ác liệt nên năm 1963 Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam điều động ông về tăng cường cho Huyện đội Tây Giang (nay là Ban CHQS huyện Tây Giang), đảm nhiệm chức vụ trợ lý tác chiến cho huyện đội. Thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ chủ chốt cho cơ sở, huyện đội Tây Giang điều Đại úy Alăng Bảy về giữ chức chính trị viên, kiêm xã đội trưởng đồng thời là Chủ tịch UBND xã Atiêng, rồi Bí thư xã Atiêng từ năm 1968 đến 1975. Chính trong thời gian này Alăng Bảy đã lập nhiều chiến công. Tiêu biểu nhất phải kể tới kỳ tích dùng súng trường bắn rơi 5 máy bay Mỹ.
Khi tôi nhắc tới kỳ tích này, anh hùng Alăng Bảy hào hứng kể: “Năm 1962, tại khu vực đồi Ahu, xã Atiêng (Tây Giang), tôi cùng các chiến sĩ đang kiên trì mai phục địch, bỗng nhiên một chiếc máy bay trinh sát HU 1A của Mỹ quần lượn sát đồi và chuẩn bị hạ cánh. Lúc này tôi cùng 2 chiến sĩ lợi dụng địa hình, địa vật bò lên sát đỉnh đồi chọn ví trí ẩn nấp và chờ thời cơ nổ súng. Khoảng 30 phút sau, khi chiếc HU 1A vừa hạ thấp độ cao thì tôi đã nã một phát đạn súng trường, chiếc máy bay bốc cháy ngùn ngụt chao đảo rồi cắm đầu lao xuống khe núi Ahu... Đến mùa thu năm 1963, tại sân bay dã chiến trên đồn Aró (xã Lăng), tôi lại cùng với đồng chí Bnướch Tâm chỉ huy tiểu đội 10 chiến sĩ vào khoảng 3 giờ sáng bí mật lẻn vào sân bay phục kích chờ đợi thời cơ. Sau một giờ đồng hồ kiên trì mai phục. Đến lúc trời vừa rạng sáng, tôi ra lệnh nổ súng diệt gọn 43 tên địch và bắn cháy 2 máy bay trực thăng Mỹ.
Bị đánh bất ngờ, quân địch hoảng loạn chống đỡ rồi gọi lực lượng đến tăng viện nhằm bao vây lực lượng ta, nên chúng tôi nhanh chóng mở đường máu thoát thân. Hôm ấy, tôi cùng các anh em cơ động vào rừng sâu đến hơn 7 giờ sáng mới trở về đơn vị an toàn. Lực lượng ta có đồng chí Alăng Cưa bị thương...”.
Trao đổi với các đồng chí ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và tìm hiểu truyền thống lịch sử, tôi biết thêm nhiều chiến công về Anh hùng Alăng Bảy... Cuối tháng 5-1968, ông cùng 4 du kích địa phương mật phục trên đỉnh núi (thôn Za rươt, xã Atiêng). Hôm ấy bất ngờ 1 chiếc trực thăng Mỹ chở biệt kích chuẩn bị hạ cánh xuống gần khu ẩn náu của ta. Lúc này Alăng Bảy chớp thời cơ nổ súng ngay lập tức. Chiếc máy bay trúng đạn, chao đảo không bay lên được, đành phải hạ cánh khẩn cấp. Khi đó, Alăng Bảy cùng đồng đội nhanh chóng ập tới, đồng loạt nổ súng tiêu diệt 5 tên (trong đó có 2 tên giặc lái) thu 4 khẩu súng và “bắt sống” cả chiếc máy bay.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Alăng Bảy tham gia chiến đấu 35 trận, cùng đồng đội bắn hạ 10 máy bay, tiêu diệt 301 tên địch, bắt sống 37 tên và làm bị thương hàng trăm tên địch. Trong đó, riêng ông Bảy tiêu diệt 51 tên địch, làm bị thương 46 tên, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng. Với những chiến công tiêu biểu, xuất sắc Alăng Bảy được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang các hạng 1, 2, 3; 2 Huy chương chiến công hạng 1, 2 và nhiều bằng khen, giấy khen... Năm 2015, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Người anh hùng bình dị, thương dân
Nhớ lần lên thôn văn hóa BhHôồng tham dự lễ hội, tôi được nghe Anh hùng Alăng Bảy thổi những làn điệu dân ca của người Cơ Tu bằng chiếc khèn Abel. Thấy tôi có vẻ tò mò, ông giải thích: “Một thời gắn bó với mảnh đất này, đồng đội tôi người còn, người mất, không bao giờ gặp mặt đông đủ. Thế nên khi vui, khi buồn mình đều lấy khèn ra thổi cho vơi nỗi nhớ đồng đội…”.
