Chuyện từ một màu cờ

Mạng xã hội hiện đang có một xu hướng khá tích cực và nếu ai xem các nội dung ấy vào đầu ngày chắc sẽ có thêm nhiều hứng khởi hơn, nhiều năng lượng hơn. Đó chính là xu hướng sơn mái nhà, sơn cánh cửa theo màu quốc kỳ Việt Nam. Xu hướng đó không biết được khởi xướng từ đâu nhưng chắc chắn là tự phát. Và, từ một tự phát của một ai đó, nhiều người thấy đẹp, ý nghĩa nên họ cũng bắt chước làm theo.

Điều đó khẳng định rõ một chân lý là năng lượng tinh thần rất dễ được lan truyền. Vậy thì tại sao chúng ta không chọn những năng lượng tích cực thay vì những năng lượng tiêu cực nhỉ?

Nhưng, cũng chính trong tuần rộ lên phong trào sơn mái nhà theo Quốc kỳ, có một sự kiện khiến nhiều người phẫn nộ. Đó chính là việc hoa hậu Phương Lê (Lê Thị Hậu Phương) đã hát chế lời Quốc ca khi livestream. Hành động này của Phương Lê đã phải trả giá, nhất là khi sự phẫn nộ của dư luận đã tạo nên một áp lực lên cơ quan quản lý. Và lập tức, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các cơ quan liên quan để mời hoa hậu Phương Lê lên giải trình. Chắc chắn, hành vi xúc phạm Quốc ca của Phương Lê sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Xu hướng sơn mái nhà, sơn cánh cửa theo màu quốc kỳ Việt Nam.

Xu hướng sơn mái nhà, sơn cánh cửa theo màu quốc kỳ Việt Nam.

Thật tình cờ là gần như trùng thời điểm xảy ra hai sự kiện nói trên, hình ảnh mới nhất của kỳ thủ, kiện tướng quốc gia Lê Quang Liêm cũng được chia sẻ rất nhiều. Anh vừa tốt nghiệp xuất sắc 2 trường đại học tại Mỹ và trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Webster, anh đã tự hào giương cao lá Quốc kỳ Việt Nam khi bước lên sân khấu lớn nhận tấm bằng tốt nghiệp của mình.

Rất nhiều bình luận khen ngợi dành cho hành động này của Lê Quang Liêm. Là một kiện tướng thể thao vốn dĩ rất kiệm lời, hiếm khi chịu xuất hiện trước truyền thông, cũng không đao to búa lớn trên mạng xã hội, Liêm luôn giữ mình khiêm tốn và giản dị nhất. Nhưng, ở vào giây phút đánh dấu mốc lớn của cuộc đời mình, anh lại dành tất cả tình cảm cho lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh ấy gợi nhắc lại những lần anh đăng quang ở các giải đấu quốc tế với niềm tự hào “Tôi là người Việt Nam”.

Trái ngược hẳn với trường hợp của Lê Quang Liêm, lễ tốt nghiệp của Đại học Fulbright vừa rồi lại khiến dư luận phải đặt câu hỏi về chuyện đào tạo ở trường đại học có đầu tư nước ngoài này. Buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Fulbright đã được tổ chức thành một lễ diễu hành của các tân cử nhân với khẩu hiệu “Fearless” (Không sợ hãi). Cả một đoàn diễu hành ấy phất cờ nhưng không có Quốc kỳ của Việt Nam và họ đã khiến dư luận hoài nghi về cái gọi là “không sợ hãi”. Các tân cử nhân không sợ hãi khi bước ra đời sống là tốt nhưng họ nên bắt đầu sợ hãi nếu quên gốc gác của mình, quên mất mình là công dân của quốc gia nào.

Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy là những đại diện tiêu biểu nhất, chính thống nhất của một quốc gia và hành vi xúc phạm là vi phạm luật hình sự. Mỗi công dân cần phải có ý thức trân trọng và tự tôn Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Là một công dân Việt Nam, dù có mang tinh thần khai phóng đến mấy cũng luôn phải nhớ tới gốc gác của mình và bảo vệ gốc gác ấy bền chặt nhất.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/chuyen-tu-mot-mau-co-i742123/
Zalo