Chuyện lãi chuyển thành lỗ của doanh nghiệp sau kiểm toán
Tập đoàn Danh Khôi (mã: NRC) vừa công bố BCTC hợp nhất bán niên năm 2024 (đã kiểm toán). Cụ thể, doanh thu thuần nửa đầu năm 2024 của Tập đoàn đạt vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng. Trừ các chi phí và thuế, NRC lỗ ròng gần 10,4 tỷ đồng.
Đây là kết quả bất ngờ bởi trước đó công ty báo lãi ròng quý II/2024 đạt gần 4,5 tỷ đồng, lãi nửa đầu năm 2024 hơn 7,1 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh việc “giả định hoạt động” liên tục và các cam kết về hoạt động liên tục của ban điều hành Tập đoàn.
Câu chuyện từ lãi chuyển sang lỗ sau khi có kiểm toán soát xét cũng diễn ra nhiều sau mùa báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay.
Có thể kể đến Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã SGR) với kết quả tài chính điều chỉnh sau kiểm toán cho thấy sự giảm sút nghiêm trọng. Doanh thu thuần của Saigonres trong nửa đầu năm 2024 sau soát xét giảm từ 77 tỷ đồng xuống còn 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đáng kể, từ 22,3 tỷ đồng lên mức 33 tỷ đồng. Kết quả, công ty đã chuyển từ lãi 2,4 tỷ đồng sang lỗ 23,4 tỷ đồng.
Saigonres giải trình việc lợi nhuận sau thuế thay đổi là do điều chỉnh giảm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản, các khoản doanh thu này sẽ được ghi nhận vào kỳ sau khi đủ điều kiện. Thêm vào đó, chi phí quản lý tăng cao do việc trích lập dự phòng phải thu theo yêu cầu của kiểm toán.
Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã: DIG) cũng tiếp tục ghi nhận chênh lệch lớn so với báo cáo tự lập.
Cụ thể, doanh thu thuần sau soát xét giảm 22,6% từ 821 tỷ đồng xuống 635 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm 29% xuống 109 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận trước thuế của tổng công ty giảm đến hơn một nửa xuống 21,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí thuế thu nhập hoãn lại âm gần 10 tỷ đồng giúp lợi nhuận sau thuế giữ nguyên 4 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu báo cáo của DIC Corp có sự chênh lệch trước và sau khi đơn vị kiểm toán vào cuộc. Năm 2023, tổng công ty công bố lợi nhuận sau thuế 165,3 tỷ đồng nhưng sau kiểm toán chỉ còn 112 tỷ đồng, tức giảm 33%. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động liên doanh, liên kết chuyển từ lãi 39 tỷ đồng sang lỗ 18 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán chênh lệch tăng 47 tỷ đồng và năm 2021 tăng 38 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Riêng CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) lại gặp phải một tình huống khác khi đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận về báo cáo tài chính của công ty. Sau soát xét, lỗ sau thuế của Trung An tăng mạnh từ 772 triệu đồng lên hơn 8,2 tỷ đồng.
Có thể thấy, tình trạng lợi nhuận biến động mạnh sau khi soát xét báo cáo tài chính, cùng với việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với một số doanh nghiệp nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hoạt động thanh tra và giám sát tài chính chặt chẽ hơn. Lợi nhuận doanh nghiệp là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như công cụ chủ yếu để định giá cổ phiếu, từ đó giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định mua bán.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự “thận trọng” trong lập báo cáo tài chính, sai số trong báo cáo tự lập so với kiểm toán có thể đến từ nhiều yếu tố như năng lực đội ngũ kế toán doanh nghiệp, quan điểm thận trọng hay theo ý chí của người đứng đầu doanh nghiệp (?!). Việc để báo cáo tài chính tự lập và kiểm toán có sự chênh lệch ảnh hưởng lớn đến uy tín, tính minh bạch của công ty, thậm chí gây thiệt lại cho nhà đầu tư đã tin tưởng vào số liệu công ty công bố.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần minh bạch hơn trong việc báo cáo tài chính và quản trị rủi ro, trong khi cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, nhằm đảm bảo tính trung thực và công bằng trên thị trường chứng khoán. Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mà còn duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và thị trường tài chính.