Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Uzbekistan tạo cơ sở phát triển hợp tác song phương

Chiều 1/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.

Ông Shoumarov Dilshod Shavkatovich. Ảnh: TTXVN phát

Ông Shoumarov Dilshod Shavkatovich. Ảnh: TTXVN phát

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Trung Á đã có cuộc phỏng vấn ông Shoumarov Dilshod Shavkatovich, Ủy viên BCH Hội đồng chính trị đảng DCTD cầm quyền Uzbekistan (UzLiDeP), Phó Chủ tịch Ủy ban điều hành Hội đồng chính trị UzLiDeP về các vấn đề chính trị-tư tưởng và tuyên truyền về ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng như tiềm năng phát triển quan hệ song phương giữa hai cơ quan lập pháp của Việt Nam và Uzbekistan.

Ông Shoumarov bày tỏ tin tưởng Việt Nam là đối tác đáng tin cậy của Uzbekistan ở khu vực châu Á. Việt Nam và Uzbekistan vốn có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Mặc dù khoảng cách địa lý, người dân hai nước luôn dành cho nhau tình cảm nồng ấm và gần gũi. Ông Shoumarov đánh giá cao tăng trưởng thương mại song phương và số lượng các dự án chung trong các lĩnh vực như công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ông cũng nhấn mạnh lượng khách du lịch giữa hai nước tăng đáng kể, cho thấy mối quan tâm chung của người dân đối với nền văn hóa và truyền thống của nhau.

Kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào ngày 17/1/1992, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Uzbekistan ngày càng phát triển chặt chẽ và hiệu quả, đạt được nhiều thành công đáng kể. Hai nước tích cực tiến hành trao đổi đoàn các cấp.

Hai bên có cơ chế tham vấn chính trị ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Cuộc họp gần đây nhất diễn ra tại Uzbekistan vào tháng 3/2025. Một cơ chế cho Hội đồng hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật ở cấp thứ trưởng thương mại cũng đã được thành lập, theo đó đã có 7 cuộc họp được tổ chức.

Ông Shoumarov nhấn mạnh trong bối cảnh này, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn tới Cộng hòa Uzbekistan sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Cộng hòa Uzbekistan kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Phía Uzbekistan đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của phía Việt Nam tại Đại hội kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Nghị viện Thế giới. Ông Shoumarov cho rằng chuyến thăm này là bước đi quan trọng hướng tới việc tăng cường hơn nữa lòng tin chính trị, tạo cơ sở phát triển hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực và nâng cao mức độ quan hệ song phương. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn sẽ góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Uzbekistan và Việt Nam.

Đánh giá về quan hệ trong lĩnh vực lập pháp, ông Shoumarov cho biết quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Uzbekistan và Việt Nam đang phát triển tích cực, phản ánh mong muốn của cả hai nước trong việc tăng cường quan hệ song phương. Tháng 3/2025, tại Thượng viện Oliy Majlis của Cộng hòa Uzbekistan đã diễn ra cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Sodik Safoev và đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu. Một trong những điểm nổi bật nhất là việc thành lập năm 2023 nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam tại Quốc hội Uzbekistan, góp phần tăng cường quan hệ liên nghị viện. Trong khuôn khổ nhóm này, các cuộc họp được tổ chức nhằm nghiên cứu nền tảng pháp lý của cải cách dân chủ và kinh tế - xã hội, và các chuyến thăm trao đổi của các đoàn đại biểu quốc hội được tiến hành. Tất cả những điều này nhấn mạnh mong muốn chung của Uzbekistan và Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác liên nghị viện và phát triển quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực.

Về tiềm năng phát triển quan hệ song phương giữa hai cơ quan lập pháp, ông Shoumarov cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác và có nhiều cơ hội để phát triển. Việc giải quyết các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước ở cấp độ quốc hội rất quan trọng. Phía Uzbekistan tin rằng cần tìm ra các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như dầu khí, giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.

Trong những năm gần đây, quan hệ ở nhiều cấp độ đã được tăng cường, khối lượng thương mại song phương và số lượng liên doanh ngày càng tăng. Các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đang được triển khai. Do đó, Chính phủ bày tỏ quan tâm đến việc mở rộng khuôn khổ pháp lý, điều này sẽ cho phép đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Theo ông Shoumarov, Quốc hội Uzbekistan cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo Việt Nam tiếp tục là đối tác truyền thống quan trọng của Uzbekistan ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với việc Quốc hội Uzbekistan đã thành lập nhóm nghị viện hữu nghị với Việt Nam, phía Uzbekistan hy vọng Quốc hội Việt Nam sẽ thành lập một nhóm tương tự để tăng cường quan hệ liên nghị viện giữa hai nước. Uzbekistan tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ với Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác liên nghị viện.

Ông Shoumarov cũng nhận định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước. Ông bày tỏ ngưỡng mộ về những cải cách của Đảng Cộng sản Việt Nam góp phần vào tăng trưởng kinh tế đáng kể và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, cũng như đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, UzLiDeP sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ tương tác giữa các bên.

Cuối cùng, ông mong muốn sự hợp tác giữa Uzbekistan và Việt Nam tiếp tục phát triển năng động, mở ra chân trời mới cho các dự án và sáng kiến chung và Quốc hội của cả hai nước đều có những đóng góp xứng đáng vào vấn đề này.

Tâm Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-tham-cua-chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-den-uzbekistan-tao-co-so-phat-trien-hop-tac-song-phuong-20250404083321857.htm
Zalo