Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất: Nhiều thay đổi đáng được quan tâm

Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai năm 2024 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Để Luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân, tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện tốt việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất trên địa bàn. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên về vấn đề này, ông Kiều Quang Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, đã gợi mở cùng bạn đọc nhiều vấn đề đang được quan tâm.

Theo Luật Đất đai năm 2024, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất lúa sẽ thuận lợi hơn trước.

Theo Luật Đất đai năm 2024, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất lúa sẽ thuận lợi hơn trước.

P.V: Trước những thay đổi của Luật Đất đai năm 2024, tỉnh đã có điều chỉnh như thế nào về việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất, thưa ông?

Ông Kiều Quang Khánh: Căn cứ quy định tại Khoản 5, Điều 72, Khoản 1, Điều 122, Luật Đất đai năm 2024 và quy định tại Điều 50 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh phải tổng hợp danh mục các dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất mà có diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất trình HĐND tỉnh thông qua trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Điểm khác biệt giữa Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013 là trước đây theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc chuyển mục đích từ 10ha đất trồng lúa trở lên, từ 20ha đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, nay Luật Đất đai năm 2024 đã giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh thông qua; đồng thời theo Luật Đất đai năm 2024, HĐND tỉnh thông qua cả việc chuyển mục đích đối với đất rừng sản xuất, Luật Đất đai năm 2013 trước đây không quy định chuyển mục đích đối với đất rừng sản xuất.

Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, ngày 6/9/2024, HĐND tỉnh tổ chức Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề) và thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 6/9/2024, trong đó HĐND tỉnh thông qua 26 công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, việc HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp chuyên đề là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

P.V: Xin ông thông tin cụ thể hơn về các công trình, dự án thu hồi đất và chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất rừng sản xuất bổ sung năm 2024?

Ông Kiều Quang Khánh: Theo Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 6/9/2024 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh có 27 công trình, dự án thu hồi đất bổ sung năm 2024 với tổng diện tích đất thu hồi là trên 401ha. Cụ thể: TP. Thái Nguyên có 6 dự án; TP. Phổ Yên có 1 dự án; TP. Sông Công có 6 công trình, dự án; huyện Phú Lương có 5 dự án; huyện Định Hóa có 3 dự án; huyện Đồng Hỷ có 1 dự án; huyện Phú Bình có 2 dự án và huyện Đại Từ có 3 dự án.

Trong đó, địa phương có diện tích đất thu hồi lớn nhất là TP. Thái Nguyên với trên 148ha, tiếp đến là Phú Lương với trên 60ha, huyện Đại Từ với trên 46ha, huyện Định Hóa với 40ha… Theo đó, có 26 trong số 27 công trình, dự án thu hồi đất nêu trên có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất rừng sản xuất.

Ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua, các công trình, dự án có thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất đã được tỉnh thông tin rộng rãi để các cấp, ngành chức năng và người dân nắm bắt kịp thời và thực hiện nghiêm theo quy định của Nhà nước.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của Luật Đất đai năm 2024 trong việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân?

Ông Kiều Quang Khánh: Theo khoản 5, điều 116 của Luật Đất đai năm 2024, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Quy định mới này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn trong việc hoàn thiện các thủ tục hành chính về chuyển mục đích sử dụng đất… Theo đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân chỉ căn cứ vào quy hoạch, không cần căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện do UBND tỉnh phê duyệt, điều này đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân khoảng 3 tháng.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Tùng Lâm (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tai-nguyen-moi-truong/202409/chuyen-muc-dich-su-dung-dat-trong-lua-dat-rung-san-xuat-nhieu-thay-doi-dang-duoc-quan-tam-8320efa/
Zalo