Chuyện thời sự: Cuộc cách mạng mới của kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư nhận định, thành tựu 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách phải thực hiện quyết liệt 'một cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả'.

Tổng Bí thư nhận định, thành tựu 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách phải thực hiện quyết liệt “một cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

- Theo dõi thời sự trong nước mấy hôm nay, đọc được bài viết mới của người đứng đầu Đảng ta tôi cảm thấy tâm đắc vô cùng ông ạ!

- Chắc là ông đọc được bài “Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm chứ gì! Bàn Dân cũng đang định nói với ông chuyện ấy. Nhưng xin ông hãy bày tỏ cảm nhận của ông trước, xem có đồng cảm với Bàn Dân không đã.

- Vâng, ông đoán đúng, nhưng… thú thiệt có nhiều vấn đề tôi cảm nhận được mà nói hổng được. Thôi thì tôi hiểu tới đâu cố gắng bộc bạch với ông tới đó, chuyện nào tôi còn “mờ ớ” nhờ ông bổ túc cho tôi nghen! Đọc bài ấy tôi hiểu rằng Tổng Bí thư nhận định, thành tựu 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách phải thực hiện quyết liệt “một cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Tổng Bí thư cho rằng hệ thống chính trị từ trước đến nay cơ bản ổn định gồm các khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Với cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, tổ chức bộ máy của từng khối đã có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu cách mạng của từng giai đoạn lịch sử.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, trong văn kiện nhiều Đại hội đều nhấn mạnh nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy; nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thật đồng bộ. Một số bộ, ngành Trung ương còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; nhiệm vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn chồng chéo.

Phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không được đầu tư thích đáng. Việc tinh giản biên chế tuy có giảm số lượng, nhưng chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Đồng thời còn có sự chồng chéo và phân định không rõ nhiệm vụ dẫn đến “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp.

Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua nhiều cửa thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển…

Tổng Bí thư còn cho rằng mô hình tổ chức bộ máy cấu thành hệ thống chính trị được thiết kế và vận hành đã khá lâu không còn phù hợp với điều kiện mới là “trái quy luật phát triển, tạo ra tâm lý nói không đi đôi với làm”.

Vì thế, theo Tổng Bí thư, để đạt được những mục tiêu chiến lược vào các thời điểm kỷ niệm 100 năm của Đảng và Nhà nước sắp tới, không chỉ đòi hỏi “những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi”. Với những yêu cầu cấp bách ấy, việc làm cho tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Tổng Bí thư phải là “một cuộc cách mạng”.

Tôi nghĩ, khi người đứng đầu Đảng ta đã phát biểu mạnh mẽ như thế thì toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng phải có động thái hưởng ứng thực hiện thật mãnh liệt mới có thể nhanh chóng đem lại hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển của “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc ta, đất nước ta, phải vậy không ông?

- Ông cảm nhận được “tính cấp bách” của vấn đề Tổng Bí thư Đảng ta đặt ra như thế là ông “cập nhật” được tình hình hình mới, nhiệm vụ mới của toàn hệ thống chính trị, và cũng là của toàn xã hội ta rồi đó.

Hiểu được vấn đề như thế, Bàn Dân nghĩ chắc ông cũng nắm được thông tin mới nhất từ phía Chính phủ ta, vừa được Thủ tướng đưa ra tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày chủ nhật 9.11 rồi.

Đó là việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo Nghị quyết số 18 của Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo đó, Nghị quyết số 18 của Trung ương ban hành năm 2017 hướng tới xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả trong giai đoạn 2021-2030.

Và trong 7 năm qua, các bộ, ngành Trung ương cũng đã thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu “Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” hệ thống chính trị như Tổng Bí thư đặt ra thì đúng là cả “một cuộc cách mạng” của cả nước tiến vào “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình” của đất nước.

Bàn Dân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cuoc-cach-mang-moi-cua-ky-nguyen-moi-a181369.html
Zalo