Chuyên mục truyền thông giảm nghèo ở thị xã Ngã Năm: Tiếp thêm động lực để phụ nữ hăng say sản xuất, khẳng định quyền năng kinh tế
Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số được giảm nghèo bền vững, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả và kịp thời nhiều giải pháp. Từ đó, đã tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tập trung phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Quý lắm những chiếc “cần câu” của hội phụ nữ
Đôi bàn tay thoăn thoắt, những sợi lục bình khô được đan quyện vào nhau, nhanh chóng trở thành chiếc khiên, chiếc sọt, em Trần Thị Bé Ngân, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm hạnh phúc trước những thành quả mình làm ra. “Em tưởng đan lục bình khó lắm, ai dè cũng dễ. Ngồi nhìn các cô, các chị trong tổ hợp tác đan đát của xã làm và được sự chỉ dạy tận tình, mấy tháng là em có thể đan nhuần nhuyễn rồi. Giờ em vừa trông con, vừa làm việc nhà mà vẫn có thể kiếm gần 100 ngàn đồng mỗi ngày” - Bé Ngân chia sẻ. Bé Ngân thuộc tuýp người phụ nữ của thời đại mới, luôn khao khát khẳng định mình, mong muốn tự đôi tay làm ra kinh tế nhưng không có điều kiện và chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bản thân không nghề nghiệp ổn định, lấy chồng 3 năm, có bé 2 tuổi. Lúc đầu, Bé Ngân đành để bao gánh nặng kinh tế lên hết đôi vai chồng nhưng nhờ hội phụ nữ cho “cần câu” mà cuộc sống gia đình em được “thoải mái” hơn.
Người ta thường nói cho cần câu quý hơn con cá, quả thật không sai! Bởi tự tay mình làm ra đồng tiền thì càng biết quý trọng giá trị thực sự của nó và có sự chi tiêu hợp lý. Chị Trần Ngọc Vàng, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm cũng được hưởng lợi từ những chiếc “cần câu” mà hội phụ nữ đem đến. Theo chị Vàng, trước đây một mình chồng phải làm thuê để lo cho 3 đứa con, chị ở nhà nội trợ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Năm 2021, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã “kết nối” vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sửa lại căn nhà nhằm “an cư lạc nghiệp”. Rồi chị được tham gia tổ hợp tác đan đát của phụ nữ, được dạy kỹ năng đan lục bình hơn 1 tháng và cuộc sống ổn định bắt đầu từ đây. Chị Vàng thật thà sẻ chia: “Mỗi ngày tổng thu nhập ổn định của tôi khoảng 250 ngàn đồng; trong đó, đan lục bình khoảng hơn 100 ngàn đồng và cắt lục bình bán lại cho chị em trong tổ hợp tác là 150 ngàn đồng (1kg là 500 đồng). Thu nhập hiện tại của tôi còn cao hơn cả chồng, nhờ vậy mà gia đình tôi cũng đỡ nhiều, có thể mua sắm đầy đủ những vật dụng trong gia đình”.
