'Chuyện nhà Tí': Sitcom trên trang sách

'Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)' là tập sách đánh dấu sự trở lại của nhà văn Phan Thị Vàng Anh, vẫn là lối viết dí dỏm, sắc sảo nhưng ánh lên dịu dàng, ấm ấp.

Cuốn sách bố cục hai phần: Chuyện nhà Tí gồm 17 truyện, ...Và chuyện nhiều nhà khác là 32 truyện, được giới thiệu chung là tập truyện ngắn - tản văn (dù có chỗ tác giả đã phân trần: "Vì đây là chuyện có thật nên kết cục đành phải tôn trọng sự thật, không thì đã là... truyện ngắn!", trích Có nên cho chồng đi "tái chế"?).

 Sách Chuyện nhà Tí. Ảnh: N.N.

Sách Chuyện nhà Tí. Ảnh: N.N.

Chuyện không của riêng ai

Đọc Chuyện nhà Tí, thật dễ liên tưởng đến các bộ phim sitcom: những tình huống "chuyện thường ngày ở huyện (hay ở... nhà)", quen thuộc đến mức hóa thành điều cỏn con, vu vơ mà người ta chẳng còn buồn bận lòng để ý. Như tựa đề đã nói, nhân vật chính trong trong phần này là gia đình Tí, mà trung tâm lại chính là Tí. Những người còn lại được gọi là "bố Tí", "mẹ Tí", "bà nội Tí", "cô giáo Tí", hàng xóm nhà Tí. Ngoại lệ chỉ có bọn trẻ Ben, Bin... và con chó Phốc (tuyền những tên gọi ở nhà, không phải nghe nghiêm túc nhưng tên trong giấy khai sinh!) cùng thầy giáo Tâm (một nhân vật rất mờ nhạt).

Những chuyện từ nhà đến trường như đón Tết, vui chơi và tranh cãi với bạn bè, làm mất sách, nhắn tin trong group lớp, tổ chức giỗ tổ Hùng Vương, kết nạp đội, kết nạp đoàn... của Tí được kể lại một cách nhẹ nhàng, hóm hỉnh với góc nhìn bao trùm là từ vị thế một người mẹ, song song một đôi chỗ xen lẫn tâm tư, quan điểm, cảm nhận của một số nhân vật khác.

Một số truyện gợi suy ngẫm về cách giáo dục con cái của gia đình (hay học sinh của thầy cô, nhà trường), có truyện lại là cách tác giả phóng chiếu kiểu hình nhân vật người lớn vào đứa trẻ: Quan sát đứa con trai của mình mà người mẹ lại nghĩ "mình đúng là sống đến tuổi này mà chẳng hiểu đàn ông gì cả. Cái gì họ đang thích phục vụ mình thì cứ để họ làm, đừng báo đáp lại bằng một việc y chang như thế, thậm chí chất lượng còn tốt hơn thế, quá như tát vào mặt họ..." (trích Cắn hạt bí ở nhà Tí).

Lối so sánh theo tuýp đàn ông / phụ nữ cũng xuất hiện trong nhiều mẩu truyện khác, không chỉ trong suy nghĩ mà cả lời thoại của nhân vật: "Em sang đấy làm gì, tập cho chúng nó đàn ông đi... Phụ nữ cái gì cũng thích tham gia, toàn kích động với manh động" (bố Tí nói với mẹ Tí trong Mẹ Tí và thế giới của đàn ông).

Có những truyện mượn lời người lớn dạy trẻ con, tưởng rất bâng quơ mà lại phản ánh cả thực trạng xã hội, chẳng hạn chuyện Tí đi chùa thấy cơ man những chậu phong lan tiền triệu, mà mẹ Tí định giá vị chi tổng cộng 2 tỷ.

