Chuyện tình của cựu tử tù Côn Đảo và cuộc tương phùng ngày thống nhất đất nước

Xa cách gần 15 năm, chịu cảnh tù đày, họ vẫn giữ trọn tin yêu - đất nước sẽ thống nhất, cuộc tương phùng của đôi lứa hòa vào niềm vui chiến thắng của cả dân tộc.

Giữa những tháng năm khốc liệt của chiến tranh, tình yêu của cựu tử tù Côn Đảo Lê Hồng Tư (SN 1934, tại TP.HCM) và bà Nguyễn Thị Châu (SN 1938) – hai chiến sĩ cách mạng kiên trung là nguồn sức mạnh để họ vượt qua gian lao, nuôi bền chí lớn, chờ ngày Bắc Nam sum họp một nhà.

Ông Lê Hồng Tư, cựu tử tù Côn Đảo năm nay đã 91 tuổi. (Ảnh: Đại Việt)

Ông Lê Hồng Tư, cựu tử tù Côn Đảo năm nay đã 91 tuổi. (Ảnh: Đại Việt)

Tình yêu vừa chớm

Chúng tôi gặp ông Lê Hồng Tư (SN 1934) cựu tử tù Côn Đảo trong căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp, TP.HCM.

Ông Tư quê ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. 15 tuổi, ông học nghề thợ sắt, thợ tiện. Năm 1954, ông vừa đi học và đi làm tại Sở hỏa xa Miền Nam. Qua nhiều thử thách ông được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam, được tổ chức điều qua trường Văn Lang để hoạt động.

Chính tại nơi đây, ông gặp Nguyễn Thị Châu - cô gái nhỏ nhắn, thông minh quê ở Biên Hòa (Đồng Nai) lên Sài Gòn học. Cả hai đều tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Tư dần nảy sinh tình cảm với Châu.

Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu thời còn trẻ.

Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu thời còn trẻ.

Căn phòng trọ xập xệ của Châu ở miếu Ngũ Hành (Quận 3) là nơi nhóm của Tư thường xuyên lui tới để bàn công việc. Nhiều hôm, Tư ở lại đến tối để trò chuyện với Châu. Họ kể cho nhau về gia đình, chuyện người thân tham gia kháng chiến. Châu khát khao được đứng vào hàng ngũ, hoạt động bí mật như Tư và nhiều người khác để xả thân vì đất nước.

Cuối năm 1959, tổ chức yêu cầu Châu phải thi trượt nhằm tiếp tục ở lại Trường Văn Lang lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên. Tư chuyển sang xây dựng cơ sở ở Trường Nguyễn Văn Khuê và tham gia vào ban chỉ đạo “Tập san học sinh cứu nước” – một tờ báo bí mật của học sinh, sinh viên yêu nước thời bấy giờ.

Gần nửa năm trôi qua, Tư đến phòng trọ của Châu vào một tối thứ Bảy. Tư đến tạm biệt Châu để lên chiến khu trong thời gian dài. Nhưng đó không phải lý do quan trọng nhất. Tư muốn thổ lộ tình cảm sau 4 năm quen biết.

“Tui sắp chuyển đi nên tui muốn hỏi Châu một vấn đề quan trọng. Tui có yêu một người”, Tư nói.

Châu đáp: “Người ấy là ai, tôi có biết không?”.

Tư tiếp tục: “Người ấy xinh đẹp, thùy mị, dịu dàng, cuộc sống giản dị và cùng chí hướng Cách mạng với tôi”.

Châu nói: "Người đó được đấy, cô ấy là ai?".

Tư can đảm thốt lên: "Người ấy là Châu".

Châu thẹn thùng: “Anh đừng nói nữa”, dù ánh mắt của Tư làm Châu xao xuyến đến lặng người. Châu vẫn chưa quên lời hứa với mẹ là sẽ không lập gia đình sớm, học xong phải kiếm việc làm, phụ mẹ nuôi 4 đứa em vì cha đã mất sớm.

Tư hiểu Châu đang bộn bề suy nghĩ nên an ủi Châu, mình tham gia Cách mạng, Cách mạng thành công thì mình lập gia đình. Một người phụ mẹ không bằng hai người phụ mẹ lo cho cả nhà.

Những cuộc hẹn ngắn ngủi của Tư và Châu phải dừng lại vì chiến tranh, xa cách.

Những cuộc hẹn ngắn ngủi của Tư và Châu phải dừng lại vì chiến tranh, xa cách.

