Chuyện kể từ Đồng Lách (Bài 2): Khát vọng thoát nghèo
'Đồng Lách đã thay đổi nhiều', đây là chia sẻ 'chắc nịch' của lãnh đạo UBND xã Trường Lâm. Tất nhiên, sự thay đổi này là so với Đồng Lách của nhiều năm về trước, còn không thể so với mặt bằng chung trong xã bởi Đồng Lách vẫn thuộc thôn đặc biệt khó khăn...

Một bộ phận người dân Đồng Lách tham gia trồng dứa tại xã Quỳnh Thắng (Nghệ An).
Lên rừng đốt củi, lấy than
Đây là thực tế của nhiều năm về trước, thể hiện rõ nhất cái đói, cái nghèo ở Đồng Lách. Thời gian khó, nhiều hộ dân trốn lên rừng để phá rừng, đốt củi, lấy than mang đi bán.
Khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chẳng còn cách nào khác phải tính chuyện làm liều. Vậy nên, rừng đồi ở sau nhà, người dân Đồng Lách tự cho bản thân quyền được “hành quyết” để chả mấy chốc rừng bị cạo trọc...
Dẫu vậy, rừng dù có “đau” nhưng lại tạo thu nhập cho người dân. Chính vì điều này mà sau khi bị phát hiện, ngăn cấm, bà con lại chuyển sang cánh rừng khác, thậm chí sang cả đất tỉnh ngoài để... phá trộm rừng.
Nhớ lại những năm tháng buồn bã này, ông Vi Văn Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lách buông tiếng thở dài: “Đồng Lách lúc đấy nghèo khổ quá. Thời điểm nhiều nhất lên tới 90% hộ nghèo... Địa hình cách biệt, cây lúa trồng xuống thì hạn hán triền miên, có hộ cực quá đã phải bán ruộng. Điện không, nước không,... đói nghèo cứ thế bủa vây hết năm này qua năm khác, nhiều người dân đành phải trốn lên rừng đốt củi, lấy than... Thậm chí, chiều 30 tết vẫn có người gánh than đi bán”.
Không thể kể hết sự nghèo khó ở thôn đặc biệt khó khăn. Chỉ biết, cái khó bó cái khôn, để về sau này, người dân Đồng Lách mới thấm thía một điều, rằng, phá rừng đã để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến chính đời sống của bà con, trong đó phải kể đến tình trạng hạn hán đối với cây trồng, đặc biệt là cây lúa.
Thực tế ở Đồng Lách, với 25ha đất trồng lúa nhưng chỉ có 18ha có thể gieo cấy. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước tưới phục vụ cho toàn bộ diện tích đất canh tác không bảo đảm. Trong khi đó, diện tích lúa gieo cấy phụ thuộc hoàn toàn vào 3 hồ chứa. Tuy nhiên, trong trường hợp nắng nóng, khô hạn kéo dài thì nước trong hồ cũng không đủ cung cấp tưới, dẫn đến năng suất lúa thấp, có những vụ không cho thu hoạch. Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Đồng Lách là ông Hà Văn Long cho hay: “Đối với người nông dân Đồng Lách cũng đã từng thảng thốt, giật mình và thừa nhận: Lên rừng đốt củi, lấy than là một trong những nguyên nhân gây hạn hán, mất mùa”.
Nhìn từ thực tế, dù cây lúa không cho năng suất cao nhưng vẫn là cây trồng chủ lực ở Đồng Lách. Nhưng, nếu chỉ dựa vào cây lúa thì liệu có khó để thoát nghèo?
Đứng dậy
Cách đây khoảng 15 năm, một số hộ dân ở Đồng Lách bắt tay trồng cây keo. Sau 4 - 5 năm, keo cho thu hoạch. Nhận thấy, cây keo cho năng suất, hiệu quả, người dân theo đó đã nhân rộng diện tích. Đến nay, ở Đồng Lách đã có gần 40 hộ trồng keo với tổng diện tích 60ha.

Chuồng đã được làm hơn nửa năm nhưng bò thì vẫn chưa thấy... về chuồng.
Trong số đó, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ cây keo. Có thể kể đến trường hợp của gia đình anh Lương Văn Tưởng. Hộ anh Tưởng đã thoát nghèo được 3 năm. Gia đình anh chủ yếu nuôi bò sinh sản và trồng keo. Riêng cây keo đã cho 3 lần thu hoạch. “Ban đầu chỉ trồng 1ha, sau thấy hiệu quả cứ nhân rộng dần và hiện gia đình đang trồng 10ha, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Như thời điểm hiện tại, 1ha keo sau 4 năm thu hoạch có giá khoảng 80 triệu đồng”, anh Tưởng cho biết.
Đó còn là câu chuyện của hộ anh Phạm Văn Thường, cũng thoát nghèo được 3 năm nay. Hai vợ chồng hàng ngày đi khai thác keo với thu nhập 350 nghìn đồng/người/ngày.
Trên đất rừng sản xuất, cây keo đã mang lại giá trị hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập, tạo việc làm. Và không chỉ dừng ở cây keo, cây lúa, nhiều người trong độ tuổi lao động đã đi làm cho một số công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh, một bộ phận lại tham gia trồng dứa, làm cỏ mía bên đất Quỳnh Thắng, tỉnh Nghệ An như chia sẻ của chị Lương Thị Dụ: “Thường, cứ xong vụ mùa thì mới bắt tay đi làm việc phụ. 2h sáng, tôi và một số chị em lại chạy xe sang xã Quỳnh Thắng để trồng dứa,... cách nhà chỉ gần 1 cây số. 1 ngày làm 7 tiếng, 1 tiếng được 40 nghìn đồng”.
Có nhiều cách để thoát nghèo nhưng trước hết phải có khát vọng, có niềm tin, chịu khó, cần cù... Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ con giống, tạo sinh kế cho bà con thoát nghèo,... đến nay, đời sống của người dân Đồng Lách đã cơ bản ổn định hơn so với trước đây. Hiện hộ nghèo trong thôn còn 8 hộ và 39 hộ cận nghèo.
Dù vậy, với tôi, vẫn còn gì đó lấn cấn với Đồng Lách, như 7 hộ dân được hỗ trợ bò để phát triển chăn nuôi nhưng lạ là, chuồng đã được xây mà bò thì vẫn chưa thấy về chuồng. Theo ông Lê Hồng Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội UBND xã Trường Lâm, thì: “Những hộ này được hỗ trợ theo Dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án đã được triển khai từ cuối năm 2024, đã chỉ đạo bà con làm chuồng nhưng không hiểu vì lý do gì mà vốn vẫn chưa thấy về”.
Điện đã về thôn nghèo. Bà con đã và đang cùng cố gắng nỗ lực thoát nghèo. Nhưng, với người dân Đồng Lách vẫn còn nặng lòng về một con đường...