Chuyến thăm đầu tiên của giới lãnh đạo lâm thời Syria tới Ảrập Xêút có ý nghĩa gì?

Bộ trưởng Ngoại giao của Chính quyền lâm thời Syria Asaad al-Shaibani đã có chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên tới Ảrập Xêút. Cùng với một số quan chức cấp cao khác, ông al-Shaibani đã dành hai ngày ở Riyadh từ ngày 4 - 6.1, đánh dấu sự tái hợp mang tính lịch sử giữa Damascus và một trong những quốc gia Ảrập có ảnh hưởng nhất. Các nhà phân tích cho biết, chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Ảrập Xêút và chính quyền lâm thời mới của Syria.

Ảnh hưởng kép của Ảrập Xêút

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một phái đoàn Syria trong chính phủ chuyển tiếp mới được thành lập sau khi cựu Tổng thống Assad bị lật đổ, cho thấy ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm.

Mohammad al-Omari, một nhà phân tích chính trị người Syria, mô tả Ảrập Xêút có "ý nghĩa kép" trên mặt trận Ảrập và Hồi giáo. Vì có ảnh hưởng chính trị và kinh tế đáng kể trên khắp Trung Đông, "Ảrập Xêút có khả năng thiết lập sự cân bằng chiến lược ở Syria, ở cả khía cạnh chính trị và kinh tế", ông lưu ý.

 Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm Asaad al-Shaibani của Chính quyền lâm thời Syria tới thăm Ảrập Xêút. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm Asaad al-Shaibani của Chính quyền lâm thời Syria tới thăm Ảrập Xêút. Ảnh: Reuters

Do đó, việc công nhận vai trò của vương quốc Ảrập Xêút là rất quan trọng đối với quá trình chuyển tiếp ở Syria. Chuyến thăm của Ngoại trưởng lâm thời Al-Shaibani báo hiệu rằng, Chính quyền sắp tới ở Damascus sẵn sàng thiết lập lại mối quan hệ với một quốc gia có thể định hình sự đồng thuận trong khu vực, có khả năng trấn an cả những nước láng giềng Ảrập và Hồi giáo về hướng đi mới của Damascus sau sự sụp đổ của cựu Tổng thống Bashar al-Assad, nhà phân tích cho biết.

Sức mạnh tài chính của Ảrập Xêút và khả năng huy động các nguồn lực ở vùng Vịnh cũng là những điểm mà Damascus đặc biệt phải lưu ý. Phát biểu sau chuyến thăm, Ngoại trưởng al-Shaibani nhấn mạnh nhu cầu khởi động một kế hoạch phát triển kinh tế khuyến khích đầu tư và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Abu Qasra và Giám đốc Tình báo Anas Khattab cũng đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của Ảrập Xêút để thảo luận về các dự án tái thiết tiềm năng.

"Nguồn lực của vùng Vịnh phụ thuộc rất lớn vào các quyết định của Ảrập Xêút, đặc biệt là khi đề cập đến tái thiết và cải thiện điều kiện sống. Giới lãnh đạo mới của Syria cần những nguồn lực này để ổn định đất nước", nhà phân tích al-Omari lưu ý.

Tìm kiếm sự cân bằng và ổn định

Đối với Ảrập Xêút, việc tiếp cận giới lãnh đạo mới của Syria là một bước quan trọng để tăng cường mối quan hệ với Syria và cân bằng sự ổn định trong khu vực. "Vấn đề không chỉ là thương mại hay đầu tư; mà còn là đảm bảo rằng chính phủ mới của Syria không trở nên quá phụ thuộc vào một thế lực trong khu vực", al-Omari cho biết.

Về phần mình, Syria cũng tìm kiếm một môi trường ổn định trong thời kỳ hậu Assad. Ngoại trưởng của chính phủ lâm thời al-Shaibani đã nhấn mạnh trong chuyến thăm rằng điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường chính trị thuận lợi cho "an ninh, ổn định và thịnh vượng" cùng với các đối tác Ảrập. Ông cho biết Syria đặt mục tiêu đóng "vai trò tích cực trong khu vực", một tuyên bố phù hợp với nỗ lực xây dựng lại lòng tin giữa các nước láng giềng vốn lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn của các hoạt động cực đoan hoặc xung đột mới.

Ảrập Xêút đã cắt đứt quan hệ với Chính phủ của ông Assad vào năm 2012. Nhưng năm ngoái, Riyadh đã khôi phục quan hệ với Chính phủ Assad và đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Syria trở lại là thành viên của Liên đoàn Ảrập, chấm dứt tình trạng cô lập của nước này trong khu vực.

Hướng tới con đường phía trước

Trong khi các cuộc gặp gỡ ở Riyadh đánh dấu một cột mốc quan trọng và mang tính bước ngoặt giữa hai nước, các nhà quan sát cảnh báo rằng tiến bộ thực sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm viện trợ quốc tế, hòa giải chính trị và các thỏa thuận an ninh để giải quyết căng thẳng phe phái kéo dài.

Trong bài phát biểu trong chuyến thăm đầu tiên tới Syria vào 3.1, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã kêu gọi Syria tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực một cách toàn diện, tôn trọng quyền của mọi công dân tại Syria, đồng thời nêu rõ rằng Liên minh châu Âu sẽ không tài trợ cho các thực thể Hồi giáo ở nước này.

Ngoại trưởng Baerbock cho biết: "Chúng tôi khuyến khích những người đối thoại tận dụng kinh nghiệm và sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc cho tiến trình bao trùm về mặt chính trị này". Bà nhấn mạnh rằng bất kỳ chính phủ Syria nào trong tương lai cũng phải hòa nhập mọi bộ phận của xã hội, bao gồm cả phụ nữ và các dân tộc thiểu số, vào tiến trình chính trị.

Tuy nhiên, chuyến thăm đầu tiên của al-Shaibani tới Ảrập Xêút làm nổi bật chiến lược rộng hơn của Damascus: xây dựng lại lòng tin, thu hút đầu tư và định vị chính phủ lâm thời mới là đối tác cho các bên liên quan trong khu vực và toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Syria Bassah Al-Assad đã bị lật đổ sau khi các nhóm chống chế độ nắm quyền kiểm soát Damascus vào ngày 8.12.2024, chấm dứt chế độ của Đảng Baath, vốn đã nắm quyền từ năm 1963. Vụ lật đổ diễn ra sau khi các chiến binh Hayat Tahrir al-Sham chiếm được các thành phố quan trọng trong một cuộc tấn công chớp nhoáng kéo dài chưa đầy hai tuần. Một chính quyền mới do ông Ahmed al-Sharaa đứng đầu hiện đã lên nắm quyền. Các nước phương Tây và các nước láng giềng đặc biệt quan tâm tới quá trình chuyển tiếp ở Syria.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-tham-dau-tien-cua-gioi-lanh-dao-lam-thoi-syria-toi-arap-xeut-co-y-nghia-gi-post401235.html
Zalo