Chuyện người lính già và cây kèn Harmonica

Tổ quốc Việt Nam đã đi qua dặm dài chiến tranh với biết bao đau thương, mất mát, để đến ngày chiến thắng vẹn toàn, non sông thu về một mối. Nhìn lại lịch sử, có một câu hỏi rằng vì sao một đất nước Việt Nam nhỏ bé lại có thể chiến đấu và chiến thắng trước những kẻ thù. Xin trả lời, điều làm nên sức mạnh Việt Nam chính là những con người khi Tổ quốc cần sẵn sàng gác lại tình riêng để lên đường, chấp nhận gian khổ, hy sinh để đất nước đi đến ngày độc lập.

Tiếng kèn Harmonica của người lính già Nguyễn Tiến Lịch giữa bãi bom ngày nào, sau 53 năm lại vang lên hào hùng giữa trời Hà Nội, như một lời kêu gọi bất diệt “Vì Nhân dân quên mình”. (Ảnh: X.H)

Tiếng kèn Harmonica của người lính già Nguyễn Tiến Lịch giữa bãi bom ngày nào, sau 53 năm lại vang lên hào hùng giữa trời Hà Nội, như một lời kêu gọi bất diệt “Vì Nhân dân quên mình”. (Ảnh: X.H)

Quyết định táo bạo giữa bãi bom hẹn giờ

Cũng như tôi, rất nhiều người đã cùng chung suy nghĩ này khi nghe tiếng kèn Harmonica của người lính già Nguyễn Tiến Lịch giữa bãi bom ngày nào, sau 53 năm lại vang lên hào hùng giữa trời Hà Nội, như một lời kêu gọi bất diệt “Vì Nhân dân quên mình”.

“Tôi sinh năm 1943 tại Hưng Yên. Năm 1971, 28 tuổi tôi vào chiến trường lần thứ hai, là chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5, biệt danh là Đoàn Dũng sĩ Cát Bi. Đơn vị của tôi sau những ngày huấn luyện vất vả đã nhận lệnh hành quân vào chiến trường B2, miền Đông Nam Bộ, phải đi qua đất Lào. Sau mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn, một ngày, đơn vị tôi tới cao nguyên Bô-lô-ven trên đất bạn Lào, đoạn gần ngã ba 3 nước Đông Dương. Tôi còn nhớ, đó là đoạn đường độc đạo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, dốc đá trơn trượt. Mới chiều hôm trước ở đoạn đường này máy bay B52 vừa dội bom. Giao liên báo vẫn còn một số bom hẹn giờ, không biết lúc nào nổ. Không khí trở nên vô cùng căng thẳng vì một sai sót nhỏ có thể trả giá bằng tính mạng… ”, chia sẻ tại sự kiện “Ký ức và Niềm tin” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, ông Nguyễn Tiến Lịch cho biết.

Tình thế lúc đó “ngàn cân treo sợi tóc” bởi tất cả mọi người trong đoàn quân đều cảm nhận được sức hủy diệt của quả bom, hàng quân như chững lại trong giây lát. Trong đơn vị của ông Lịch phần lớn là lính trẻ nên không tránh được cảm giác sợ hãi, bởi đi qua bãi bom cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết có thể đến rất bất ngờ. Trước tình huống đó, ông Lịch hội ý nhanh với chỉ huy, quyết định chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người để nhanh chóng vượt qua cửa tử.

Nhận thấy tâm lý căng thẳng của những người lính, ông Lịch nhanh chóng có một quyết định trong đầu. Ông xốc ba lô chạy đến giữa bãi bom, đứng bên một quả bom hẹn giờ, rút chiếc kèn Harmonica ra và bắt đầu thổi. “Quả bom như thần chết, sắc lạnh rợn người, thời gian nổ là bao lâu thì không xác định. Còn tôi, cứ đứng vậy thổi bản nhạc bài “Vì Nhân dân quên mình” để tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Từng tốp vượt qua nhanh chóng bởi lúc đó sự sống được tính bằng giây. Tôi không nhớ mình đã thổi đi thổi lại biết bao nhiêu lần bản nhạc đó, cho đến khi tốp cuối cùng vượt qua bãi bom an toàn, tôi mới cùng đồng chí giao liên vượt qua bãi bom tiến kịp đồng đội”, ông Nguyễn Tiến Lịch nhớ lại.

