Chuyện nữ biệt động Sài Gòn hiên ngang trước họng súng kẻ thù
Bị tên chỉ huy Ngụy gí súng vào đầu nhưng nữ Biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga không run sợ, thậm chí còn lấy tay gạt khẩu súng rơi xuống đất.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, 74 tuổi, Quyền Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến Khối Biệt động Sài Gòn - Gia Định, hồi tưởng những ngày tháng hào hùng khi tham gia lực lượng biệt động với những trận đánh làm địch kinh hồn bạt vía.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, quyền Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến khối Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Sớm giác ngộ cách mạng
Sinh ra tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1951, chưa đầy một tuổi, Nga được một gia đình không có con nhận nuôi. Học lớp ba, cô bé Nga sớm có lòng căm thù giặc khi phải chứng kiến cảnh một thanh niên bị lính Ngụy giết hại rồi kéo ra giữa sân để làm gương cho đám học sinh. Chúng dọa những ai theo Việt Cộng sẽ bị kết cục như thế. Năm 12 tuổi, Nga theo mẹ nuôi vào Sài Gòn mưu sinh, làm nghề giúp việc nhà cho một gia đình khá giả.
Trong một lần dọn nhà, cô nhìn thấy bức thư chúc Tết Bác Hồ nên đoán đây là gia đình theo cách mạng. Cô bé Nga xin gia đình chủ đi chống Mỹ và được đồng ý. Cô được tổ chức cho học trường quân sự T44 (nay là trường quân sự Quân Khu 7) từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1966.
Dù là con gái, Nga say mê học đặc công, công binh, pháo binh và bộ binh. Trong khóa huấn luyện, cô bé 15 tuổi Minh Nga vượt qua các bài tập gian khổ như lội bùn, vượt tường, chui qua 5 lớp hàng rào thép gai để luyện kỹ năng đột nhập. Sau 6 tháng, cô là học viên nữ duy nhất đạt thành tích xuất sắc.
Do tập bơi không thành để chuyển sang lực lượng đặc công, Nga được tổ chức đưa về hoạt động tại Ban Quân báo lực lượng Biệt động Sài Gòn (B8). Một tháng sau, cô được điều động tham gia lớp đào tạo học bắn súng cối 60 và 82 ly. Những kiến thức quý giá học được trong một tháng về bắn súng cối là nền tảng để cô trở thành pháo thủ lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga bên tấm ảnh kỷ niệm thời thanh niên hiếm hoi chụp được.
Trận đánh vào Sở chỉ huy tướng Westmoreland
Trong trận đánh vào sở Chỉ huy tướng Westmoreland - chỉ huy cao nhất các lực lượng quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam dự kiến vào 6 giờ sáng 13/2/1967, tức mùng 5 Tết Đinh Mùi, nữ biệt động Bích Nga được giao là pháo thủ dự bị. Trong trường hợp 2 vị trí pháo chính không có điều kiện chiến đấu, vị trí pháo kích dự bị trong căn nhà số 8/4 đường Vườn Chuối, quận 3 do Nga và đồng đội chuẩn bị sẽ thực hiện. Ngôi nhà nằm sát bên khu nhà ở của cảnh sát Ngụy, luôn có người ra vào.
Việc vận chuyển súng cối do một đơn vị đưa từ Củ Chi về cất giấu trong căn nhà. Khẩu cối được bao bọc bởi một khúc gỗ lớn. Nữ chủ nhà lúc đó là cơ sở cách mạng làm nhiệm vụ lấy dao chẻ từng miếng gỗ ngụy trang để lấy khẩu cối ra ngoài. Trong hơn một tháng khi chẻ gỗ, chủ nhà phải bí mật gom những miếng gỗ vụn vứt thùng rác công cộng. Sau khi lấy cây cối ra ngoài, nó được đưa xuống hầm bí mật cất giấu.
Tại căn nhà 8/4 đường Vườn Chuối, nữ biệt động Bích Nga được giao nhiệm vụ hóa trang là học sinh làm vợ mới cưới một nam sinh viên năm 3 trường Y khoa, cũng là biệt động Sài Gòn để che mắt địch. Ở vòng ngoài, tổ chức bố trí 3 người làm nhiệm vụ bảo vệ. Trường hợp lực lượng bảo vệ bị lộ, hai biệt động mới sử dụng vũ khí giấu ở giường để tự vệ, thoát đi trong trường hợp bị phát hiện. Để thực hiện nhiệm vụ pháo kích vào sở chỉ huy địch, Nga và đồng đội gặp nhiều khó khăn vì súng cối không có bàn đế, chân dựng và máy ngắm. Đây là những bộ phận quan trọng giúp đạn bắn trúng mục tiêu. Tuy nhiên, nó lại khá cồng kềnh, khó vận chuyển và ngụy trang.
