Chuyến thăm của Tổng thống Macron mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt-Pháp

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân là mốc son đánh dấu bước cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 quốc gia, được thiết lập vào tháng 10/2024 sau chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Việt Nam và Pháp đã không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa và quốc phòng.

Bước chuyển quan trọng nhất gần đây diễn ra vào tháng 10/2024, khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm có chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Pháp, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron lần này là sự tiếp nối mạnh mẽ và mang tính biểu tượng cho quá trình cụ thể hóa các cam kết chiến lược đã được xác lập giữa hai bên.

Nhân dịp này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã có cuộc trao đổi với báo chí về những trọng tâm hợp tác song phương và kỳ vọng từ chuyến thăm sắp tới.

Cột mốc mới trong đối tác chiến lược toàn diện

Phóng viên: Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Emmanuel Macron, đặc biệt khi đây là sự kiện mở đầu cho chuyến công du ba quốc gia Đông Nam Á?

Đại sứ Olivier Brochet: Theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 đến 27/5. Đây là chuyến thăm hết sức quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước, phản ánh sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập cách đây không lâu.

Việt Nam cũng là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Macron, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Singapore. Việc lựa chọn Việt Nam làm điểm khởi đầu cho thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại khu vực của Pháp, đồng thời là sự khẳng định cam kết của Pháp đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Pháp triển khai từ năm 2018. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đặt Đông Nam Á ở vị trí trung tâm trong tầm nhìn đối ngoại mở rộng và dài hạn của Pháp.

Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Pháp tại Đông Nam Á. Hai nước có một nền tảng hợp tác sâu sắc, được xây dựng qua nhiều thế hệ, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa và khoa học công nghệ. Điều đó khiến chuyến thăm lần này mang ý nghĩa vừa kế thừa truyền thống, vừa mở ra chương mới cho hợp tác thực chất hơn giữa hai quốc gia.

Phóng viên: Những lĩnh vực hợp tác nào sẽ là trọng tâm của chuyến thăm lần này, thưa Đại sứ?

Đại sứ Olivier Brochet: Chương trình làm việc của Tổng thống Macron tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các cuộc hội đàm cấp cao với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Đây sẽ là dịp để hai bên đánh giá lại tiến trình hợp tác trong thời gian qua, đồng thời bàn bạc về phương hướng hợp tác trong tương lai, từ các vấn đề song phương đến các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và gìn giữ hòa bình.

Bên cạnh đó, một sự kiện đáng chú ý nữa là Tổng thống Macron dự kiến sẽ tới thăm và có bài phát biểu tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Tại đây, Tổng thống sẽ gặp gỡ sinh viên các chương trình hợp tác đào tạo Pháp-Việt như PFIEV, CFVG và phát biểu về vai trò của thế hệ trẻ trong thúc đẩy quan hệ song phương. Điều này cho thấy Pháp đặt kỳ vọng lớn vào thế hệ thanh niên Việt Nam, xem đây là lực lượng tiên phong trong phát triển tri thức và đổi mới sáng tạo.

Một trụ cột quan trọng khác trong chuyến thăm lần này là hợp tác về kinh tế và quốc phòng. Tổng thống Macron sẽ đi cùng nhiều bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính và Bộ trưởng Quân đội Pháp, nhằm thúc đẩy các dự án song phương trong lĩnh vực giao thông vận tải (đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao), năng lượng sạch, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, hợp tác quốc phòng và an ninh cũng là chủ đề được ưu tiên, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trao đổi với báo chí trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron. (Ảnh: HẢI YẾN)

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trao đổi với báo chí trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron. (Ảnh: HẢI YẾN)

Phóng viên: Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò và tầm nhìn chung mà hai nước có thể chia sẻ?

Đại sứ Olivier Brochet: Chúng tôi tin tưởng rằng, trên nền tảng đối tác tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, hai nước hoàn toàn có thể đồng hành trong việc xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, bền vững và tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò chủ động, có trách nhiệm trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Pháp sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.

