Chuyện tình của em trai Cao Lỗ và em gái Mỵ Châu

Tướng Cao Lỗ - người chế tạo nỏ thần nổi tiếng trong lịch sử, có một người em trai kết hôn với em gái của công chúa Mỵ Châu.

Đền An Dương Vương ở Cổ Loa – nơi còn lưu giữ những dấu tích về Mỵ Châu – Trọng Thủy.

Đền An Dương Vương ở Cổ Loa – nơi còn lưu giữ những dấu tích về Mỵ Châu – Trọng Thủy.

Vì lịch sử không ghi chép gì nên hậu thế gần như không biết đến một thiên tình sử đẹp không kém chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy.

Huyền tích Cao Tứ - Phượng Minh

Đền Hương Nghĩa ở số nhà 13 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thờ cặp vợ chồng là em trai Cao Lỗ và em gái Mỵ Châu: Cao Tứ - Phượng Minh công chúa.

Hơn 2.000 nghìn năm trước, vợ chồng họ đã có công gì với đất nước, và tại sao lại được thờ tự ở đền Hương Nghĩa là những bí ẩn khó kiến giải của lịch sử.

Cho đến nay, rất hiếm người Hà Nội biết rõ lai lịch hình thành và tồn tại của đền Hương Nghĩa. Chỉ có một số dòng ghi chép sơ khai rằng, đây là thôn Hương Bài (thôn Hương Bài sáp nhập với thôn Kiên Nghĩa thành thôn Hương Nghĩa) thuộc tổng Tả Túc, sau này là tổng Phúc Lâm.

Ngược dòng lịch sử vào thời nhà Lê, Thọ Xương là một huyện của thành Thăng Long xưa, ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần các quận Ba Đình, Đống Đa của Hà Nội ngày nay. Vào thời nhà Nguyễn, năm 1831 vua Minh Mạng cho lập tỉnh Hà Nội, Thọ Xương có tổng cộng 8 tổng, 116 xã, thôn, phường, trại.

Lúc này, tổng Tả Túc được đổi tên thành tổng Phúc Lâm gồm 18 xã, thôn. Thôn Hương Bài sáp nhập với thôn Kiên Nghĩa thành thôn Hương Nghĩa.

Không rõ trước lúc sáp nhập đền Hương Nghĩa có tên là gì và thuộc địa phận của thôn Hương Bài hay Kiên Nghĩa, nhưng sau khi sáp nhập, ngôi đền được lấy tên thôn để đặt – trở thành ngôi đền chung của thôn mới.

Theo ngọc phả, đền Hương Nghĩa thờ Cao Tứ và vợ là Phượng Minh công chúa. Cao Tứ là em Cao Lỗ - người chế tạo ra nỏ thần giúp vua An Dương Vương đối chọi với Triệu Đà.

Cao Tứ sinh ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Hợi thời vua Hùng Vương thứ 18. Ông được miêu tả là người tinh tú, sức khỏe hơn người. Khi vua An Dương Vương mở khoa thi tại Cổ Loa, ông tham gia ứng thí. Do văn võ toàn tài, ông được vua phong “Trấn thủ Đại La thành”.

Cao Tứ giỏi võ nghệ, làm tướng dưới thời vua Thục, đóng quân ở khu Hương Bài, Hương Nghĩa trên bờ sông Tô Lịch và được vua gả con gái là Phượng Minh công chúa.

Cao Tứ lập hành cung ở Hương Nghĩa, ông chỉ huy quân thủy chống lại quân Tần và giành chiến thắng vẻ vang.

Khi Triệu Đà xâm lược nước ta, Cao Tứ đã được phong làm Thủy đạo tướng quân lập 5 đồn trên sông Tô Lịch chống lại quân Triệu Đà trong suốt 7 - 8 năm ròng, khiến quân Triệu Đà nhiều lần thua to. Khi ấy, Trọng Thủy lợi dụng việc hòa hiếu gửi rể An Dương Vương rồi lập mưu đánh cắp nỏ thần đem về nước, sau đó lại đem quân sang cướp nước ta.

Cao Tứ được lệnh dàn quân trên sông Tô Lịch để chống lại kẻ thù. Trong cuộc chiến sinh tử quyết liệt ấy, Cao Tứ đã chiến đấu anh dũng và tử trận.