Do đó, tổ chức tạo bàn đế tự chế bằng gỗ làm giá đỡ cho nòng. Do không có máy ngắm, lực lượng tính toán vị trí từ điểm bắn đến sở chỉ huy địch, để vẽ tọa độ lên bức tường góc 75 độ làm thước ngắm. Phần mái nhà được khoét lỗ rộng khoảng 1m2 để đạn thoát ra. Đồng đội của Nga có nhiệm vụ giữ súng tương ứng với góc vẽ trên tường.
Theo kế hoạch, hai biệt động sẽ bắn 10 phát đạn cối vào sở chỉ huy địch. Nhưng khi Nga bắn đến quả thứ 2, đạn bay ra có độ giật mạnh khiến bàn đế bị lún xuống, sai số so với góc ngắm ban đầu. Độ giật của súng khiến đồng đội cô bị gãy răng. Ngay lập tức cô lấy bông gòn, thấm muối bảo đồng đội ngậm vào. Khi pháo kích quả thứ 4, do góc ngắm bị lệch tới 90 độ, quả đạn bay trúng vào xe đi càn của lính Mỹ, đang chạy trên đường Pasteur khiến 16 lính thiệt mạng, 13 tên bị thương. Ba quả còn lại trúng vào nóc nhà Sở chỉ huy tướng Westmoreland trên đường Pasteur giao Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ).
Do góc bắn lệch và bàn đế lún sâu, Nga cùng đồng đội chỉ bắn được 4 quả đạn, để lại 6 quả chưa sử dụng. Họ đặt thuốc nổ C4 tại vị trí bắn, cài đồng hồ hẹn giờ phát nổ.
Do ngôi nhà chỉ có một cửa ra trước mặt, nên khi Nga chạy ra thoát thân ngay lập tức nhìn thấy 2 tên lính ôm súng đứng trước cửa. "Trong nhà bắn phải không", một tên lính hỏi. Nga lập tức nói: "Tôi không biết" và chạy ra ngoài với tâm lý hoảng sợ của một người dân khiến địch không nghi ngờ.
Chạy bộ ra hẻm để vô chợ Vườn Chuối, Nga gặp lại 3 đồng chí cảnh giới vòng ngoài và thống nhất rời đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nga gọi xe xích lô máy, đến gặp giao liên đang đứng chờ cổng bệnh viện Chợ Rẫy báo tin cho cấp trên là mọi người đã an toàn. Trong quá trình di chuyển, Nga thay đổi áo nhiều màu khác nhau để tránh địch phát hiện. Cô tiếp tục đón xe về tiếp Ngã tư Bảy Hiền, rồi đi ngã ba Trung Chánh gặp thủ trưởng. Khi lính Mỹ vô kiểm tra trong ngôi nhà, khối thuốc nổ C4 phát nổ làm chết một Phó Ty Cảnh sát quận 3, 2 lính thủy quân lục chiến và một số lĩnh Mỹ.
Trong đợt đánh tiếp theo của Biệt động Sài Gòn dự kiến ngày 2/5/1968 bằng phương pháp pháo kích vào Dinh Độc Lập, mặc dù mới khỏe lại sau những ngày bị sốt rét "thập tử nhất sinh", nhưng Nga vẫn xin lãnh đạo tham gia.
Trên đường đi lấy khẩu cối 60 ly ở Bình Chánh, cô cùng với nữ giao liên bị lính Ngụy dừng xe lam kiểm tra ở khu vực trước cổng Chi khu Bình Chánh. Tên lính Ngụy hỏi: "Trên xe có ai đi cùng mày không?" Nga đáp lại "Không, chỉ mình tôi". Tên lính tiếp tục chất vấn "Nhà mày ở đâu?". Cô trả lời: "Tôi không có cha mẹ, nhà cửa gì cả. Tôi đi làm công cho người ta".
Bị địch nghi ngờ, cô bị bắt và dẫn vào trụ sở. Tên chỉ huy trưởng kêu cô lên phòng làm việc. Hắn dỗ ngon ngọt, xưng "ba - con" hứa nuôi dưỡng, cho ăn học đàng hoàng. Nga trả lời chỉ đón xe đi làm ở Chợ Lớn, không biết Việt Cộng là ai. Tên chỉ huy cầm tay Nga nói: "Tay này là cầm AK mà sao không biết Việt Cộng". Cô cương quyết trả lời: "Tôi đi làm không biết AK là gì". Ngay lập tức hắn rút súng ngắn gí vào đầu Nga nói "Mày không nói tao bắn vỡ sọ". Như một phản xạ tự nhiên, do từng học khóa đặc công, Nga lấy tay gạt khẩu súng rớt xuống đất. Cô bị nhốt vào xà lim và bắt đầu những ngày tù đày kéo dài hơn 7 năm trời.
