Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm củng cố quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, đóng góp tích cực cho Cộng đồng Pháp ngữ
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dấu mốc quan trọng với quan hệ Việt Nam-Pháp, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ.
Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chuẩn bị tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về ý nghĩa và các hoạt động, nội dung điểm nhấn trong khuôn khổ chuyến thăm quan trọng này.
Xin Đại sứ cho biết những ý nghĩa gửi gắm qua chuyến thăm "2 trong 1" vừa đa phương vừa song phương sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp?
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên sau 22 năm chúng ta lại có một chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam đến Pháp.
Chuyến thăm là sự truyền tải mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, coi trọng củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước lớn, các nước đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, trong đó có Pháp và khu vực châu Âu, Liên minh châu Âu (EU), đồng thời khẳng định sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế.
Đồng thời, chuyến thăm còn thể hiện sự coi trọng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đối với Pháp, một trong những nước có vị thế, vai trò quan trọng hàng đầu tại châu Âu và trên thế giới, cũng như đối với sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược được thiết lập cách đây 11 năm (25/9/2013-25/9/2024), các hoạt động thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dấu mốc quan trọng, sẽ tạo thêm khuôn khổ, động lực mới để đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và thế giới.
Đối với Cộng đồng Pháp ngữ, đây là lần đầu tiên kể từ khi gia nhập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) vào năm 1979, Lãnh đạo cấp cao nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của Việt Nam tham dự một Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Việt Nam trong hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ cũng như việc Việt Nam luôn cam kết ở cấp cao là một thành viên đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào sự phát triển của Cộng đồng cũng như các công việc chung của quốc tế.
Việc tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 cũng cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hình ảnh và sự hiện diện ở cấp cao của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Pháp ngữ. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ Cộng đồng Pháp ngữ với khu vực, qua đó nâng tầm vị thế quốc gia của Việt Nam cũng như vị thế của Cộng đồng trên trường quốc tế.
Sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này sẽ là điểm nhấn quan trọng, tạo đà đưa quan hệ Việt Nam-Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục vươn cao hơn nữa.
Những hoạt động, nội dung điểm nhấn trong chuyến thăm này là gì? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến sẽ tham gia, đóng góp như thế nào tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, thưa Đại sứ?
Pháp là một trong hai điểm đến đầu tiên ở châu Âu trong các hoạt động đối ngoại cấp cao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Trong khuôn khổ các hoạt động song phương tại Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Pháp, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), gặp gỡ Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp và nhiều bạn bè, đối tác, cộng đồng ta ở Pháp.
Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ được Nhà nước Pháp tổ chức theo nghi thức quốc gia trọng thể tại Điện Invalides. Các lãnh đạo cấp cao Pháp sẽ dành những nghi lễ long trọng đón tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam, qua đó, thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Pháp đối với Lãnh đạo cấp cao Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt Nam-Pháp nói chung.
Qua chuyến thăm, hai bên sẽ xác định những định hướng, khuôn khổ lớn cho quan hệ Việt Nam-Pháp trong thời gian tới, trong đó tập trung vào việc nâng cao hiệu quả, mở rộng và nâng cấp các cơ chế hợp tác song phương; làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư; vừa tiếp tục đẩy mạnh hợp tác truyền thống trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế, tư pháp; vừa mở rộng và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hàng không vũ trụ và năng lượng, ứng phó với biển đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh, kinh tế biển.
Dự kiến, hai bên sẽ ký nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có các hợp đồng kinh tế quan trọng, trị giá hàng tỷ USD.
Điểm nhấn đặc biệt ý nghĩa trong chuyến thăm Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn là hoạt động thăm các điểm dừng chân lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình gian nan tìm đường cứu nước, những nơi mà chính quyền, nhân dân và bạn bè Pháp vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm, ký ức sâu đậm về Người. Hoạt động này vừa thể hiện sự ghi nhận, tình cảm đối với vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa, đại diện cho truyền thống yêu nước và ý chí vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; vừa bày tỏ mong muốn tiếp tục vun đắp tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt sợi dây kết nối bền vững giữa nhân dân hai nước.
Đối với Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, trên tinh thần thành viên tích cực và có trách nhiệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ tham gia và đóng góp thiết thực vào chủ đề của Hội nghị là “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”. Hội nghị được tổ chức với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ thông dụng trong các hoạt động hợp tác kinh tế Pháp ngữ, triển khai không gian số Pháp ngữ và điều kiện về việc làm cho thanh niên nói tiếng Pháp tại các nước thành viên OIF.
Thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm phát triển kinh tế số và khởi nghiệp số cũng là một trong những nội dung mà Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm tới các nước thành viên Pháp ngữ với tư cách là nước điều hành soạn thảo Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ 2021-2025 và Chiến lược Số Pháp ngữ 2022-2026 trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Pháp ngữ.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ trao đổi về tăng cường các kết nối của OIF với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một bộ phận của không gian Pháp ngữ, thúc đẩy hợp tác kinh tế và phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào các nỗ lực vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng.
