Chuyện sau ngày đất nước thống nhất ở tỉnh Minh Hải
Khoảng tháng 5/1975, sau ngày thống nhất đất nước, ba tôi nắm tay dắt tôi đi xuống huyện Vĩnh Châu, thuộc tỉnh Sóc Trăng, để gửi tôi cho anh Tám Dử, anh cô cậu ruột của tôi đang làm Phó chủ nhiệm Hậu cần Huyện đội, để tôi thoát ly làm cách mạng. Năm đó tôi mới 15 tuổi.
Sau giải phóng, chính quyền cách mạng có yêu cầu phát triển lực lượng để đảm đương nhiệm vụ quản lý đặt ra ngày càng lớn. Còn nông dân ta, đặc biệt là những gia đình có truyền thống cách mạng thì đưa con em tham gia chính quyền để phát huy truyền thống. Tôi ở cơ quan Hậu cần, được giao quản lý kho súng, suốt ngày lau chùi súng đạn. Tôi tập ăn cơm bằng đũa hai đầu để giữ vệ sinh. Ðó là những bữa cơm bắt đầu khó khăn của thời hòa bình.

Sau chiến tranh, nền nông nghiệp của tỉnh Minh Hải còn lạc hậu, năng suất thấp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở Lung Ranh, Khánh Lâm). Ảnh tư liệu
Tôi còn nhớ như in, rạng sáng 30/6/1975, cả doanh trại được báo động, ở tư thế chiến đấu vì có phản động nổi loạn. Thì ra, một số phần tử bị Khmer Ðỏ kích động đã nổi lên cướp chính quyền.
Sáng 30/6/1975, xung quanh thị trấn Vĩnh Châu đã có tiếng súng bao vây. Lực lượng quân quản phản ứng quyết liệt. Tôi cùng mấy anh ở Hậu cần dùng xe đẩy mang đạn ra các chiến hào ngoại ô thị trấn trong tiếng súng nổ chát chúa trên đầu. Ðến 2 ngày sau, lực lượng chủ lực là Tiểu đoàn Phú Lợi I của tỉnh mới xuống phá vỡ các tuyến bao vây của quân nổi loạn thì cuộc bạo loạn mới yên.
Hòa bình chỉ có 2 tháng mà đã có tiếng súng. Thật ra, đây đó ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng vẫn chưa lặng yên tiếng súng. Ngày 1/5/1975, chỉ sau 1 ngày hòa bình, bọn Pôn Pốt đã đưa quân xâm phạm biên giới Tây Nam của Tổ quốc chúng ta ở Hà Tiên. Ngày 4/5/1975, họ tiến hành đánh chiếm vào Phú Quốc. Ngày 7/5/1975, chúng đánh chiếm đảo Hòn Trọc và sau đó, ngày 8/5/1975 họ đánh chiếm đảo Thổ Chu và xâm phạm toàn tuyến biên giới của ta từ Hà Tiên tới Tây Ninh... máu người Việt lại đổ. Có những xã đảo người Việt bị giết 400-500 người. Còn biên giới Tây Nam, như ở Ba Chúc, địch gây ra cảnh giết người man rợ mà cả thế giới phải kinh sợ.
Mùa xuân 1975 về, chúng ta có hòa bình nhưng không lặng yên tiếng súng. Từ đó, tỉnh Minh Hải cùng với các địa phương trong cả nước phải gồng mình gánh chịu. Chúng ta phải chia sẻ nguồn lực kinh tế đối phó chiến tranh biên giới với cả nước. Con em Minh Hải lại lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia và đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở toàn tuyến biên giới phía Bắc vào năm 1979. “Giặc ngoài” không chỉ gây chiến tranh mà còn làm họa kinh tế. Ngày 6/5/1975, Quốc hội Mỹ chi 507 triệu USD cho chương trình tài trợ 150 ngàn người Việt Nam tị nạn, rồi kích động vượt biên. Ngày 16/5/1975, Chính phủ Mỹ ra lệnh cấm vận để bao vây kinh tế Việt Nam.
Trong lúc đó thì “thù trong” lại nổi lên. Những người thua cuộc cố níu kéo những hy vọng mong manh để khôi phục chế độ của họ đang là một thi thể bị phân hủy. Họ tổ chức vũ trang bạo loạn ở tuyến biển Bạc Liêu, ném lựu đạn vào UBND thị xã Bạc Liêu và kho xăng trên quốc lộ, rồi bỏ thuốc độc vào thức ăn một đơn vị cách mạng; đốt, cướp nhà lồng chợ... Vậy đó mà thiên tai đi liền với địch họa. Trong năm đầu giải phóng, miền Bắc liên tiếp mất mùa hai vụ lúa liền. Một số vùng lâm vào cảnh bị đói, phải ăn độn. Khu 5, Khu 6 và các thành phố có 7 triệu người đang chờ lương thực từng ngày, từng giờ. Cả nước ngóng chờ vào vựa lúa của mình là đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vai trò quan trọng của tỉnh Minh Hải, thế nhưng vùng chúng ta mùa vụ lại thất bát. Năm 1977-1978, vùng Tiền Giang mất mùa liên tục vì lũ lụt nặng nề nhất trong 50 năm qua, làm cho hơn 300.000 ha lúa bị mất trắng. Dân các tỉnh: Cửu Long, Bến Tre, Tiền Giang... phải chạy đói xuống Minh Hải 200 ngàn người, Minh Hải dang tay đùm bọc, tỉnh xuất gạo dự trữ cứu đói.