Những “tia nắng hồng” trên đỉnh núi Trường Sơn

Có thể nói, tình huống lúc đó, khi sự sống được tính bằng giây, chính bản nhạc “Vì Nhân dân quên mình” từ chiếc kèn Harmonica của người chính trị viên đại đội đã tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân tiến vượt qua “cửa tử” thành công, từ đó góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975 thống nhất đất nước. Cảm động trước câu chuyện của người lính già, họa sĩ Vương Trần (Câu lạc bộ Cựu chiến binh Việt Nam yêu thương) đã xúc động vẽ lại khoảnh khắc người lính đứng thổi kèn giữa bãi bom để khích lệ đồng đội dũng cảm vượt qua cửa tử và tặng cho ông Lịch.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Nguyễn Tiến lịch đã quyết định tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cây kèn Harmonica, bức tranh cùng cuốn nhật ký chiến trường ông đã viết trong những năm tháng chiến đấu và những bức thư vợ ông gửi cho ông ở chiến trường, những bức thư mà nhờ đó ông Lịch có sức mạnh và niềm tin để đi qua mưa bom, bão đạn đến ngày hòa bình trở về.

Ông Nguyễn Tiến Lịch cũng như rất nhiều người Việt Nam đã đi qua chiến tranh, dù là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi mang trong mình hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ, là những thanh niên nơi làng quê với bến nước, mái đình, những học sinh vừa rời ghế nhà trường hay những sinh viên nơi giảng đường đại học, là những người thầy, người cô đang cầm phấn…, nhưng hơn tất cả, họ chính là thế hệ những con người yêu nước, sống có lý tưởng, niềm tin và tinh thần “Vì Nhân dân quên mình” - như tiếng kèn vang vọng của người chính trị viên năm nào giữa bãi bom.

Chính niềm tin đó đã trở thành ý chí, sức mạnh, góp phần làm nên chiến thắng, như hai câu thơ viết trong nhật ký ở chiến trường của nữ bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 Nguyễn Thị Hồng Nhãn vào năm 1972: “Đế quốc Mỹ không thể chia cắt được/Tia nắng hồng trên đỉnh núi Trường Sơn”…

Cùng có mặt với ông Nguyễn Tiến Lịch tại sự kiện “Ký ức và Niềm tin” còn có cựu nữ thanh niên xung phong Hoàng Thị Kim Vinh. Bà Vinh sinh năm 1939 tại Hà Nội. Năm 1965, bà Kim Vinh gia nhập Đại đội 812, Đội Thanh niên xung phong Thủ đô N43, Bộ Giao thông vận tải. Lúc đó, con trai bà mới 1 tuổi, còn chồng đang chiến đấu ở miền Nam. Bà cùng đồng đội mở đường, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Năm 1966, bà được cử tham dự Đại hội Ba đảm đang và sau đó học lớp trung cấp giao thông. Khắc phục mọi khó khăn để lên đường. “Tôi viết lá đơn xung phong lên đường vào năm 1965 khi con trai tôi mới 1 tuổi. Để lại con trai nhỏ cho mẹ già để lên đường, tôi muốn noi gương nữ nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã để lại con thơ, gác lại tình riêng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngọn lửa cách mạng bùng cháy trong lòng tôi, trong lá đơn tôi đã viết nguyện khắc phục mọi khó khăn trong gia đình để lên đường đi chiến đấu, nguyện đem hết sức lực của tuổi trẻ ra phục vụ trận tuyến, tôi có đầy đủ tinh thần dũng cảm để nhận bất cứ việc gì mà Đảng và Nhân dân yêu cầu”, bà Vinh kể lại.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-nguoi-linh-gia-va-cay-ken-harmonica-post535596.html
Zalo