Chuyện lạ: Người thu nhập càng thấp càng thích đến quán cà phê đắt tiền

51% nhóm người tiêu dùng thu nhập thấp (từ 5-10 triệu đồng) thích đến các quán cà phê mặt phố, lựa chọn những đồ uống cao cấp.

Theo một khảo sát mới của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand, ở Việt Nam, tầng lớp thu nhập thấp và trung lưu đóng góp đáng kể trong các dịp đi đến quán cà phê, cả về tổng số dịp và tần suất trong tháng.

Trong đó, nhóm đi nhiều nhất là nhóm thu nhập thấp (từ 5-10 triệu đồng/tháng) và nhóm thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng, tần suất 1-3 lần/tuần. Hai nhóm thu nhập này tập trung đông đảo các đối tượng người tiêu dùng trẻ.

Mibrand cho biết nhóm người tiêu dùng trẻ này rất mạnh tay chi tiêu cao cho các dịp thông thường (khoảng 80.000 đồng) nhưng lại rất dè dặt đối với các món đồ ăn thức uống đặc biệt.

Tần suất đi đến quán cà phê của từng phân khúc người tiêu dùng. Nguồn: Mibrand Việt Nam

Tần suất đi đến quán cà phê của từng phân khúc người tiêu dùng. Nguồn: Mibrand Việt Nam

Bên cạnh đó, họ thể hiện xu hướng ưa thích các quán cà phê mặt phố, quy mô quán nhỏ, với 51% người tiêu dùng phân khúc 5-10 triệu đồng và 53% sự lựa chọn của phân khúc 10-20 triệu đồng.

Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi xu hướng tiêu dùng trong năm 2024. Theo Mibrand, người tiêu dùng giờ đây có xu hướng lựa chọn những sản phẩm cao cấp hơn bởi họ có ý thức hơn về giá trị, và có mục đích cụ thể chi tiêu của mình.

Nhóm người tiêu dùng trẻ (18-30 tuổi) có sự đa dạng về đối tượng (nhân viên văn phòng, làm việc tự do, sinh viên. Họ đến quán cà phê với nhiều nhu cầu khác nhau như gặp gỡ, làm việc, học tập,…

Theo Mibrand, mặc dù đã có nhiều loại đồ uống mới du nhập thị trường Việt Nam nhưng cà phê vẫn chiếm vị trí quan trọng đối với người tiêu dùng.

Khảo sát khách hàng của Mibrand cho thấy 45% người tiêu dùng trẻ lựa chọn cà phê truyền thống và 39% lựa chọn cà phê pha máy.

Tuy nhiên, trà sữa vẫn chiếm tỉ lệ lựa chọn cao nhất, lên đến 49%, và các sản phẩm làm từ trà cũng chiếm tỉ lệ cao không kém.

Điều này phản ánh sự ưa chuộng của nhóm khách hàng trẻ đối với các thức uống ngọt, có hương vị đa dạng kèm theo sự thanh mát của trà.

Sự phân hóa về khẩu vị này cũng dần hình thành nên hai nhóm mô hình quán cà phê, bao gồm coffee-based (Highland, The Coffee House,…) và tea-based (Phúc Long, Katinat,…).

Hai mô hình này đều có sự tương đồng về cách thức tổ chức không gian và dịch vụ, nhưng có sự khác biệt rõ rệt về món “signature” cũng như định vị thương hiệu.

Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-la-nguoi-thu-nhap-cang-thap-cang-thich-den-quan-ca-phe-dat-tien-19624080622112789.htm
Zalo