Ngày 1/1/1976, hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau hợp nhất lấy tên là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu; dân số lúc đó chưa đến 1 triệu người; thủ phủ đặt tại Cà Mau. Sau đó chỉ hơn 2 tháng tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu lại dời về thị xã Bạc Liêu và đổi tên là tỉnh Minh Hải và thị xã Bạc Liêu cũng đổi thành thị xã Minh Hải. Từ đây, Minh Hải có một tư cách mới, vai trò mới. Và cái vai trò ấy là gánh vác khó khăn cùng cả nước trong hoàn cảnh gieo neo.
Hồi đó, tôi còn nhỏ, chưa nhận thức xã hội bao nhiêu, sau này mới biết Ðảng bộ và chính quyền lúc mới giải phóng rất nhiều việc: truy lùng tàn quân lẩn trốn và bọn phản động ngóc đầu nổi dậy phá hoại chính quyền mới; đi vào cải tạo xã hội xã hội chủ nghĩa với những đợt đổi tiền, đánh tư sản... ở khu vực thành thị, còn ở nông thôn lấy ruộng đất địa chủ, lấy đất những người dư thừa để cấp lại cho nông dân nghèo...; nhưng cái bức xúc nhất lúc bấy giờ là đối phó với nạn đói. Trung ương luôn giao cho tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau rồi tỉnh Minh Hải chỉ tiêu phải huy động từ 120.000-180.000 tấn lương thực hằng năm. Minh Hải cũng cần hơn chục ngàn tấn lúa gạo dự trữ để cứu đói cho dân nội tỉnh. Muốn đạt được những con số này là vô cùng khó khăn. Bối cảnh lúc bấy giờ là Mỹ cấm vận, phân bón, thuốc trừ sâu và các phương tiện kỹ thuật hiện đại để làm nông nghiệp không được nhập về. Chủ yếu chúng ta sử dụng phương tiện kỹ thuật của phe xã hội chủ nghĩa, như máy cày Liên Xô...
Lúc bấy giờ nhiệm vụ trung tâm thường xuyên của Ðảng bộ tỉnh Minh Hải là khai hoang phục hóa làm lúa hè thu, tăng vụ và làm công tác "3 thu lương thực" (thu thuế, thu nợ, thu mua). Cán bộ tỉnh, huyện, thậm chí các trường học... được huy động đi cơ sở để cùng dân đào kênh thủy lợi và làm công tác "3 thu" rất thường xuyên. Các cơ quan, ban ngành phải tự túc gạo ăn từ 2-3 tháng mỗi năm. Từ đó, cơ quan nào cũng cử người đi làm ruộng tự túc.
Một đất nước vừa trải qua binh lửa của 9 năm kháng chiến chống Pháp và hơn 20 năm đánh Mỹ đã kiệt sức giờ lại đối diện trước những khó khăn mới nên chúng ta vận động phát triển bằng một trạng thái suy kiệt. Dân tình lúc ấy quá khổ sở. Khổ nhất là dân ở vùng căn cứ, ruộng vườn bị bom cày đạn xới, hòa bình về, họ trở lại quê cũ với khung cảnh tan hoang.
Sau khi yên loạn ở Vĩnh Châu, cuối năm 1975, tôi được cho nghỉ phép về thăm gia đình. Ðường từ Vĩnh Châu về Bạc Liêu (ngày nay ta gọi là Hương lộ 38) thời ấy là một con lộ nhỏ, được người Pháp cho làm và nó được trải đá tảng ở dưới còn bề mặt thì rải đá 4x6. Do chiến tranh liên miên, với những cuộc đắp mô phá lộ phục vụ chiến tranh nên con đường trở thành ổ voi ổ gà, rất khó đi. Hồi đó, từ Vĩnh Châu về Bạc Liêu chủ yếu là đi xe đò. Ðó là những phương tiện già cỗi, chạy rất chậm, chỉ chưa đầy 25 cây số mà phải mất đến 3 tiếng đồng hồ. Trên xe, người ta nhét chật cứng người cả trong xe và trên mui xe. Tôi ngồi trên mui, hai tay nắm chặt thành xe và quan sát xung quanh để tránh những tàn cây de ra từ vệ đường. Lúc đó hai bên đường là những cánh đồng ngút ngàn nhưng lưa thưa đồng lúa, đất hoang còn rất nhiều.