... Và chuyện nhiều nhà khác lại khá giống mục... Tâm sự trên các tờ báo, nơi muôn hình vạn trạng những tình huống dở khóc dở cười, hay đôi khi là khiến người ta nghẹn ngào, nước mắt ngắn dài, được phơi bày. Điểm nhấn ở đây là Phan Thị Vàng Anh kể những chuyện ấy ở góc nhìn của một người-quan-sát tương đối khách quan, không (trực tiếp) chỉ trích, bình luận hay phán xét. Dẫu vậy, ẩn dưới những câu chữ nhẹ nhàng, thanh thoát vẫn là điều khiến người đọc phải giật mình ngẫm ngợi.

 Từ trái qua: TS Nguyễn Thị Hậu, nhà văn Huỳnh Trọng Khang, nhà phê bình Lê Hồng Lâm tại buổi giao lưu và trò chuyện về tập sách Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác). Ảnh: N.N.

Từ trái qua: TS Nguyễn Thị Hậu, nhà văn Huỳnh Trọng Khang, nhà phê bình Lê Hồng Lâm tại buổi giao lưu và trò chuyện về tập sách Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác). Ảnh: N.N.

Những trang viết đậm tâm tư thời đại

Nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ, TS Nguyễn Thị Hậu - một độc giả lâu năm của Phan Thị Vàng Anh cho biết một thuở chị "sốc" với những câu chốt như đóng đinh vào trong bộ óc người đọc trong trang sách của tác giả, nhiều câu đã trở thành lời nói đùa cửa miệng của cả một thế hệ.

Theo chị, mỗi tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh đều ghi dấu ấn của một thời đại. Tập truyện ngắn Khi người ta trẻ (1993) là tiếng nói đại diện cho sự phản ứng của người trẻ với xã hội cũ, nơi chứng kiến sự ngăn cách giữa cha mẹ và con cái (thế hệ trải qua thời chiến và thế hệ sinh ra trong hòa bình), do đó mà ẩn chứa một sự "phán xét ngầm".

Tập tản văn Nhân trường hợp chị Thỏ Bông (2004) lại là tiếng nói của người công dân có ý thức với xã hội vào thập niên 2000. Sau đổi mới hơn 20 năm, tinh thần dân chủ không còn là khẩu hiệu mà thấm vào nếp nghĩ. Văn chương Phan Thị Vàng Anh bộc lộ được tinh thần phản biện ấy, "đọc thấy rất đau nhưng ngộ ra đó chính là cái mình muốn nói". Nhà văn quan sát và cảm nhận được cái chưa được trong xã hội, và góp ý bằng cách viết hài hước, sắc bén - điểm mạnh của tản văn.

TS nhận định lần trở lại văn đàn sau hơn gần 10 năm kể từ tập Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh (2016), dường như những trang viết của tác giả tỏa ra phong vị ấm áp, trắc ẩn dù đây đó vẫn ánh lên cái đanh đá, sắc sảo.

Đồng ý kiến, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng cảm nhận văn của Phan Thị Vàng Anh vẫn là tâm tư đậm hơi thở thời đại, song đã bớt đi phần sắc sảo mà nhường chỗ cho cái gì đó dịu dàng hơn. Anh thích thú khi đọc những trang viết có tứ truyện rất đời thường mà gợi suy ngẫm về nhân sinh. Nhà văn "viết thì ngắn nhưng dư âm thì dài", "hầu như truyện nào cũng lấy ra được một ý dí dỏm thâm thúy", anh nói.

Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác) có lẽ khiến người đọc bất chợt nhìn lại mình và những người thân yêu, từ đó mà cảm thông hơn với thế hệ ông bà, cha mẹ hay con cháu. "Khi nào tình cảm gia đình, vấn đề kết nối giữa con người còn là quan trọng trong xã hội thì những trang sách của Phan Thị Vàng Anh vẫn sẽ còn nguyên giá trị", TS Nguyễn Thị Hậu nói.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-nha-ti-sitcom-tren-trang-sach-post1541633.html
Zalo