Chuyến thăm lịch sử, tạo động lực phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam sẽ để lại dấu ấn lịch sử, tiếp thêm động lực mạnh mẽ và tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong giai đoạn mới.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15-4-2025 (Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước, diễn ra tại Bắc Kinh, ngày 19-8-2024)
Bước chuyển rõ nét, khá toàn diện theo định hướng “6 hơn”
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình hôm nay đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 đến 15-4-2025. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ tư của đồng chí Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Đặc biệt, chuyến thăm được tiến hành trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950 - 2025).
Trong những năm gần đây, trên nền tảng của Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” mà hai nước ký kết vào tháng 12-2023, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển theo quỹ đạo thuận lợi hơn, có những bước chuyển rõ nét, khá toàn diện theo định hướng “6 hơn”, được hai bên đánh giá là tốt nhất từ sau bình thường hóa quan hệ đến nay.
Các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra một cách sôi động, theo hình thức linh hoạt, cả trên kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp) hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Trên các diễn đàn đa phương, hai nước tăng cường điều phối, phối hợp trong các cơ chế đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), cũng như của khu vực như khuôn khổ hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS)... Vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc được nâng cao. Trung Quốc tỏ rõ sự ưu tiên, coi trọng quan hệ với Việt Nam. Cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành sự quan tâm cao đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ông là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam nhiều nhất trong lịch sử.
Quan hệ chính trị - ngoại giao phát triển tốt đẹp đã trở thành điểm tựa cho việc mở rộng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Việt Nam duy trì trong nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và năm 2024 đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đã đạt 51,25 tỷ USD (tăng 17,46% so với cùng kỳ). Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam. Về đầu tư, tính lũy kế đến hết tháng 1-2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 31,26 tỷ USD với 5.195 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong năm 2024, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,73 tỷ USD với hơn 955 dự án cấp mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Hợp tác về giáo dục giữa hai nước tăng mạnh, hiện Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc. Hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt - Trung, Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, khu biên giới được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng... Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

Chương trình giao lưu văn nghệ chào Xuân qua biên giới và Liên hoan nhân dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2024
Tạo “điểm sáng” về hợp tác trình độ cao
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng. Kinh tế duy trì đà phát triển; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng. Cộng đồng quốc tế coi trọng, đánh giá cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Dự kiến các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hai bên sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực, tạo cơ sở quan trọng để triển khai hợp tác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ và tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong giai đoạn mới; tiếp tục đưa ra những bố trí chiến lược, những định hướng quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển vững chắc, bền chặt, gặt hái nhiều thành tựu mang tính đột phá vì lợi ích phát triển của mỗi nước. Hai nước sẽ tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu trao đổi cấp cao thường xuyên, thúc đẩy triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết, mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác theo định hướng “6 hơn”.
Chuyến thăm cũng mở cơ hội đưa hợp tác thực chất của hai bên đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, thúc đẩy tạo “điểm sáng” về hợp tác trình độ cao, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh... Chẳng hạn, thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc là không gian tiêu thụ rộng rãi cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như trái cây, cà phê, thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của Trung Quốc trong công nghệ nông nghiệp, thiết bị máy móc nông nghiệp, nghiên cứu phát triển trồng trọt, đất nông nghiệp, thủy lợi… có thể giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản, thực hiện hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Trong việc kết nối cơ sở hạ tầng, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc lập Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việt Nam phấn đấu xây dựng tuyến đường sắt này trong năm 2025 cũng như hoàn thành lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội trong năm 2026. Thúc đẩy tiến độ xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh giữa hai nước. Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân hai nước qua lại cũng như thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Chắc chắn chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ để lại dấu ấn lịch sử, tiếp thêm động lực mạnh mẽ và tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong giai đoạn mới; góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển vững chắc, bền chặt, gặt hái nhiều thành tựu mang tính đột phá vì lợi ích phát triển của mỗi nước.