Lúc ra về, Tư nắm chặt bàn tay của Châu nói khẽ: “Ngày mai tui xa Sài Gòn, chắc rất lâu mới về. Có gì thì Châu đừng giận tôi. Lúc này, Châu chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình nhưng nếu sau này quyết định đó thay đổi thì hãy nghĩ đến đêm nay, nghĩ đến tôi”. Châu lặng lẽ gật đầu rồi đưa cho Tư một gói quà. Và chiếc xe cà tàng của Tư chạy mất hút…

Về nhà, Tư nghĩ mình tỏ tình thất bại, ngồi xuống giường buồn bã. Chợt nhớ đến gói quà của Châu, Tư lật đật ngồi dậy mở ra xem. Bên trong có dòng chữ “Anh Tư, nghe tin anh sắp đi xa, tui gửi anh ít tiền để tiêu”. Kèm theo dòng chữ đó là 200 đồng, 2 chiếc áo may ô, một chiếc áo len và hai chiếc quần.

Cuối năm 1960, hàng vạn truyền đơn, khẩu hiệu chào mừng sự kiện trọng đại “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam” ra đời. Từ chiến khu, Tư trở lại Sài Gòn trong bối cảnh sục sôi của sự đấu tranh.

Tư cũng hẹn Châu ra ngoại thành để bàn công việc của tổ chức. Hai người đèo nhau trên chiếc mobilet, đóng giả đôi tình nhân đi vãn cảnh gần Bến xe Biên Hòa. Xung quanh đôi tình nhân là mấy tên cảnh sát chìm đang lảng vảng.

Tư phổ biến cho Châu biết về đợt hoạt động đặc biệt chào mừng Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam và chào mừng Hội Liên hiệp sinh viên, học sinh Giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Tư bàn với Châu rất kỹ về kế hoạch in, phát hành truyền đơn, tổ chức biểu tình.

Xong công việc, trước khi chia tay nhau ra về, Tư cũng hỏi ý kiến Châu về chuyện tình cảm. Ý Tư là tình cảm có gì mới không, nhưng Châu đáp là chưa có gì mới. Chiếc xe buýt nổ máy chuẩn bị đưa Châu rời bến. Tư xúc động nói: “Còn sống trên đời này, tôi còn giữ ý định thành hôn với Châu. Dù phải đi hết vòng quả đất để đến với Châu, tôi cũng sẵn lòng”.

Châu xúc động, im lặng… và chiếc xe buýt di chuyển xa dần. Châu nhoài người ra cửa sổ vẫy tay chào và gọi to “anh Tư”. Lần đầu Tư thấy Châu gọi Tư thân mật và thiết tha như vậy. Tư vui sướng rộn ràng. Người trên xe, kẻ dưới đường nhưng cả hai đều hiểu phần nào tình cảm của nhau. Nhưng họ đâu biết rằng, cái vẫy tay chào nhau ấy là sự xa cách gần 15 năm dài đằng đẵng.

Án tử, tù đày và cuộc tương phùng

Năm 1961, Châu và một số đồng chí khác bị bắt do có kẻ phản bội. Việc này khiến Tư càng cảnh giác khi hoạt động. Cùng năm ấy, Tư được tổ chức xác nhận là Đảng viên chính thức của Đảng thông qua bức thư ngắn của anh Hồ Hảo Hớn – Bí thư Khu đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam khu Sài Gòn – Gia Định. Sau đó, Tư được bầu vào Ban chấp hành Hội liên hiệp học sinh, sinh viên giải phóng khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, trực tiếp chỉ đạo Ban cán sự III và phụ trách các trường học tại Quận 2, Quận 5 Sài Gòn.

Tháng 8/1961, trong lúc ngồi cạo bùn ở bánh xe, Tư bị an ninh của quân Diệm bao vây, bắt giữ. Bị tù và tra tấn dã man suốt 9 tháng, Tư và 11 anh em phải ra tòa. Hơn một năm sau, tòa tuyên án tử hình Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành, Huỳnh Văn Chính. Tuy nhiên, trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân trong nước và dư luận quốc tế, chính quyền Diệm phải ngưng thi hành bản án tử hình. Lê Hồng Tư cùng các anh em bị đày ra Côn Đảo.

Tòa án quân sự đặc biệt kết án tử hình 4 chiến sĩ cộng sản.

Tòa án quân sự đặc biệt kết án tử hình 4 chiến sĩ cộng sản.