Công chúa Phượng Minh sau khi biết tin chồng hi sinh, đã tự trẫm mình ở sông Bắc Giang để giữ trọn khí tiết, chung thủy với chồng. Về sau, hai ông bà được nhà vua ban sắc phong tặng, cho phép dân làng Hương Nghĩa lập đền thờ phụng.

 Cao Tứ chính là em trai của Cao Lỗ - người chế tạo ra nỏ thần.

Cao Tứ chính là em trai của Cao Lỗ - người chế tạo ra nỏ thần.

 Khác với người chị Mỵ Châu bị vua cha chém, công chúa Phượng Minh lại trẫm mình xuống sông để giữ trọn khí tiết – trong ảnh là tượng Mỵ Châu không đầu.

Khác với người chị Mỵ Châu bị vua cha chém, công chúa Phượng Minh lại trẫm mình xuống sông để giữ trọn khí tiết – trong ảnh là tượng Mỵ Châu không đầu.

 Đền Hương Nghĩa trên phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đền Hương Nghĩa trên phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

An Dương Vương có 5 vợ và 3 con gái?

Chuyện Mỵ Châu có một người em gái là Phượng Minh, gần như không được ghi chép trong chính sử. Thậm chí, ngay cả ngọc phả về An Dương Vương cũng gần như không có dòng ghi chép nào nhắc về gia đình riêng của vị vua này mà chỉ đề cập duy nhất đến một người - đó là công chúa Mỵ Châu.

Tuy nhiên, tư liệu về các nguồn ngọc phả địa phương thì có nhắc tới vợ con của An Dương Vương. Trong đó, ngọc phả đình làng Công Bồi và “Thái Bình tỉnh thần tích” ghi mẹ của công chúa Mỵ Châu quê ở làng Thao Bồi, nay thuộc xã Phương Công (Tiền Hải, Thái Bình).

Trong một lần vua đi tuần thú xa giá tới vùng bãi biển mới bồi vùng Trực Định, sai cắm thẻ làm mốc, treo bảng chiêu dụ dân các xứ đến lập ấp, và đặt tên cho vùng đất này là Thao Bồi Lý.

Sau này, An Dương Vương về lại làng Thao Bồi, gặp Thục Nương Trần Thị Chân thì lấy làm yêu mến bèn cho đón vào cung phong làm Đệ nhị Nguyên phi. Bà chính là mẹ của công chúa Mỵ Châu.

Tương truyền, sau khi vua An Dương Vương thua trận rồi mất ở bờ biển phía Nam, bà đã về quê tập hợp dân binh chống giặc. Khi bà qua đời, dân chúng đã lập miếu thờ, tôn bà làm “Thần nữ”. Trong miếu có đôi câu đối ca ngợi: Yểu điệu cung phi tinh quốc sắc/ Anh linh thần nữ trấn thiên hương (Yểu điệu cung phi trang quốc sắc/ Thần nữ linh thiêng tiếng muôn năm).

Cũng theo thần tích thì ở trang Phù Viên, huyện Lý Nhân, trấn Sơn Nam (nay là xã Phù Viên, Kim Bảng, Hà Nam) vào thời An Dương Vương có hai vợ chồng ông Trần Thức, bà Nguyễn Thị Phả sinh hạ một bé gái xinh đẹp đặt tên là Ngoạn Nương.

Một dịp đầu xuân, vua An Dương Vương đi vãn cảnh thì tình cờ gặp hai cô cháu Ngoạn Nương. Thấy Ngoạn Nương nhan sắc tuyệt trần thì bèn cho vời đến hỏi chuyện và vào cung phong làm Đệ bát cung phi. Thần tích này cũng cho biết bà và An Dương Vương không có con chung.

Cách Phù Viên không xa, ở thôn Phù Thụy (xã Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) cũng có một người phụ nữ trở thành Thứ phi của An Dương Vương - đó là bà Trần Thị Quang.

Ngoài ra, theo thần tích “Lưỡng vị hoàng hậu ngọc phả lục” cho biết An Dương Vương có một Nguyên phi nữa tên là Phương Dung. Đền Thọ Vực ở Xuân Trường (Nam Định) cũng thờ một người vợ của An Dương Vương tên là Trần Thái Chưởng phu nhân.