Đêm ấy, bên bếp lửa rực hồng than củi, tôi được nghe bà con say sưa kể những câu chuyện về già làng Alăng Bảy trong việc giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng bản làng văn hóa, bảo vệ trật tự trị an... Năm 1995 Alăng Bảy về hưu khi trên mình vẫn còn mang 4 vết thương chiến tranh, một mảnh lựu đạn còn nằm bên trong đùi phải. Tiếng là được nghỉ hưu, nhưng Alăng Bảy đâu có chịu ngồi yên. Ông vẫn được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Kôn. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Anh hùng Alăng Bảy vừa làm công tác đoàn thể địa phương, ông vừa làm kinh tế với hơn 5ha rừng trồng, kết hợp chăn nuôi bò, gia đình ông đã trở thành hộ dân có kinh tế khá giả trong làng, được các cấp tặng nhiều Bằng khen...
Ngày ấy, thôn BhHôồng nghèo xác xơ; đất đai bạc màu; khí hậu thời tiết khắc nghiệt; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí thấp kém, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Đời sống, sinh hoạt của người dân đặc biệt khó khăn, chủ yếu củ mài, củ sắn thay cơm. Trước thực trạng đó, Alăng Bảy luôn tự hỏi: Vì sao hòa bình rồi mà quê hương vẫn đói nghèo, lạc hậu? Phải làm sao đây để bà con hết khổ? Từ bao đời nay đồng bào quen sống du canh, du cư với tập tục “cuốc, đốt, cốt, trỉa” giờ về sống định canh, định cư thì biết lấy cái gì mà ăn, mà mặc? Giải được bài toán khó này không thể một sớm, một chiều..
Việc làm đầu tiên của ông là vận động bà con từ bỏ thói quen đốt rừng, chủ động khai hoang đất đồi trồng bắp, trồng mì để giải quyết khâu đói. Tập tục xưa cũ vốn ăn sâu vào tiềm thức, vào máu của người dân, nên ban đầu nhiều người chẳng tin những lời ông nói, những việc ông làm. Không nản lòng, ông chủ động “vào cuộc” để làm gương cho bà con. Hồi đó, từ sáng tinh sương, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy ông đã vác cuốc lên nương. Bàn tay quen cầm súng, cầm cung tên đánh giặc, thế mà giờ cầm cuốc vẫn bị rộp phồng, bỏng rát. Nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó, Alăng Bảy đã giúp bà con cải tạo vùng đất hoang thành những nương bắp, nương mì xanh tốt... và công sức cùng những giọt mồ hôi của ông thấm vào lòng đất đã thu được kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó ông cùng các đồng chí trong hội cựu chiến binh và cán bộ xã kiên trì tuyên truyền, vận động bà con. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con trong thôn dần dần “sáng cái đầu, ưng cái bụng” rồi làm theo. Từ đó không riêng gì xã Sông Kôn mà tất cả các địa phương miền núi thuộc huyện Đông Giang từng bước giải quyết được khâu đói, vươn lên thoát nghèo.
Khi cuộc sống đã khá hơn, bà con có cái ăn, cái mặc, ông lại đau đáu nỗi niềm khi thấy lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Thế nên ông tiên phong tham gia tuyên truyền vận động thanh thiếu niên học các làn điệu dân ca của đồng bào Cơ Tu. Ông nhiệt tình hướng dẫn con cháu trong thôn cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Nhờ vậy, sau một thời gian kiên trì thuyết phục, phần lớn thanh thiếu niên trong làng đều sử dụng được các loại nhạc cụ truyền thống.
Ở độ tuổi ngoài 90, nhưng già làng Alăng Bảy vẫn vững vàng như cây lim, cây táu giữa đại ngàn. Ông thường nói, là đảng viên thì phải gương mẫu, là cán bộ thì phải thương dân. Lời nói và hành động của ông luôn nhất quán. Tuy sức lực không còn dẻo dai như trước, nhưng ông vẫn tích cực cùng con cháu tham gia lao động sản xuất, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu. Cứ đến mùa lễ hội, hay các cuộc thi liên hoan văn hóa, văn nghệ, già làng Alăng Bảy cùng con, cháu tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Đêm hôm qua (ngày 1-10), núi rừng Bắc Quảng Nam se lạnh. Những giọt mưa rơi đều trên mái nhà rông thôn văn hóa BhHôồng. Xa xa, dòng sông Kôn vẫn chảy xuôi dòng. Thế nhưng người dân Đông Giang bỗng thấy buồn và tiếc thương người anh hùng của quê hương đã về với tiên tổ. Anh hùng Alăng Bảy đã trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Ông đã mất trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân và bà con thôn xóm. Già làng Alăng Bảy ra đi, nhưng cuộc đời và những đóng góp của ông cho quê hương còn để lại. Tiếng khèn, tiếng sáo và những ân tình của người anh hùng vẫn còn mãi với thời gian.