Chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước Lương Cường có ý nghĩa rất quan trọng
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Lương Cường tiếp tục thể hiện sự nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi Lào và quan hệ Việt Nam - Lào là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai chính sách đối ngoại.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước tới Lào từ ngày 24-25/4/2025.
Nhân dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm về ý nghĩa chuyến thăm lần này.

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm
PV:Thưa Đại sứ, chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước Lương Cường có ý nghĩa quan trọng như thế nào, nhất là đối với việc vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào; Lào – Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới?
Đại sứ Nguyễn Minh Tâm: Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường tới Lào, diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hai nước đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết của mỗi Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng đáng tự hào; mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào đang phát triển hết sức tốt đẹp, các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, các Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ đang được hai bên tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; là dịp để hai bên trao đổi về tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước, tình hình thế giới, khu vực mà hai bên cùng quan tâm; đánh giá việc triển khai quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, trao đổi các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực.
Tôi cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào lần đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa nhằm tiếp tục thể hiện sự nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi Lào và quan hệ Việt Nam - Lào là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai chính sách đối ngoại của mình, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới ở Lào; vừa là hoạt động cụ thể gia tăng tình cảm gắn bó, gần gũi đặc biệt thân thiết giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
PV: Thưa Đại sứ, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới hiện nay đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh phi truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Lào. Vậy hai nước cần tiếp tục phải làm gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực lên tầm cao mới?
Đại sứ Nguyễn Minh Tâm: Hai nước Việt Nam - Lào đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế và khu vực cùng với chủ trương của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho nhau, cùng hợp tác cùng phát triển.
Tôi cho rằng, để quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới chúng ta cần siết chặt tay nhau, chung sức, đồng lòng, phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống lịch sử, đoàn kết gắn bó, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau để triển khai một số định hướng và lĩnh vực hợp tác trọng tâm như sau:
Một là tiếp tục giữ vững sự tin cậy chính trị, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược, chủ trương chính sách liên quan đến an ninh và phát triển của mỗi nước; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, rà soát và đưa ra các cơ chế hợp tác mới; tăng cường công tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng an ninh-đối ngoại hội nhập sâu rộng; tăng cường trao đổi lý luận và thực tiễn về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm để hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần cho sự phát triển của mỗi nước.
Hai là, làm sâu sắc hơn nữa trụ cột về hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đảm bảo là chỗ dựa vững chắc cho nhau ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi, góp phần giữ vững ổn định ở mỗi nước, đặc biệt là xây dựng tuyến biên giới hai nước hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của cả Lào và Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.
Ba là, với chủ trương của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, nhất là về kết nối và bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Lào để tương xứng với mối quan hệ hợp tác về chính trị, quốc phòng - an ninh hết sức tốt đẹp.
Trong đó cần đẩy mạnh, tăng cường kết nối về thể chế, cơ sở hạ tầng, tài chính, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, viễn thông, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà Lào có tiềm năng, thế mạnh, dành sự ưu tiên như năng lượng sạch, chuyển đổi số, nông nghiệp sạch… tích cực bổ trợ cho nhau, gắn kết văn hóa - xã hội, thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa…
Bốn là, tiếp tục tăng cường lĩnh vực hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh giữa hai nước, nâng cao chất lượng đào tạo; Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý nhà nước, kinh tế, khoa học - công nghệ để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giúp Lào.
Năm là, quan tâm hơn nữa đến hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, Việt Nam đã và đang tích vực hỗ trợ Lào trong quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử và kinh tế số. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa vào sản xuất.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là địa phương có chung đường biên giới để gắn kết chặt chẽ hơn giữa các vùng kinh tế, biên giới. Qua đó giúp phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và giao lưu nhân dân hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Tôi tin tưởng rằng, mặc dù thế giới có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, nhưng với sự quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, thông qua những định hướng trong quan hệ hai nước trong thời gian tới, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, được xây dựng bằng cả mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ hai nước sẽ ngày càng bền chặt “sâu hơn nước Hồng Hà – Cửu Long”, “Vững bền hơn núi hơn sông”, “Sáng hơn trăng rằm, thơm hơn bông hoa nào thơm nhất”.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!