Chuyện từ những giải chạy
Giải Run To Live mùa 2-2025 do Báo SGGP phối hợp Sở VH-TT TPHCM, Công ty Miracle Entertainment Group và Ban Quản lý phát triển đô thị Thủ Thiêm đồng tổ chức vừa mở cổng đăng ký, hứa hẹn sẽ đón nhận số lượng đông đảo các VĐV chuyên và không chuyên nghiệp tham gia cùng thông điệp 'Kết nối và sẻ chia'.
Run To Live hay nhiều giải chạy khác đang được tổ chức ngày một nhiều hơn đã cho thấy tính hiệu quả trong cách làm xã hội hóa thể thao một cách thực chất. Mô hình chung, đó là tận dụng sự phát triển sâu rộng của phong trào chạy bộ, kết hợp cùng phương cách tổ chức chuyên nghiệp hướng đến tiêu chuẩn chuyên môn của Marathon đỉnh cao.
Những giải chạy được thực hiện quy củ như Run To Live, dù chỉ vừa ra mắt, cũng đã có mùa 1 thành công ngoài mong đợi khi những nhà tổ chức khéo léo lồng ghép một cuộc tranh tài có chất lượng chuyên môn cao với những yếu tố cộng đồng có sức lan tỏa cao như gây quỹ, hoạt động truyền cảm hứng.
Sự bùng nổ của các giải chạy khắp Việt Nam hiện nay có thể là xu hướng (trend), hoặc nó chứng minh cho một thực tế đó là tiềm năng phát triển thể thao chuyên nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất lớn, miễn là được khai thác đúng cách. Thể thao Việt Nam trước đây thường khá tách bạch giữa phong trào và đỉnh cao, thế nên các VĐV chuyên nghiệp chủ yếu “sống” bằng tiền ngân sách.
Trong khi đó, mô hình của các giải chạy là sự kết hợp chặt chẽ giữa tính thị hiếu và các yếu tố chuyên nghiệp, tạo ra được một đời sống sôi nổi, có sức lôi cuốn lớn, lan tỏa sâu cho các sự kiện. Để có được điều đó, thì không gì bằng “kết nối và sẻ chia”.
Nhìn lại mới thấy, có quá ít các hoạt động kết nối cộng đồng tại những giải đấu đỉnh cao ở nhiều môn thể thao tại Việt Nam. Cứ đến hẹn lại lên, tập trung rồi thi đấu vài ngày và giải tán. Đó là lý do mà nhiều môn có phong trào rất tốt nhưng cứ đến giải vô địch quốc gia thì khán đài vẫn vắng tanh.
Trong khi đó, giải vô địch bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam dù đến nay chỉ có 6 CLB thi đấu với nhau, nhưng bầu không khí rất náo nhiệt, có sức hấp dẫn riêng, có cộng đồng cổ vũ riêng… nhờ mô phỏng cách thức tổ chức của bóng rổ nhà nghề thế giới, từ địa điểm thi đấu cho đến các hoạt động thương mại đi kèm.
Chuyên nghiệp hóa phong trào, và xã hội hóa đỉnh cao, đó có thể là 2 phần không thể tách rời để làm công thức thành công cho thể thao Việt Nam. Lượng người chơi thể thao tại Việt Nam luôn có sẵn, nguồn lực xã hội không thiếu, như trường hợp của môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam là pickleball nhưng rất thịnh hành là một ví dụ. Vấn đề còn lại nằm ở tầm nhìn và sự năng động của các nhà quản lý nữa thôi.