Chuyện sau giải cầu lông trẻ thế giới

Các thành viên đội tuyển cầu lông trẻ Việt Nam đã thể hiện tốt tại Giải vô địch cầu lông trẻ thế giới 2024. Nhưng đằng sau những trận đấu, những chiến thắng là nỗi lo về tương lai, nơi cầu lông Việt Nam còn cách rất xa thành tích trong quá khứ của đàn anh, đàn chị.

Đánh giá đúng tài năng

Ít tháng trước khi Giải vô địch cầu lông trẻ thế giới 2024 diễn ra, Việt Nam có một dấu mốc đáng chú ý tại Giải vô địch cầu lông trẻ châu Á. Tay vợt 13 tuổi Nguyễn Thị Thu Huyền giành ngôi Á quân nội dung đơn nữ, lứa tuổi U15. Cô bé sinh năm 2011 trở thành điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh mang gam màu tối của thể thao Việt Nam.

Nhiều mỹ từ đã gắn liền với Thu Huyền kể từ thời điểm đó. Chúng trở thành động lực, nhưng cũng mang áp lực vô hình với tay vợt này. Thu Huyền là gương mặt sáng giá, nhưng không phải tài năng nổi trội vượt bậc của cầu lông Việt Nam. Điều đó càng đúng hơn nếu so sánh cô với các đàn chị.

14 năm trước, cầu lông Việt Nam từng chứng kiến thành công lớn hơn nhiều ở đấu trường quốc tế. Đó là thời điểm tay vợt Nguyễn Tiến Minh lần đầu lọt vào top 5 thế giới đơn nam. Trong khi đó, ở nội dung đơn nữ, Vũ Thị Trang vọt lên như một ngôi sao xuất chúng của cầu lông nữ Việt Nam.

Một tay vợt ở tuổi 17-18 thường chỉ đặt mục tiêu tiến sâu ở các giải trẻ, bởi họ cần tích lũy kinh nghiệm. Nhưng Vũ Thị Trang ở tuổi 18 đã vượt qua những tay vợt hàng đầu Việt Nam khi ấy như Nguyên Nhung, Bình Thơ. Cô thậm chí còn giành Huy chương Đồng Olympic trẻ vào năm 2010.

Cặp đôi Tuấn Đức, Như Thảo từng lọt top 35 thế giới.

Cặp đôi Tuấn Đức, Như Thảo từng lọt top 35 thế giới.

Trên hành trình giành vị trí top 3 cầu lông trẻ thế giới, Vũ Thị Trang đã đánh bại nhiều tay vợt sau đó lọt vào top 10, top 15 thế giới. Điều đáng tiếc là bối cảnh lịch sử chưa thể khiến cô tạo một cú nhảy vọt, dù Vũ Thị Trang có thể là tài năng xuất sắc nhất cầu lông Việt Nam từng có.

Bên cạnh Vũ Thị Trang, cầu lông Việt Nam 10-15 năm trước còn có nhiều gương mặt trẻ nổi bật ở các nội dung đánh đôi. Tuấn Đức, Hồng Nam, Như Thảo (Hà Nội) luôn thể hiện trình độ khác biệt. Cặp Đức - Thảo từng vô địch Canada Mở rộng, còn Đức - Nam giờ đây vẫn là đôi nam số 1 quốc gia.

Thu Huyền, Bích Phương, hay Trần Thị Ánh còn cách rất xa những chiến tích trong quá khứ của Vũ Thị Trang. Cá nhân họ cũng hiểu phần nào sự thật đó, sau hành trình tại Giải vô địch cầu lông trẻ thế giới 2024. Họ thường thất thế trước những đối thủ tỏ ra vượt trội về "tuổi" nghề, dù hai bên không có nhiều khác biệt về thể chất hay tuổi tác.

Ở thời điểm hiện tại, Thu Huyền đã nằm trong danh sách tập trung đội tuyển quốc gia. Tay vợt này gây chú ý nhờ thể hiện nổi bật tại các giải trong nước. Nhưng sân chơi quốc tế lại là một câu chuyện khác. Thu Huyền cần học hỏi nhiều hơn, để hướng đến những thành tích tốt hơn một tấm huy chương bạc châu Á lứa tuổi U15.

Khó đầu tư cho đánh đôi

Kết quả tại Giải vô địch cầu lông trẻ thế giới 2024 phản ánh một chi tiết thú vị. Đó là trong phần lớn trận đấu, Việt Nam thường giành chiến thắng ở những nội dung đánh đôi chứ không phải đánh đơn. Điều đó cũng có nghĩa, cầu lông Việt Nam có lợi thế tương đối so với quốc tế trong các hạng mục thi đấu đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ.