Trong các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Pháp với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, những vấn đề và thách thức mang tính toàn cầu cũng được đề cập đến. Thí dụ như sắp tới, vào tháng 6/2025, Pháp sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ ba về Đại dương tại Nice. Tôi được biết, Việt Nam sẽ cử một đoàn cấp cao tham dự sự kiện này. Đây là một trong những chủ đề mà Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đề cập với các lãnh đạo Việt Nam.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã tới thăm công trường Nhà máy Thủy điện Ialy. Việc mở rộng nhà máy này được tài trợ theo phương thức hợp tác của Nhóm châu Âu. (Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam)

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã tới thăm công trường Nhà máy Thủy điện Ialy. Việc mở rộng nhà máy này được tài trợ theo phương thức hợp tác của Nhóm châu Âu. (Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam)

Tại chuyến thăm lần này, dự kiến sẽ có một văn kiện được ký kết giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) với Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia Việt Nam nhằm triển khai dự án đường dây truyền tải điện - một phần trong gói hỗ trợ của Pháp dành cho Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây không chỉ là một thỏa thuận kinh tế, mà còn là biểu tượng cho sự cam kết của Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể nói, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp là dịp để khẳng định sự mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, cũng như mong muốn tăng cường đưa quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để hai phía khẳng định quyết tâm để cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác hiện đại, năng động và tôn trọng lợi ích cũng như chủ quyền của mỗi quốc gia.

Giao lưu nhân dân là nền tảng cho một quan hệ bền vững

Bên cạnh các vấn đề chiến lược, quan hệ nhân dân giữa hai nước vẫn luôn là nền tảng vững chắc, góp phần tạo nên sự khác biệt trong quan hệ Việt-Pháp. Trong hơn ba thập niên qua, hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam đã sang Pháp học tập, nhiều người trong số họ sau này trở thành cầu nối quan trọng trong các lĩnh vực học thuật, nghiên cứu, ngoại giao và kinh doanh.

Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết thêm về những nỗ lực của Pháp trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa với Việt Nam?

Đại sứ Olivier Brochet: Chúng tôi tin rằng yếu tố nền tảng cho mối quan hệ bền vững là giao lưu nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hơn 30 năm qua, hàng nghìn sinh viên Việt Nam đã sang Pháp học tập và sau đó trở về đóng góp cho quê hương, tạo nên các “cầu nối” quý giá giữa hai nước.

Trong hai năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều chuyến thăm trao đổi cấp cao giữa các viện nghiên cứu lớn của Pháp và Việt Nam. Có thể kể đến Chủ tịch CNRS, Viện Pasteur Paris, hay Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi - người phát hiện virus HIV - đều đã đến Việt Nam và có hợp tác lâu dài.

Quan hệ giữa nhân dân hai nước luôn là yếu tố quan trọng. Do đó, chúng tôi không chỉ tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh nước Pháp, mà còn chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi đã có hơn 20 năm hợp tác tổ chức Festival Huế, tổ chức Festival Nhiếp ảnh Hà Nội và đặc biệt gần đây là ký kết hợp tác đào tạo hoạt hình giữa Học viện đào tạo hoạt hình Sconnect (Việt Nam) và Trường Gobelins (Pháp) - trường đào tạo hoạt hình hàng đầu châu Âu.

Ngoài ra, tại Liên hoan phim Cannes năm nay, Việt Nam lần đầu tiên có gian hàng quốc gia với sự hỗ trợ của Pháp. Đó là minh chứng cho cam kết lâu dài của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển một nền văn hóa vừa mang bản sắc riêng, vừa hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Trong tương lai, theo Đại sứ, đâu là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ nâng tầm hợp tác Việt-Pháp?

Đại sứ Olivier Brochet: Chúng tôi xác định một số lĩnh vực trọng tâm để hợp tác sâu hơn trong giai đoạn tới, bao gồm năng lượng tái tạo, công nghệ cao, giao thông đô thị, y tế và trí tuệ nhân tạo. Đây đều là những lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, đồng thời là thế mạnh của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học Pháp.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và để đạt được điều đó, cần có sự hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nhân lực, chuyển giao tri thức - những yếu tố mà chúng tôi sẵn sàng đồng hành. Pháp không chỉ hướng đến các hợp đồng thương mại đơn thuần, mà mong muốn thiết lập những mối quan hệ đối tác bền vững, mang tính chiến lược lâu dài.

Phóng viên: Xin được cảm ơn những chia sẻ của Đại sứ!

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Emmanuel Macron tới Việt Nam không chỉ là một sự kiện ngoại giao mang tính biểu tượng, mà còn là dịp để hai nước tái khẳng định cam kết đồng hành, cùng hướng tới một tương lai hợp tác sâu rộng, thực chất và bền vững. Với nền tảng quan hệ lịch sử, sự tương đồng về tầm nhìn phát triển, cũng như lòng tin chiến lược được củng cố, mối quan hệ Việt-Pháp đang bước vào giai đoạn mới - giai đoạn của sự đồng hành toàn diện và cùng xây dựng nền tảng phát triển chung.

HẢI YẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-tham-cua-tong-thong-macron-mo-ra-giai-doan-moi-trong-quan-he-viet-phap-post882015.html
Zalo