Như vậy, khái lược qua tư liệu thần tích có thể thấy vua An Dương Vương có 5 người vợ. Vậy, thực sự vua có bao nhiêu người con? Người con gái nổi tiếng nhất dĩ nhiên là Mỵ Châu. Người con gái thứ hai theo dã sử “Tình sử Mỵ Châu” tên là Quỳnh Anh công chúa – là chị của Mỵ Châu.

Nguồn dã sử này đề cập đến một vị tướng quân chống Tần tên là Võ Quốc làm chức Tổng binh. Trong lần kén chồng cho Quỳnh Anh, Võ Quốc đã giành chiến thắng và trở thành anh em cột chèo của Trọng Thủy.

Sách “Tây Hồ chí” cũng ghi sự tích của Tổng binh Võ Quốc, theo đó ông là người ở bến Lâm Ấp, trang Long Đỗ (nay thuộc Ba Đình, Hà Nội). Từ khi trở thành con rể của An Dương Vương, ông đã dốc sức giúp vua trong xây dựng kinh đô Cổ Loa, bố trí việc phòng thủ đất nước.

Khi Trọng Thủy ở rể, lấy cắp nỏ thần đem về cho Triệu Đà để tấn công Âu Lạc. Khi An Dương Vương thua trận, Tổng binh Võ Quốc cùng công chúa Quỳnh Anh dẫn quân về cứu thành Cổ Loa nhưng không kịp.

Võ Quốc tử trận, công chúa Quỳnh Anh được các tùy tướng phá vây chạy về làng Cháy ở đất Đông Ngàn (nay là làng Phù Chẩn, Tiên Sơn, Bắc Ninh). Bị giặc truy sát, vây hãm, công chúa Quỳnh Anh bị bắt nhưng nàng đã dùng cây kim thoa bằng đồng tự sát để giữ lòng trung trinh.

Người con gái thứ 3 của An Dương Dương chính là công chúa Phượng Minh được gả cho em trai Cao Lỗ là Cao Tứ. Một số nguồn thần tích lại ghi sau khi thành Cổ Loa được xây dựng xong thì Cao Tứ lâm bệnh nặng qua đời. Công chúa Phượng Minh vì thương chồng ngày đêm khóc lóc, không chịu ăn uống, chẳng bao lâu sau cũng mất.

Nguồn thư tịch lưu tại đền Hương Nghĩa lại khẳng định khi kinh đô Cổ Loa thất thủ, An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu chạy về phương Nam. Tướng Cao Tứ ở lại đánh giặc và hi sinh bên dòng sông Tô Lịch. Còn công chúa Phượng Minh cũng trẫm mình xuống sông để giữ trọn khí tiết, thủy chung với chồng.

 Đền Hương Nghĩa thờ vợ chồng Tướng quân Cao Tứ - Phượng Minh công chúa.

Đền Hương Nghĩa thờ vợ chồng Tướng quân Cao Tứ - Phượng Minh công chúa.

Chốn thiêng nêu điều tốt đẹp

Tấm bia “Hương Nghĩa đình công đức bi” được tạo tác vào tháng 10 năm Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại (1943) ghi chép như sau: “Ca ngợi công đức, mưu lược tài năng của thần Cao Tứ được các hoàng đế phong mỹ tự, muôn dân tôn sùng.

Thời gian gần đây, đình bị đổ nát nên đại thần toàn quyền Pháp cho phép tu sửa để việc thờ cúng được tinh khiết. Nên toàn dân cùng cựu kỳ mục bản đình là Lưu Văn

Năm chánh hội Tân Đinh Nhi triệu tập mọi người góp sức trùng tu đền to đẹp để làm sáng tỏ những điều tốt đẹp từ thời Hùng Vương, để nơi đây lại được linh thiêng, muôn dân chiêm ngưỡng, hương hỏa mãi mãi, làm cho quốc gia được hưng thịnh, nhân dân khỏe là như công đức của thần. Vậy làm bia để lưu truyền cùng giang sơn mãi mãi”.