Cũng trong khuôn khổ Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với Tổng thư ký Pháp ngữ và các nguyên thủ thành viên Pháp ngữ đến từ tất cả các khu vực.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ thăm và phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp và công nghệ Pháp ngữ, cũng như vinh danh doanh nghiệp Việt Nam trong Pháp ngữ với sự tham dự của các nguyên thủ các nước thành viên Pháp ngữ và hơn 500 tập đoàn, doanh nghiệp lớn Pháp ngữ, qua đó quảng bá các thành tựu và tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn của Việt Nam tới Cộng đồng Pháp ngữ và bạn bè quốc tế.
Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là nhà đầu tư lớn thứ 2 của EU tại Việt Nam. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới tiềm năng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chất bán dẫn...?
Pháp luôn là một trong đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và EU, với quan hệ hợp tác kinh tế đa dạng và lâu dài. Trao đổi thương mại giữa hai nước luôn sôi động do tính chất bổ trợ lẫn nhau.
Tổng kim ngạch song phương đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược vào năm 2013, đạt 7,6 tỷ Euro vào năm 2023. Hai bên đang nỗ lực tận dụng các lợi thế để triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Hiện Pháp có hơn 350 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam. Các thế mạnh của Pháp về viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y dược, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics, nông nghiệp chất lượng cao, là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế nước ngoài của Việt Nam. Hiện Pháp cũng đã có lộ trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và chúng ta đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu Euro (gần 231 triệu USD) cho Việt Nam, tập trung vào ba lĩnh vực là biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tài trợ hơn 3 tỷ Euro cho Việt Nam thông qua nhiều dự án hợp tác phát triển trong 30 năm qua. Bên cạnh đó, Pháp còn là một thành viên tích cực trong quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG).
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai bên sẽ cùng xác định những chủ trương, đường hướng lớn, mang tính chiến lược để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, trong đó khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ sẽ được đặc biệt chú trọng.
Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và là những lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, trong khi Pháp mạnh về nghiên cứu khoa học và luôn thuộc tốp những nước đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.
Hiện có nhiều lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam có nhu cầu trong khi Pháp có thế mạnh và có thể bổ trợ cho Việt Nam. Hai nước có thể mở rộng hợp tác về năng lượng, hàng không vũ trụ, phát triển công nghệ hydrogen xanh, ứng dụng bán dẫn, sử dụng khoáng sản quý hiếm, cáp ngầm dưới biển...
Về các mục tiêu phát triển xanh, hai nước cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, du lịch xanh, ứng phó với biển đổi khí hậu, thị trường carbon.
Các bộ, ngành, đối tác hai bên cần tích cực phối hợp để triển khai chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước bằng các chương trình, dự án hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của mỗi bên.
Giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân luôn là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Pháp. Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã triển khai những hoạt động, sự kiện gì nhằm vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước?
Hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân luôn là một điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa và người dân hai nước chính là nhân tố then chốt góp phần đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã và đang triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân đa dạng, phong phú để quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam đến bạn bè Pháp và châu Âu, đặc biệt là trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm những sự kiện lớn.
Đại sứ quán đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, 50 Hiệp định Paris, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, Ngày Việt Nam tại Pháp, Ngày Văn hóa Việt Nam, Tết cộng đồng, các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo dấu chân Bác Hồ...
Các hoạt động này tạo được những dư âm sâu rộng ở sở tại, góp phần củng cố sự gắn kết và tình cảm hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương trên các ngành, lĩnh vực.
Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp cũng được Đại sứ quán hết sức chú ý, vì đây là nét đặc sắc của quan hệ hai nước. Pháp là quốc gia duy nhất cho đến nay mà Việt Nam đưa cơ chế gặp mặt, họp mặt giữa các địa phương lên thành Hội nghị, được tổ chức luân phiên tại các địa phương khác nhau của hai nước từ 2-3 năm một lần và được xem là một sự kiện, hoạt động lớn trong quan hệ song phương.
Hằng năm, Đại sứ quán đón khoảng 20-30 đoàn địa phương Việt Nam các cấp sang công tác, thăm các địa phương Pháp, đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá kinh tế - văn hóa - du lịch, để củng cố hợp tác và tăng cường kết nối, phục vụ mục tiêu phát triển của các địa phương Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến đi tới Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nhiều chương trình quảng bá và giao lưu sẽ được triển khai, điển hình là, đoàn thành phố Hà Nội tham gia Làng Pháp ngữ với các hoạt động trưng bày và biểu diễn đặc sắc, cũng như gặp gỡ với các đối tác, địa phương quan trọng của Pháp. Đây là những minh chứng sống động, phản ánh rõ nét các hoạt động và hợp tác quan trọng nêu trên tại địa bàn.
Xin cảm ơn Đại sứ!
"Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam và Pháp sẽ cùng xác định những chủ trương, đường hướng lớn, mang tính chiến lược để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, trong đó khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ sẽ được đặc biệt chú trọng". (Đại sứ Đinh Toàn Thắng)