Chuyện làng - chuyện của một thời và mai sau

Phong Nam (xã Hòa Châu) và Bồ Bản (xã Hòa Phong) - hai ngôi làng giàu truyền thống nằm trong lòng thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng - đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ, với sự đồng lòng, quyết tâm và sáng tạo của chính người dân trên quê hương mình.

Đình làng Bồ Bản là công trình kiến trúc cổ kính, có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người dân địa phương

Đình làng Bồ Bản là công trình kiến trúc cổ kính, có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người dân địa phương

Đây là minh chứng sinh động cho tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” - cốt lõi trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thời kỳ mới.

Với mục tiêu gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và phát huy sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng, hai thôn đã cùng tổ chức Hội nghị tuyên truyền và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng”.

Đây không chỉ là một chương trình phát triển nông thôn đơn thuần, mà còn là hành trình khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đã được hun đúc qua bao thế hệ.

Qua Hội nghị, chính quyền và người dân đã cùng nhau thảo luận, thống nhất những bước đi cụ thể để biến “đề án trên giấy” thành hiện thực sống động trong đời sống văn hóa thường nhật.

Gìn giữ hồn làng, thắp sáng bản sắc văn hóa

Trong không khí trang nghiêm tại đình làng Bồ Bản (xã Hòa Phong), cuối tuần qua, UBND xã Hòa Phong đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” với sự tham gia của lãnh đạo huyện, xã, đại diện các tộc họ, đông đảo hộ dân và các cơ sở du lịch cộng đồng.

Trước đó, ngày 9.4, thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) cũng tổ chức hội nghị tuyên truyền với tinh thần đồng thuận, kỳ vọng lớn vào hành trình làm sống lại hồn cốt làng quê xứ Quảng.

Người dân hai thôn đã được giới thiệu những nội dung trọng tâm của Đề án - nơi bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nếp sống, tín ngưỡng và tinh thần cộng đồng bền chặt suốt nhiều thế hệ.

Đây không đơn thuần là dự án phát triển nông thôn, mà là cuộc trở về sâu sắc với cội nguồn - nơi những giá trị truyền thống được nâng niu, kế thừa và phát huy trong thời đại mới.

Anh Đặng Quốc Việt, cán bộ Phòng Văn hóa - Xã hội xã Hòa Châu chia sẻ: “Phong Nam và Bồ Bản là hai thôn còn giữ được nhiều đặc trưng quý giá của làng quê xưa. Việc xây dựng Làng văn hóa đặc trưng không chỉ là định hướng, mà là một cơ hội lớn để chúng ta song song bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy nét đẹp hiện đại của cộng đồng nông thôn Việt Nam”.

Với bề dày lịch sử hơn 500 năm, Bồ Bản là một làng quê yên bình, hội tụ nhiều di sản văn hóa quý báu. Đình làng Bồ Bản - Di tích lịch sử cấp quốc gia - cùng miếu Thần Nông, mộ tiền hiền, giếng cổ, chùa Hưng Quang và Minh sư Thọ Quang... tạo nên một quần thể kiến trúc cổ kính, linh thiêng. Năm 2021, thôn được công nhận đạt chuẩn “Nông thôn mới kiểu mẫu”.

Tại Hội nghị, bà con đồng lòng bày tỏ sự đồng thuận cao và đề xuất các nội dung thiết thực: Xây dựng nhà văn hóa thôn, cải tạo khu thể thao, tôn tạo cụm di tích lịch sử, xây dựng cổng làng mang đậm dấu ấn văn hóa.

Đồng thời, ai cũng mong muốn đề án phải gắn liền với phát triển nghề truyền thống - như làm bánh tét, bánh gói, bánh tráng và quảng bá thương hiệu ớt Bồ Bản - kết hợp với bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm nước sinh hoạt.