Như vậy, có thể thấy đền Hương Nghĩa được tôn tạo vào cuối thời Nguyễn (1943), và trước đó ngôi đền đã tồn tại trên danh nghĩa là một ngôi đình. Cũng có thể suy luận từ nội dung văn bia, thì từ xa xưa ngôi đình này đã được dân lập, được các đời vua sắc phong, được dân tôn thờ. Người được thờ là vợ chồng Cao Tứ - Phượng Minh công chúa trên danh nghĩa Phúc thần – Thành hoàng làng.

Hiện nay, đền Hương Nghĩa tọa lạc trên địa thế trung tâm khu phố cổ Hà Nội. Quy hoạch mặt bằng của di tích bao gồm: Cổng, sân hẹp, đền chính. Cổng đình xây gạch đơn giản, kiểu hai tầng tám mái.

Ở chính giữa đắp 3 chữ Hán “Hương Nghĩa từ”. Cổng nằm sát mặt phố Đào Duy Từ, trông ra ngã năm. Qua cổng là lối nhỏ dẫn vào sân đền lát gạch chỉ. Đền chính hình chữ “Đinh” gồm tiền tế và hậu cung.

Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Khung gỗ gồm 6 bộ vì bằng gỗ được kết cấu theo kiểu chồng rường con nhị. Trên thân các con rường, trụ trốn đều được chạm khắc hoa lá cách điệu nổi, ôm sát vào vì nóc, các thân cách chắc khỏe nhưng mềm mại.

Gian giữa của tiền tế được mở các cửa bức bàn gỗ, phía trên của cửa bức bàn được chạm thủng hình hoa cúc mãn khai, đầu cánh hoa được chạm sắc nhọn như đao mác.

Hậu cung là một nếp nhà dọc ba gian nối với gian giữa tiền tế qua hệ thống máng che phần mái. Nhà xây gạch, bộ khung đỡ mái có ba vì gỗ làm kiểu vì kèo quá giang, để trơn không trang trí.

Hiện nay, trong đền Hương Nghĩa còn lưu giữ được một số di vật có giá trị. Trong đó, có một cuốn thần phả (bằng chữ Hán cổ) ghi công tích của thần Cao Tứ, hai đạo sắc phong cho thần Cao Tứ - một sắc có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) và sắc còn lại niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1801).

Có tổng bốn tấm bia đều được tạo tác vào thời nhà Nguyễn. Trong đó, tấm bia bằng đá “Hậu thần bi ký” tạo tác ngày tốt năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (1932); “Bia Hương Nghĩa đình công đức bi” tạo tác tháng 10 năm Quý Mùi (1943).

Bên cạnh đó là hai pho tượng cổ đặt trong khám thờ gỗ: Tượng Cao Tứ và Phượng Minh công chúa; bốn ngai thờ gỗ, chín khám thờ gỗ, hai bài vị gỗ: Một bài vị của Cao Tứ, một bài vị của Phượng Minh công chúa; sáu câu đối gỗ có năm bức hoành phi gỗ nội dung ca ngợi công tích của thần “Thánh cung vạn tuế” (Đức thánh muôn năm).

Đôi câu đối có nội dung như sau: “Duyệt ngã Nam tiền thông giám di biên thủy hóa, cổ trung tiêu tiết nghĩa/ Kiến La Thành tam danh từ trĩ lập, địa linh thánh tích đối linh hương” (Đọc sử Nam, sách thông giám còn ghi nước lắng cổ trung tiêu tiết nghĩa/ Dựng Thành La, ba đền đài vẫn đó, đất thiêng thắng tích đượm hương thơm).

Giới nghiên cứu lịch sứ đánh giá đền Hương Nghĩa với sự tích thần Cao Tứ và Phượng Minh công chúa, chính là một trong những nguồn sử liệu dân gian rất có giá trị. Ngôi đền và các hiện vật, ngọc phả… là những bằng chứng của người Thăng Long - Hà Nội xưa hướng về cội nguồn với tín ngưỡng thờ các vị anh hùng của thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước. Đền Hương Nghĩa ngoài giá trị di tích, còn làm dày thêm ý nghĩa lịch sử của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-tinh-cua-em-trai-cao-lo-va-em-gai-my-chau-post693325.html
Zalo