Chuyện người gieo mầm tiếng Việt (Kỳ I): Đem tình yêu đến mọi nơi

Hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, TG&VN giới thiệu một số tấm gương vừa được vinh danh Sứ giả tiếng Việt năm 2024.

Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023- 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/8/2022 là đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng NVNONN.

Qua hai năm thực hiện, Đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng của NVNONN. Đặc biệt, cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN” do Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao khởi xướng, sau hai năm tổ chức đã lựa chọn và vinh danh 10 Sứ giả tiếng Việt ở các địa bàn, độ tuổi khác nhau, trong đó có cả sứ giả là người nước ngoài.

Hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN (8/9), TG&VN giới thiệu một số tấm gương vừa được vinh danh Sứ giả tiếng Việt năm 2024: anh Nguyễn Thế Dương (người Việt tại Australia), chị Lanny Phetnion (người Lào), chị Thủy Lê Scherello (người Việt tại Đức)... Các sử giả này đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt. Họ không chỉ là những người trực tiếp giảng dạy ngôn ngữ, mà còn là những nhân tố then chốt trong việc giữ gìn và truyền tải bản sắc văn hóa Việt Nam đến thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế.

Đem tình yêu đến mọi nơi

Sứ giả tiếng Việt là danh hiệu cao quý dành tặng những cá nhân xuất sắc trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài. Phóng viên TG&VN có cuộc trò chuyện đầu tiên với một sứ giả của năm 2024 - Anh Nguyễn Thế Dương hiện đang sinh sống và làm việc tại Brisbane, bang Queensland, Australia, là Giám đốc của Viet Academy (trường Yêu tiếng Việt).

Anh Nguyễn Thế Dương. (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Thế Dương. (Ảnh: NVCC)

Anh Dương là đồng tác giả của bộ sách “Tiếng Việt của em” đã được trao giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi “Biên soạn sách, giáo trình dạy học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2021, đồng sáng lập nhóm “Dạy con học tiếng Việt” trên nền tảng Facebook, tổ chức câu lạc bộ “Đọc sách tiếng Việt”…

Hơn 22 năm học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở lĩnh vực ngôn ngữ học và tiếng Việt, đâu là động lực khiến anh bền bỉ theo đuổi công việc này?

Thật đáng mừng vì hiện nay nhu cầu học tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài rất lớn, cho thấy ý thức về việc gìn giữ và bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng tăng lên. Hiểu được nhu cầu đó, tôi cùng với vợ mình là Thạc sĩ Ngôn ngữ học Hoàng Thị Thu Thủy đã thành lập trường Yêu tiếng Việt chuyên dạy tiếng Việt cho trẻ em NVNONN.

Như cái tên của nó, Yêu tiếng Việt là tâm huyết mong được lan tỏa tình yêu tiếng Việt đến các em nhỏ ở mọi nơi. Tôi luôn tâm niệm cần đánh thức tình yêu tiếng quê hương, vốn luôn có sẵn trong các em. Muốn các em yêu thì cần phải làm sao biến nó thành “Tiếng Việt của em”, như tựa đề bộ giáo trình mà tôi cùng hai đồng nghiệp ở Viện Ngôn ngữ học biên soạn. Khi tiếng Việt đã là của các em thì các em sẽ yêu thương, trân quý nó một cách tự nhiên nhất.

Các lớp học tại Yêu tiếng Việt tập trung vào các tình huống giao tiếp thông dụng, gần gũi với đời sống hàng ngày, cùng các trò chơi tương tác hấp dẫn, giúp các em vừa cảm thấy thoải mái, vui vẻ lại vừa ghi nhớ kiến thức một cách dễ dàng.

Tại Yêu tiếng Việt, chúng tôi không chỉ dạy tiếng Việt mà còn truyền thụ cho các em về văn hóa, lịch sử, phong tục, truyền thống của người Việt. Đây chính là chất keo quan trọng để gắn kết các em với cội nguồn. Các em được học về những nhân vật lịch sử, những câu chuyện cổ tích, về biển đảo quê hương. Những bài học về Hoàng Sa, Trường Sa, hay các nhà giàn trên Biển Đông luôn gây cho các em những xúc động rất lớn…

Các hoạt động mà tôi đã, đang và sẽ làm đều hướng đến một mục tiêu và động lực duy nhất: đem tình yêu tiếng Việt đến khắp mọi nơi để các thế hệ trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại nước ngoài thêm hiểu và tự hào là người Việt Nam, gắn bó với gia đình và cội nguồn hơn; đồng thời nâng cao vị thế của tiếng nói, con người và đất nước Việt Nam tại các quốc gia khác.

Việc gìn giữ tiếng Việt và văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ kiều bào vẫn còn nhiều thách thức. Bản thân anh gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Đối với tôi, việc dạy tiếng Việt có rất nhiều thuận lợi. Bởi Australia có một cộng đồng người Việt khá lớn và tiếng Việt hiện tại đã vươn lên xếp thứ ba trong các ngôn ngữ được nói tại gia đình, không kể tiếng Anh.