Chiếc “cần câu” của hội phụ nữ đã giúp cho 2 hội viên phụ nữ Khmer trên tự tin vươn lên trong cuộc sống bằng chính đôi tay của mình. Các cấp hội phụ nữ thị xã đã xác định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội, nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, các cấp hội phụ nữ thị xã đã phát huy vai trò kết nối, khai thác nguồn lực, tích cực đồng hành, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Huy động mọi nguồn vốn, vì quyền năng kinh tế phụ nữ
Đồng chí Tiền Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ngã Năm cho biết: Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch về hỗ trợ thoát nghèo, thoát cận nghèo năm 2024 và triển khai kịp thời xuống 8 cơ sở tham gia thực hiện. Đồng thời, có danh sách hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo có địa chỉ cụ thể, gửi về cấp trên đúng thời gian quy định. Khi đó, 8 cơ sở hội thống kê có 280 hộ nghèo; 142 hộ nghèo do nữ làm chủ hộ; có 82 hộ hội viên nghèo. Nắm rõ tình hình, các cấp hội trên địa bàn thị xã đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục duy trì phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đơn vị còn tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp tổ, nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ, nhân rộng mô hình bằng nhiều hình thức như: chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, con giống, giới thiệu việc làm, cho vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội… Song song đó, các cấp hội còn vận động hộ khá, giàu giúp 134 nữ chủ hộ nghèo (đạt 118% so với chỉ tiêu trên giao), nhất là quan tâm đến hộ Khmer. Qua triển khai kế hoạch có 33 hội viên đăng ký thoát nghèo, kết quả cuối năm có 21 hội viên vươn lên thoát nghèo bằng mô hình kinh tế (đạt 131% chỉ tiêu); hội phụ nữ quản lý 1.987 hộ cận nghèo (có 512 hội viên cận nghèo), trong năm có 118 hộ đăng ký thoát cận nghèo và qua bình xét có 82 hộ thoát cận nghèo (đạt 342% so với chỉ tiêu).
Để giúp hội viên phụ nữ tự tin vươn lên trong cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã có chiến lược tài chính toàn diện. Trong năm 2024, các cấp hội đã nâng cao chất lượng hoạt động 52 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm có 518 thành viên và các tổ hoạt động đều có hiệu quả. Thị hội và cơ sở hội vận động tiết kiệm chung tay vì người nghèo với tổng số tiền 800 triệu đồng. Thị hội còn duy trì Chương trình tín dụng tiết kiệm của Tỉnh hội trên địa bàn Phường 3, đến nay chương trình đã kết thúc không có phát sinh nợ quá hạn; quan tâm hỗ trợ hội viên, phụ nữ được tiếp cận vốn duy trì thực hiện mô hình và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế cho hộ gia đình.
Muốn phát triển kinh tế, nguồn vốn luôn là ưu tiên hàng đầu quyết định mọi vấn đề. Trên địa bàn, 8 đơn vị xã, phường thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã, quản lý 65 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 143.326 triệu đồng, giúp 3.326 thành viên vay. Thị hội xây dựng về việc kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác năm 2024 và tiến hành kiểm tra 8 xã, phường với 16/65 tổ (đạt 160% so với chỉ tiêu); kiểm tra 80 hộ vay vốn (đạt 100% so với chỉ tiêu). Đơn vị còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã kiểm tra 65 tổ vay vốn (đạt 100%), kiểm tra 3.050 hộ vay vốn (đạt 90% tổng số hộ vay). Đáng mừng, có 3.080/3.326 tổ viên tổ tiết kiệm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội gửi tiết kiệm (đạt 102% chỉ tiêu). Trong năm, hội còn thiết lập hồ sơ cho 43 hộ vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm và đã giải ngân cho 31 hộ với tổng số tiền 930.000.000 đồng; hội quản lý tốt nguồn vốn, không phát sinh nợ quá hạn. Bằng những hoạt động thiết thực đã tạo sức lan tỏa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình hội viên, phụ nữ, giúp chị em có điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn.
Các cấp hội còn quan tâm vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi hình thức sản xuất, cơ cấu kinh tế; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Cùng với cơ quan chức năng vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp với đơn vị liên quan quan tâm tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ làm chủ phát triển nghề truyền thống gắn với việc thực hiện bảo vệ môi trường, cũng như tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, kiến thức, giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả, giúp cho phụ nữ nông thôn có việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thường xuyên thăm hỏi, động viên và nắm bắt kịp thời các thông tin, cũng như những nhu cầu nguyện vọng của chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để kịp thời có giải pháp giúp đỡ.
Không để hội viên phụ nữ khó khăn phải “khủng hoảng” tài chính đi đến bế tắc trong cuộc sống, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Ngã Năm luôn nắm sát tình hình, hỗ trợ thường xuyên, hành động cụ thể và hiệu quả thiết thực. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.