Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba đến Việt Nam sẽ tạo ra xung lực mới mạnh mẽ cho quan hệ song phương
Nhân dịp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27- 29/4/2025, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Phạm Quang Hiệu, về ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ song phương trong bối cảnh hiện nay.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu. Ảnh: Xuân Giao - Pv TTXVN tại Nhật Bản
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm đối với quan hệ hai nước trong giai đoạn hiện nay?
Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tới Việt Nam lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á và trên thế giới”. Kể từ khi ông Ishiba trở thành Thủ tướng Nhật Bản (tháng 10/2024), lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc như Thủ tướng Ishiba gặp Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề các Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tháng 10 và 11/2024, gặp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Tokyo tháng 12/2025. Tiếp nối các trao đổi cấp cao trên, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ishiba thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Nhật Bản đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực.
Chuyến thăm không chỉ là dịp để hai bên đánh giá lại tiến trình hợp tác thời gian qua, mà quan trọng hơn là hai bên sẽ trao đổi sâu rộng, thực chất nhằm triển khai nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng, bán dẫn, khoa học công nghệ (KHCN)..., đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới trong kỷ nguyên mới.
Các bộ, ngành hai nước đã và đang phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy trao đổi, ký kết nhiều văn kiện liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, ODA, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng quan trọng, đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới, vì lợi ích của hai quốc gia, hai dân tộc.
Xin Đại sứ cho biết trong số những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, những vấn đề nào sẽ là trọng tâm thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Ishiba?
Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước sẽ tập trung trao đổi sâu về các lĩnh vực hợp tác chiến lược. Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, giúp Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ song phương. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, do đó, các nội dung như cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường cho hàng hóa của nhau sẽ được chú trọng.
Hai bên phấn đấu sớm mở cửa thị trường cho quả bưởi Việt Nam và nho Nhật Bản; đồng thời trao đổi về khả năng tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng hoa quả, nông sản khác của hai bên như chanh leo Việt Nam và đào Nhật Bản...
Bên cạnh đó, hai bên sẽ trao đổi về những trụ cột mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, hai bên sẽ tăng cường hợp tác về KHCN, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng mới...., tổ chức diễn đàn hợp tác do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì liên quan đến các lĩnh vực này. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là quyết sách chiến lược hết sức quan trọng, định hướng phát triển cho Việt Nam hàng chục năm tới, đưa Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh của dân tộc. Trong đó, hợp tác KHCN của Nhật Bản được coi trọng, ưu tiên thúc đẩy, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng, bán dẫn, cơ sở hạ tầng...
Hai bên cũng sẽ trao đổi để tăng cường, mở rộng hơn nữa giao lưu nhân dân, hợp tác lao động và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ quan liên quan hai nước đang tích cực trao đổi để hướng tới ký kết thỏa thuận hợp tác về chế độ “giáo dục lao động” mới mà Nhật Bản đã thông qua, dự kiến áp dụng từ năm 2027. Số lượng cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã vượt hơn 600.000 người, là cộng đồng lớn thứ 2 tại Nhật Bản và trên thế giới và đang tiếp tục tăng lên. Hai bên cũng phấn đấu tăng số lượng khách du lịch hai chiều giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Bên cạnh những vấn đề mà Đại sứ vừa đề cập, theo Đại sứ, trong thời gian tới có thêm những lĩnh vực mới nào mà hai nước đang có dư địa và tiềm năng hợp tác lớn?
Ngoài những lĩnh vực nêu trên, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ để tăng cường hợp tác trong trong một số lĩnh vực đầy tiềm năng như hợp tác trong phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm phát thải... Đặc biệt, Nhật Bản có thế mạnh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng phó thiên tai; tích cực phát huy vai trò dẫn dắt, đi đầu với nhiều sáng kiến khu vực như AZEC..., hỗ trợ Việt Nam trong phát triển điện gió, điện mặt trời và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Hai nước sẽ trao đổi về khả năng hợp tác để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có khả năng chống chịu cao và góp phần bảo đảm an ninh lương thực hai nước.
Hợp tác về y tế, chăm sóc người cao tuổi cũng là lĩnh vực rất tiềm năng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh. Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy các nước, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản, cần tăng cường phối hợp phát triển hệ thống y tế cộng đồng, chuỗi cung ứng thiết bị, vật tư, thuốc điều trị bền vững để ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Cuối cùng, xin Đại sứ cho biết kỳ vọng gì vào kết quả chuyến thăm lần này của ông Ishiba?
Tôi kỳ vọng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Ishiba sẽ tạo ra một xung lực mới mạnh mẽ cho quan hệ song phương, làm sâu sắc hơn lòng tin chính trị, quan hệ gắn bó giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước; thống nhất về những định hướng lớn mang tính chiến lược dài hạn phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.
Chuyến thăm được trông đợi sẽ đạt nhiều kết quả cụ thể, ký kết nhiều văn bản hợp tác trong các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác KHCN, kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược bao gồm giao thông, năng lượng, điện...
Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần củng cố hơn nữa tình cảm hữu nghị, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước, tạo dựng nền tảng vững chắc để quan hệ Việt - Nhật tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, vì lợi ích của hai dân tộc, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.