Sự quan tâm đến việc gìn giữ tiếng Việt của cộng đồng và phụ huynh gia tăng vì họ ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng và những lợi ích của việc duy trì tiếng Việt trong một cộng đồng đa văn hóa, đa ngôn ngữ.

Không thể không nhắc đến sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan hữu quan ở Việt Nam, mà minh chứng rõ nhất là Ngày tôn vinh tiếng Việt (8/9) cùng hàng loạt chương trình, kế hoạch, đề án nhằm phát huy giá trị tiếng Việt trong các cộng đồng NVNONN.

Bên cạnh đó, việc dạy trực tuyến phá vỡ các rào cản địa lý, giúp chúng tôi kết nối với học viên ở khắp nơi trên đất nước Australia, thậm chí cả những vùng xa xôi hẻo lánh. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục và trí tuệ nhân tạo, chúng tôi có những lớp học với học sinh đến từ ba châu lục cùng học chung rất hiệu quả.

Tất nhiên, cũng có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như các em khác nhau về lứa tuổi, tính cách, năng lực tiếng Việt, hoàn cảnh xã hội, gia đình… Để lớp học được hiệu quả và chất lượng thì khâu quan trọng bậc nhất chính là phân loại học sinh dựa trên nhiều tiêu chí độ tuổi, năng lực tiếng Việt và cả múi giờ. Việc thiết kế chương trình giảng dạy trực tuyến và nguồn lực giáo viên cũng là một khó khăn với chúng tôi…

Hiện tại, Yêu tiếng Việt tiếp tục lên kế hoạch đào tạo giáo viên một cách chặt chẽ, bài bản để có thêm nguồn lực giáo viên giúp lan tỏa tiếng Việt. Với tâm huyết và tình yêu, tôi tin là mình sẽ đủ khả năng vượt qua những khó khăn này.

Anh Nguyễn Thế Dương với các em nhỏ tại lớp học tiếng Việt trực tuyến. (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Thế Dương với các em nhỏ tại lớp học tiếng Việt trực tuyến. (Ảnh: NVCC)

Từ thực tế ấy, theo anh, cần có những giải pháp gì để phong trào dạy và học, tôn vinh tiếng Việt được lan tỏa hơn nữa?

Sự ra đời của Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, việc trao tặng các danh hiệu Sứ giả tiếng Việt, cùng hàng loạt sự kiện, hội thảo, cuộc thi về tiếng Việt tạo nên không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Cho nên, để phong trào dạy và học, tôn vinh tiếng Việt được lan tỏa hơn nữa thì cần tiếp tục phát huy những hoạt động này.

Tôi cũng cho rằng cần khuyến khích mạnh mẽ việc sử dụng tiếng Việt trong gia đình và cộng đồng, tạo môi trường giao tiếp tự nhiên cho các bạn nhỏ có thể thực hành tiếng Việt. Đối với tôi, gia đình chính là thành trì quan trọng nhất để giữ tiếng Việt, và cha mẹ chính là giáo viên tốt nhất. Ngoài ra, cần tổ chức thêm nhiều các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Việt, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong dạy học.

Chúng ta cũng cần thành lập thêm các trung tâm, lớp học tiếng Việt cộng đồng, đặc biệt, ở những nơi có đông người Việt sinh sống. Đồng thời, cần có những giải pháp hỗ trợ, khen thưởng, động viên cho các trường, trung tâm tiếng Việt và tăng cường hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân, cơ quan liên quan đến việc giảng dạy và phát triển tiếng Việt trong và ngoài nước.

Ở tầm cao hơn, chúng ta cần có những vận động, trao đổi để đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ngoại ngữ hoặc song ngữ tại vùng có đông người Việt sinh sống ở các quốc gia.

Anh ý thức thế nào về danh hiệu Sứ giả tiếng Việt năm 2024 của mình?

Được vinh danh là Sứ giả tiếng Việt năm 2024 là niềm vinh dự lớn lao và vô cùng xúc động đối với tôi. Đặc biệt, lễ vinh danh vừa qua diễn ra ngay tại Nhà hát Lớn của Thủ đô Hà Nội - nơi tôi sinh ra và trước sự chứng kiến của bố mẹ và nhiều người thân trong gia đình tôi.

Tôi nghĩ, có rất nhiều Sứ giả tiếng Việt, những người đang ngày đêm đem tình yêu tiếng Việt lan tỏa khắp nơi. Danh hiệu sẽ là nguồn động viên to lớn để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài, để tiếng Việt tiếp tục vang xa trên khắp các nẻo đường thế giới.

Kỳ II: Cơ duyên của một cô giáo Lào

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-nguoi-gieo-mam-tieng-viet-ky-i-dem-tinh-yeu-den-moi-noi-286888.html
Zalo