Không kém phần đặc sắc, Phong Nam là ngôi làng tiêu biểu với kiến trúc cổ kính và lễ hội độc đáo. Đình làng Phong Lệ, nhà thờ tiền hiền, miếu Thái giám và đặc biệt là Lễ hội Mục đồng - tất cả đều là minh chứng sống động cho sức sống trường tồn của văn hóa.

Từ những ngôi nhà cổ đến làng nghề bánh tráng, bánh ít lá gai, bánh gói, Phong Nam lưu giữ vẹn nguyên hồn quê trong từng nếp sinh hoạt.

Người dân nơi đây kiến nghị sớm ban hành hương ước, quy ước phù hợp với Làng văn hóa đặc trưng; đồng thời tu bổ đình Thần Nông và các nhà thờ cổ - không chỉ vì giá trị di sản, mà còn là chốn sinh hoạt tín ngưỡng thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Ưu tiên đầu tư di sản, gìn giữ hồn cốt dân gian

Trong hành trình xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và kiến trúc truyền thống được xác định là trục xuyên suốt - vừa để lưu giữ dấu ấn quá khứ, vừa làm nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.

Đề án xây dựng Làng văn hóa thôn Phong Nam chú trọng gìn giữ không gian làng quê truyền thống, cải tạo cảnh quan theo hướng xanh - sạch - đẹp, đồng thời đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã gắn bó lâu đời với cộng đồng dân cư.

Mục tiêu của đề án không chỉ là phục dựng cảnh quan, mà còn tái hiện nếp sống văn hóa làng quê - nơi có hương ước cộng đồng, lối sống văn minh, thanh lịch, mang đậm bản sắc địa phương.

Một trong những điểm nhấn được ưu tiên đặc biệt là bảo tồn và phát huy hệ thống di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc, bao gồm đình Thần Nông - công trình được GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá là “ngôi đình độc nhất vô nhị ở Việt Nam” với chi tiết kiến trúc mái sừng trâu độc đáo. UBND xã Hòa Châu đã chủ động đề xuất mở rộng ranh giới bảo vệ, đồng thời kiến nghị UBND TP bố trí nguồn ngân sách để tu bổ, phục hồi nguyên trạng các hạng mục xuống cấp.

Cùng với đình Thần Nông, hàng loạt công trình tín ngưỡng khác như miếu Thái Giám, miếu Bà Giàng, lăng Âm Linh, cồn Thần, các nhà cổ và nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ cũng đang được lập hồ sơ kiểm kê, đề xuất xếp hạng di tích và có kế hoạch bảo tồn, trưng bày, phục vụ giáo dục văn hóa - lịch sử địa phương.

Đặc biệt, “Lễ hội Mục đồng” - một lễ hội dân gian độc đáo tôn vinh trẻ chăn trâu, được xem là di sản văn hóa phi vật thể độc nhất vô nhị tại Việt Nam - đang được xã Hòa Châu phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Bên cạnh đó, việc đưa nội dung lễ hội và các di tích lịch sử gắn liền với làng Phong Nam vào giảng dạy trong trường học cũng được triển khai, giúp thế hệ trẻ thấm đẫm tình yêu quê hương từ những tiết học thực tế giàu cảm xúc.

Tầm nhìn của đề án còn mở rộng đến du lịch sinh thái và cộng đồng, nơi văn hóa và kinh tế gắn bó bền chặt. Phong Nam sẽ phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm như làng nghề bánh tráng, bánh ít, bánh gói; khôi phục hệ sinh thái tự nhiên; cải tạo các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp dịch vụ; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với đời sống cư dân…

Đồng thời, chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy xây dựng hương ước, quy ước sống văn hóa phù hợp với bản sắc làng nghề truyền thống, gìn giữ nét bình yên vốn có - một không gian sống giàu tính nhân văn, gắn bó giữa con người - thiên nhiên - văn hóa tâm linh.

NGỌC HÀ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/chuyen-lang-chuyen-cua-mot-thoi-va-mai-sau-127680.html
Zalo