Giữ vững khí tiết trong lao tù
Trong thời gian ở tù, nữ biệt động Bích Nga bị đưa đến nhiều nhà lao tại Bình Thạnh, Thủ Đức, khám Chí Hòa, Côn Đảo, Biên Hòa… Dù ở trong tù, nhưng cô vẫn cương quyết cùng đồng đội chống chào cờ địch, không đeo thẻ bài dành cho tù binh. Trong xà lim với hai nữ tù khác, giam chỉ đủ kê chiếc giường cho 2 người nằm. Mỗi đêm, ba nữ tù thay phiên nhau thức, xếp quạt làm bằng giấy báo cho hai người kia ngủ. Các nữ tù chỉ được cung cấp mỗi ngày chừng nửa lít nước đựng trong hộp sữa, cho sinh hoạt ba người. "Nhà giam bịt kín, tối om, cơ thể đổ mồ hôi dẻo quẹo, như tắm nước đường, vô cùng khó chịu", Nga nhớ lại.
Không chịu cảnh thiếu thốn, các nữ tù đấu tranh chống lại giám thị nhà giam đòi ở phòng rộng hơn, cung cấp nước sinh hoạt nên bị chúng đàn áp, thả vôi bột, xịt hơi cay đến ngất xỉu. Nga cùng những nữ tù khác tiếp tục đấu tranh, tuyệt thực trong 7 ngày. Lính giám thị nhà giam tìm cách đàn áp bằng cách đưa cô nằm trên băng ca, cho nằm dưới trời nắng giữa sân. May mắn, một bác sĩ khi đó đến bên la lên "trời ơi yếu lắm rồi, đưa đi bệnh viện đi". Nữ tù Nga được đem đi bệnh viện chăm sóc. Do đấu tranh chống chào cờ, đeo thẻ bài tù nhân… Nga bị chúng nhiều lần đánh đập.
Cô nhớ lại lính Ngụy thiết kế những phòng làm toàn các dụng cụ inox. Chúng đưa tù nhân cho nằm úp trên bàn inox, bố trí ba lính giữ đầu, lưng, chân rồi dùng gậy ba trắc đánh dưới lòng bàn chân đến khi ngất xỉu. "Đánh như vậy đau lên đến tận tim", cô Nga nói mắt rưng rưng. Một số nữ tù sau khi bị đánh bằng phương pháp tàn bạo này đã không qua khỏi. Sau đó, các tù nhân trại giam nổi lên phong trào đấu tranh. Dù sống cuộc sống lao tù cực khổ, các nữ tù đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, tổ chức sinh hoạt chi bộ Đảng trong tù.
Khi nghe qua radio biết tin Sài Gòn giải phóng vào ngày 30/4/1975, các tù nhân khởi nghĩa, giải phóng tại nhà tù Côn Đảo. Tàu hải quân, Quân đội Việt Nam ra đón chở tù nhân trở về đất liền. "Về đất liền rất xúc động, được về với gia đình, đơn vị, đất nước không còn bóng giặc", Nga lúc đó mới 24 tuổi nhớ lại.
Trong niềm vui, cô gái tuổi đôi mươi vẫn ngậm ngùi vì nhiều đồng đội không được chứng kiến ngày thống nhất. Sau chiến tranh, Nga được phân công làm hành chính trong ngành xăng dầu, sau đó là Công ty Vật tư Tổng hợp, trực thuộc UBND TP.HCM. Bà nghỉ hưu năm 1993 khi 42 tuổi vì lý do sức khỏe. Đến nay bà Nga vẫn phải khám sức khỏe định kỳ hàng tháng, do bệnh nan y và kiểm tra những vết thương ngày xưa do bị đánh đập.

Bà Bích Nga (thứ 2 từ phải sang) trong ngày giải phóng 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu.
Đến giờ dù đã 74 tuổi, nhưng nhiều năm qua bà Nga vẫn chưa tìm được người thân là anh ruột của mình. Bà nhiều lần nhờ chính quyền Quảng Ngãi, gửi thông tin đến các đơn vị truyền hình, báo chí tìm tung tích nhưng không thành. "Đó là nỗi trăn trở đến giờ tôi vẫn chưa gặp được người thân duy nhất của mình", bà nói.