Trên thực tế, việc cầu lông Việt Nam có thế mạnh nhất định ở các nội dung đôi là điều được biết đến từ lâu. Từ khoảng 10 năm trước, các chuyên gia đánh đôi của Việt Nam đã giành được một số thành tích nhất định ở các giải châu Á và thế giới. Ví dụ điển hình là tấm HCĐ giải cầu lông trẻ châu Á 2012 của Đỗ Tuấn Đức và Lê Thu Huyền.

Ở giải đấu diễn ra 12 năm trước, bộ đôi Đức - Huyền gây bất ngờ khi đánh bại hàng loạt hạt giống của Indonesia và Malaysia trên hành trình tiến vào trận bán kết. Họ chỉ dừng bước trước Wang Yi Lyu và Huang Dong Ping. Đây là bộ đôi Trung Quốc giành huy chương vàng tại Olympic Tokyo.

2 cặp còn lại lọt vào bán kết đôi nam nữ giải cầu lông trẻ châu Á 2012 là Liu Yu Chen - Chen Qing Chen (Trung Quốc) và Choi Sol Gyu - Chae Yoo Jung (Hàn Quốc). Bộ đôi Trung Quốc sau này tách ra thi đấu đôi nam và đôi nữ, và đều lọt vào chung kết Olympic. Trong khi đó, Chae Yoo Jung cũng đứng thứ 4 tại Olympic Paris, và từng vô địch thế giới.

Lý do nào khiến cầu lông Việt Nam từng có những chuyên gia đánh đôi hàng đầu châu Á, nhưng sau đó lại hụt hơi? Câu trả lời nằm ở mục tiêu, cũng như tính khả thi nếu bỏ tiền cho các tay vợt. Bởi, đích ngắm cuối cùng với một VĐV cầu lông là việc họ có thể giành vé dự Olympic hay không.

Ở hạng mục đánh đôi của môn cầu lông tại các kỳ Olympic, ban tổ chức chỉ lấy tối đa 16 cặp VĐV cho mỗi nội dung. Một quốc gia chỉ được cho phép có tối đa 2 cặp VĐV thi đấu cùng nội dung, với điều kiện họ đều nằm trong top 8 thế giới. Đây là tiêu chuẩn rất cao nếu so sánh với các nội dung đánh đơn, vốn thường lấy 35-40 VĐV thi đấu.

Trong bối cảnh hiện tại của cầu lông Việt Nam, các tay vợt phải huy động được nhà tài trợ, hoặc bỏ tiền du đấu. Điều này tương đối dễ hơn với các VĐV đánh đơn. Bởi nếu là VĐV đánh đôi, chi phí đi lại, ăn ở sẽ đội lên gấp đôi, nhưng tiền thưởng tại các giải đấu không hơn gì VĐV đánh đơn cả.

Câu trả lời cho bài toán này, phải chăng nằm ở các địa phương phát triển cầu lông? Khi được hỏi về việc này, Anne Trần, tay vợt Pháp gốc Việt vừa tranh tài tại Olympic Paris, cho biết: "Nếu VĐV thực sự muốn vươn lên nhóm đầu, họ sẽ nghĩ ra cách để làm thay vì chờ đợi".

Tự túc để phát triển

Theo chia sẻ từ Anne Trần, Pháp hiện có khoảng 6.000 tay vợt chuyên nghiệp thường xuyên tập luyện và tham gia thi đấu. Họ bắt đầu tranh tài từ các giải cấp vùng, nơi những người xuất sắc nhất được chọn ra để thi đấu giải quốc gia. Trên cơ sở đó, đội tuyển cầu lông Pháp sẽ lọc ra những tay vợt xuất sắc nhất họ đang có trong tay.

"Pháp có một số tay vợt Trung Quốc nhập tịch như Qi Xue Fei. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cô ấy nghiễm nhiên được lên tuyển và thi đấu quốc tế. Qi cũng phải vô địch quốc gia, thể hiện bản thân giữa hàng nghìn tay vợt khác để đại diện cho cầu lông Pháp tại sân chơi thế giới. Bản thân tôi cũng vậy", Anne Trần nói.

Trong trường hợp một tay vợt nằm trong đội tuyển, họ sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí nhất định để thi đấu quốc tế. Tuy nhiên, với những giải không nằm trong kế hoạch của đội tuyển quốc gia, các VĐV sẽ phải tự túc. Vì thế, nhiều tay vợt châu Âu đã chủ động xin tài trợ từ khi họ còn rất nhỏ, nơi Mạnh Thường Quân là doanh nghiệp địa phương.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/chuyen-sau-giai-cau-long-tre-the-gioi-i746830/
Zalo