Sau hơn 2 năm, một bạn tù nhắn với Tư rằng: “Chị Nguyễn Thị Châu, vợ chưa cưới của anh gửi lời thăm”. Tư ngạc nhiên vì đây là lần đầu nhận được tin Châu sau thời gian dài đằng đẵng. “Đối với người tử tù sắp ra pháp trường rồi khi được một người con gái mà mình thương lại nhận là vợ sắp cưới… còn hạnh phúc nào hơn nữa”.

Rồi ít hôm sau, Tư nhận được đôi quần thêu hai chữ “T.C” do Châu gửi.

Có lần Tư vô tình nhặt được miếng bạc mỏng trong thùng rác. Tư mài giũa nó thành hình trái tim, một mặt khắc hình búa liềm, một mặt khắc chữ “T.C” lồng vào nhau.

Tháng 9/1965, Tư và 7 tử tù khác được chở về Sài Gòn để hành quyết tại chợ Bến Thành. Từ khám Chí Hòa, Tư viết bức thư cuối cùng cho Châu nói lên tiếng lòng của mình và tình yêu quê hương đất nước. Tư vui vì Châu đã ra tù và mong Châu tự quyết lấy hạnh phúc của mình.

May mắn thay, trước khi hành quyết, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đã phát đi bản tin cảnh cáo kẻ thù, yêu cầu đảm bảo tính mạng cho Tư và những người yêu nước bị giam giữ trái phép. Nếu không, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ đáp trả đích đáng.

Sau đó, Tư được đưa về Côn Đảo giam giữ cùng với anh hùng Lê Văn Việt.

Năm 1972, một tử tù báo tin cho Tư biết là Châu vinh dự ở trong Đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam được gặp Bác Hồ và đi dự Đại hội liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới tại Liên Xô. Châu báo cáo với tổ chức mình là vợ của Lê Hồng Tư và tin chồng mình sẽ có ngày trở về.

Bà Châu được bầu làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Quận 10 sau ngày giải phóng.

Bà Châu được bầu làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Quận 10 sau ngày giải phóng.

2 năm sau, Tư vui mừng khôn xiết khi bạn tù trao tay bức thư của Châu gửi. Câu đầu tiên của bức thư là “Anh thương nhớ”, cả bức thư là tràn ngập sự nhớ nhung, trông ngóng của Châu và những người thân ở đất liền, kèm theo đó là niềm tin về ngày Sài Gòn được giải phóng...

Lúc đó, Tư như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin rằng ngày đất nước thống nhất đã tới gần và niềm hạnh phúc riêng của những lứa đôi sẽ thiêng liêng biết bao khi hòa vào hạnh phúc của Bắc Nam sum họp một nhà.

Và rồi, tin chiến thắng tới Côn Đảo, ngay trong đêm 30/4/1975, sự chờ đợi, sự giam cầm, những trận đòn tra tấn khép lại, những cựu tử tù vui mừng khôn xiết, nghẹn ngào bước ra khỏi “địa ngục trần gian”. 14 năm, 3 lần chuẩn bị ra pháp trường với bao khổ cực cũng đã qua…

Ngày rời đảo, ông bồi hồi nhớ lại, khi vào tù Tư chỉ là người thanh niên 26 tuổi, đến khi ra tù đã tròn 40 tuổi. Mái tóc người chiến sĩ kiên trung đã ngả bạc và băn khoăn, không biết là Châu còn sống hay đã hy sinh…

Đám cưới hạnh phúc của cựu tử tù Côn Đảo Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu được tổ chức sau 15 năm xa cách. (Ảnh: NVCC)

Đám cưới hạnh phúc của cựu tử tù Côn Đảo Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu được tổ chức sau 15 năm xa cách. (Ảnh: NVCC)

Ngày 7/5/1975, Tư về Vũng Tàu.

Sự xa cách, sự chờ đợi trong tù đày của họ khép lại bằng một lễ cưới đơn giản với tên gọi “Lễ tuyên hôn gia đình hạnh phúc” vào đúng đêm Trung thu đầu tiên kể từ khi Sài Gòn được giải phóng.

Với họ hạnh phúc lứa đôi hòa lẫn với niềm hạnh phúc của cả dân tộc, to lớn, ý nghĩa, thiêng liêng và không có gì sánh được.

ĐẠI VIỆT

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chuyen-tinh-cua-cuu-tu-tu-con-dao-va-cuoc-tuong-phung-ngay-thong-nhat-dat-nuoc-ar930151.html
Zalo