Tôi xuống xe đoạn giữa hai xóm Cầu Mới - Thào Lạng rồi lội băng đồng thêm 2 cây số nữa mới về tới xóm Bờ Xáng của mình. Mới xa gia đình, làng quê có mấy tháng mà tình cảm tôi lúc đó rất lạ. Tôi ngồi trên đầu đất ngắm ngôi nhà cũ, làng quê cũ trong một buổi chiều dần buông. Bây giờ là gần Tết mà vụ lúa mùa muộn trên đồng làng tôi vẫn chưa gặt xong. Ðó là một cánh đồng xăm xắp nước, đứng trên bờ mẫu thấy cá lóc nhảy qua bờ trong một chiều cuối năm, còn lúa thì thưa rỗng thưa rỉnh, chen lẫn với cỏ nước mặn và cỏ năn. Tôi nghĩ, năm nay năng suất giỏi lắm cũng chỉ đạt 7-8 giạ mỗi công. Chỉ bấy nhiêu thôi tôi đã thấy xốn xang đến rưng rưng nước mắt.
Tôi bước vào nhà, má tôi giật mình chưng hửng rồi bà định thần và ngồi lặng lẽ khóc. Ba đứa em nhỏ thì đến bâu lấy tôi mừng rối rít. Má tôi khóc cũng phải, má tôi con thì đông nhưng lớp chết, lớp đi xa. Năm đứa con lớn không được gần bà, nên có ai về nhà thì bà mừng lắm. Niềm vui hóa thành nước mắt. Tôi ngó quanh quẩn tìm ba tôi, mấy tháng cách xa tôi nhớ ông lắm, nhưng má tôi bảo ba tôi qua ông Tấn gặt lúa mướn kiếm tiền lo Tết.
Hoàn cảnh gia đình tôi sau giải phóng cùng chung thân phận của những gia đình bị những cuộc chiến làm cho không còn sinh lực. Ba má tôi có 8 đứa con thì chị Hai tôi bị máy bay Mỹ bắn chết, anh Ba thì hy sinh, còn anh Sang, anh Hữu đi kháng chiến và bây giờ họ là người Nhà nước. Sau giải phóng, tôi cũng lại ra đi. Thế là ba má tôi chỉ còn 3 đứa nhỏ. Lúc ấy con Diệu, em kế tôi chỉ có 12 tuổi, chưa thể giúp ích được gì; còn con Hiền, thằng Mỹ thì mới năm - ba tuổi. Cuộc chiến đã huy động của ba má tôi những đứa con trụ cột, nguồn sinh lực dồi dào nhất của gia đình. Vì thế mà hòa bình về, ba má tôi tiếp tục đội nắng dầm mưa, chịu mọi cực khổ để gánh vác việc gia đình.
Nói ra thì tội, sau khi trải đời qua những cuộc chiến tranh ác liệt, với nhiều đau thương mất mát, ba má tôi xơ xác còi cọc như đàn vịt đẻ cuối mùa. Lúc đó ba tôi hơn 50 tuổi còn má tôi thì hơn 40 tuổi mà trông họ già, cằn cỗi xác xơ như là những người sáu - bảy mươi tuổi, đầu tóc bạc hết, thêm nữa là tinh thần bất an, bất định. Tôi quản lý kho súng đạn nên khi về mang theo mấy trái khói màu và mấy quả lựu đạn Mỹ. Nhà không có gì ăn, tôi xách lựu đạn xuống mé sông Bạc Liêu ném bắt cá. Quả lựu đạn nổ xong, con Diệu chạy xuống gọi tôi, mặt đầy sợ hãi: “Hia ơi, má bị sao kỳ lắm”. Tôi chạy lên nhà thấy mặt mày má tôi xanh méc, thần khí hoảng loạn như nhập đồng và bà luôn miệng la to: “Xuống hầm con ơi, u bít tới rồi... Tôi rớt nước mắt, ôm má tôi vỗ về: “Má ơi con ném lựu đạn nổ chứ có phải u bít đâu. Hòa bình rồi mà má ơi...!”. Hồi lâu má tôi mới tỉnh lại.
Tôi trở về nhà đã 3 ngày mà ba tôi đi gặt mướn vẫn chưa về. Ngày thứ ba đó cũng là ngày 27 tháng Chạp. Chim én đã kéo về bay chấp chới trên đồng và gió xuân cũng bay nhảy ở đó. Ba đứa em tôi nôn Tết bao nhiêu thì má tôi sốt ruột lo âu bấy nhiêu. Bà bắt ba con gà mái đang đẻ để ra chợ Bạc Liêu bán và mua cho con Hiền, thằng Mỹ mỗi đứa bộ đồ mặc Tết. Còn áo quần cho con Diệu, đồ ăn Tết cúng kiếng thì chờ ba tôi về...
Có nhìn lại những tháng năm đầu của 50 năm trước ngày thống nhất đất nước, mới thấy đầy đủ đất nước hôm nay thay đổi đến thế nào và con người hôm nay hạnh phúc ra sao. Hãy nhìn về quá khứ bằng niềm ray rứt hỡi những người đang thụ hưởng tự do, độc lập của hôm nay./.