Chuyện Quang Hải và tấm gương soi cho làng bóng đá
Hẳn bạn đọc còn nhớ cách đây đúng 1 năm, làng bóng và làng báo nước nhà từng xôn xao, rồi ồn ào trước thông tin tiền đạo Nguyễn Quang Hải sẽ thôi thi đấu ở giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V.League) trong màu áo Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội và lên đường xuất ngoại?
Lúc bấy giờ, trước khi Quang Hải xuất ngoại là cả một xa lộ thông tin về bến đỗ của cầu thủ quê gốc Đông Anh (Hà Nội), chủ yếu là các đội bóng ở châu Âu. Hàng loạt những cái tên được đưa ra như Strasbourg (Pháp), Young Boys (Thụy Sĩ), Austria Wien (Áo) và Sturm Graz (Áo), ầm ĩ hơn cả là cái tên Atletico de Madrid (Tây Ban Nha)... Vậy mà chỉ sau 1 năm, mọi thứ biến chuyển đến mức ít ai ngờ được và với những gì đã, đang diễn ra, có thể nói, những thông tin kiểu ấy chỉ là “chiêu trò” mà người đại diện của Quang Hải tung ra để gây hiệu ứng truyền thông. Bởi trong các giải vô địch quốc gia ở châu Âu, giải vô địch quốc gia Pháp không phải hàng đầu (dù đội tuyển quốc gia của họ rất mạnh, từng 2 lần vô địch thế giới, năm vừa qua đoạt ngôi Á quân World Cup 2022) như các giải ở Anh, Tây Ban Nha, Italia hay Đức... Bản thân Quang Hải cũng chỉ thi đấu cho một CLB hết sức khiêm tốn ở giải hạng 2 Pháp chứ không phải giải vô địch quốc gia.
Đã 5 - 7 tuần liên tiếp, tiền đạo quê Đông Anh không được ra sân trong bất kỳ trận đấu nào của CLB Pau. Nói cách khác, việc dùng Quang Hải không có trong suy nghĩ hay toan tính chiến thuật của HLV Didier Tholot. Bản hợp đồng của Quang Hải có thời gian 2 năm, công bố ngày 29-6-2022. Vậy mà chỉ chưa đầy 9 tháng sau, nó đã thành hồi chuông cảnh báo cho bất kỳ cầu thủ nào ở ta nuôi mộng thi đấu ở trời Âu.
Trước Quang Hải, người hâm mộ bóng đá nước nhà từng biết đến những chuyến “Tây du” thất bại của những Lê Công Vinh, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Công Phượng... Song nói cho công bằng thì các giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ không hề kém giải hạng hai Pháp, còn Quang Hải thì được đánh giá cao hơn cả Công Vinh, Văn Hậu lẫn Công Phượng, lại có ý thức luyện tập và thi đấu vô cùng chuyên nghiệp. Hải không hề có khái niệm chơi bời đàn đúm, không giữ phong độ, thể lực như nhiều cầu thủ khác ở ta (kiểu Văn Quyến, Quốc Vượng của một “thời chưa xa, người chưa cũ”). Chuyện thất bại của Quang Hải tại một giải đấu hạng hai của một làng bóng thuộc hạng trung ở châu Âu cho thấy giới hạn về chuyên môn và tầm nhìn của các cầu thủ Việt Nam.
Có thể nói không quá rằng, nếu phải chọn một cầu thủ làm tấm gương cho các cầu thủ ở ta noi theo thì một trong số ít những người đó có tên Quang Hải. Hải hội tụ đủ cả trình độ chuyên môn (kỹ - chiến thuật), thể lực, ý thức chuyên nghiệp cùng tham vọng rõ ràng: muốn ra nước ngoài thi đấu để tìm kiếm cơ hội mới, muốn chinh phục những đỉnh cao có tầm vóc, danh giá hơn... song đã thất bại. Từ một tấm gương sáng cho các đồng nghiệp, cầu thủ trẻ noi theo, giờ Hải trở thành tấm gương mang ý nghĩa khác: Hãy nhìn chuyến xuất dương của cầu thủ quê Đông Anh để không đi theo vết xe đổ, để “trông người lại ngẫm đến ta”!
Rõ ràng, tương lai không có gì hứa hẹn (nếu không muốn nói u ám) của Quang Hải cho chúng ta thấy một sự thật phũ phàng: Không thể lấy giải V.League hay một số sân chơi khu vực Đông Nam Á để “luận anh hùng”! Một vài cầu thủ thuộc loại “ngôi sao nội địa” của chúng ta - như Quang Hải, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Linh, Hùng Dũng... trong một ngày đẹp trời, thể lực đảm bảo..., có thể thi đấu như lên đồng. Ấy thế nhưng đó chỉ là nhất thời! Hai lần giành huy chương vàng ở giải Đông Nam Á (mỗi lần lại cách nhau 10 năm) chưa cho thấy sự ổn định và đảm bảo vị trí đứng đầu khu vực lâu dài. Chừng nào bóng đá Việt Nam từ đứng đầu khu vực tiến lên đứng đầu châu lục, các cầu thủ của chúng ta mới khẳng định được mình ở trời Âu như các cầu thủ của các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc.