Chuyện ít biết về chủ quán phở 'treo' ở Hà Nội
Phở 'treo' chỉ là một trong nhiều việc thiện mà chị Nguyễn Thị Cát Lệ đã làm suốt 13 năm qua. Mỗi tuần, nữ chủ quán còn nấu hàng trăm suất cơm phát miễn phí cho các bệnh nhân ung thư.
Chủ quán "treo", khách cùng "treo"
Một tuần trở lại đây, quán phở ở địa chỉ 14 Báo Khánh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trở nên tấp nập khách ra vào.
Sáu chiếc bàn nhỏ bên trong và bốn chiếc bàn lớn hơn kê ngoài vỉa hè luôn kín khách từ sáng sớm cho đến gần trưa.
Tên quán là Tuệ An, song phần lớn thực khách tìm tới lại biết đến quán ăn này với cái tên phở "treo".
Đôi tay luôn thoăn thoắt chọn thịt, bỏ hành, chan nước phở cho khách, chị Nguyễn Thị Cát Lệ, chủ quán phở "treo" cho biết: Cùng với món bánh cuốn nóng, phở là nghề gia truyền của gia đình chị suốt 30 năm nay.
Tuy nhiên, mô hình phở "treo" mới được chị triển khai gần 2 tháng qua.
Theo đó, mỗi ngày, Tuệ An sẽ treo lên bảng thông báo có 30 bát phở miễn phí của gia đình chủ quán dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, các thực khách muốn làm nhà hảo tâm cũng có thể đóng góp theo cách tương tự.
Tức là ngoài số tiền phải trả cho bát phở của mình (40.000 - 50.000 đồng/bát), khách có thể tự nguyện góp thêm tiền cho chủ quán để tặng phở cho người khác ăn miễn phí.
Sau đó, khách sẽ tự tay treo số bát phở mình ủng hộ lên bảng thông báo, tương ứng với số tiền mình đã đóng góp.
Ông Nguyễn Văn Bình, 72 tuổi, trọ ở Khâm Thiên, Hà Nội, là một trong những người có hoàn cảnh khó khăn đến ăn phở "treo" sáng 20/8.
"Phở rất ngon. Nước dùng trong, vị thanh, bánh phở mềm, thịt tươi.", ông Bình nhận xét sau khi cảm ơn cô chủ quán.
Số bát phở không dừng ở 30
Đi từ quận Thanh Xuân đến Tuệ An, chị Nguyễn Phương Hằng, kế toán một công ty xây lắp, vừa "treo" thêm 5 bát phở lên bảng thông báo, chia sẻ: "Tôi đến đây không phải chỉ để trải nghiệm hương vị thế nào, mà còn muốn chia sẻ tinh thần hướng tới cộng đồng với chủ quán".
Ngồi bàn kế bên, chị Kiều Oanh (phố Hàng Bông, Hà Nội), một khách quen của Tuệ An cũng treo lại 1 bát sau khi biết về nội dung chương trình của bà chủ.
Chị Lệ phấn khởi cho biết, trong vài ngày gần đây, số phở "treo" đã tăng lên hơn 100 bát mỗi ngày thay vì chỉ có 30 bát từ đóng góp của chủ quán.
Không chỉ ăn tại chỗ, một số người có hoàn cảnh khó khăn còn xin mang phở "treo" về nhà cho người thân.
Khách tăng, chị Lệ phải nhờ cả chồng, bố mẹ, anh trai, chị gái trong gia đình đến phụ giúp.
Chị đứng bếp, những người còn lại chia nhau các phần công việc, từ chuẩn bị nguyên liệu, đến bưng bê, dọn dẹp…
Theo ghi nhận, trong khoảng thời gian từ 8 - 9h sáng, có 20 bát phở được thực khách "treo" lên bảng thông báo.
Chia sẻ với chủ quán Tuệ An, phóng viên Báo Giao thông cũng "treo" thêm vào đó một con số 5.
Tiếp sức cho hành trình thiện nguyện
Phở "treo" chỉ là cách gọi khác đối với công việc thiện nguyện mà chị Nguyễn Thị Cát Lệ theo đuổi suốt 13 năm trở lại đây.
Với những người quan tâm đến công tác thiện nguyện, chị Lệ được biết đến là người đứng đầu chương trình "Cơm nhân ái" dành cho những bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ, Hà Nội.
Năm này qua năm khác, cứ vào chiều thứ Năm hằng tuần, chị Lệ lại cùng gia đình, người thân và bạn bè chung tay làm hơn 500 suất cơm từ thiện mang đến bệnh viện.
Tuy nhiên, chị Lệ cũng thông báo công khai trên tài khoản Facebook cá nhân không kêu gọi từ thiện, không nhận tiền mặt từ người lạ.
Các mạnh thường quân ngoài việc góp công sức, có thể ủng hộ bằng hiện vật như gạo, rau, thức ăn, gia vị… cho chương trình.
Nếu thiếu nguyên liệu nào đó, chị sẽ báo cho người tự nguyện ủng hộ thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp.
Chi phí còn lại sẽ do gia đình, người thân và bạn bè của chị Lệ cùng đóng góp.
Trong 2 năm trở lại đây, nhóm "Cơm nhân ái" chuyển sang phát cơm thiện nguyện cho bệnh nhân và người nhà ở Bệnh viện E.
Công việc chuẩn bị được thực hiện tại địa chỉ 14 Báo Khánh, sau đó suất cơm được chuyên chở bằng ô tô đến bệnh viện.
Để có thể phát 300 - 350 suất vào trưa thứ Năm hằng tuần, nhóm của chị phải chuẩn bị nấu nướng từ 4h30 sáng.
Ông Nguyễn Văn Hà, bố của chị Lệ, cũng đã theo chân con gái trên hành trình thiện nguyện nhiều năm.
Hiện đã 80 tuổi nhưng ông Hà hằng ngày đều có mặt ở phở "treo" Báo Khánh, hỗ trợ con gái bán phở.
Ông không giấu niềm vui khi thấy quán ngày một đông, doanh thu tăng lên từ nghề gia truyền của gia đình cũng sẽ giúp cô con gái có nhiều nguồn lực để tiếp tục chương trình thiện nguyện.
Từ cà phê "treo" ở Ý đến phở "treo" ở Việt Nam
Phở "treo" dựa theo ý tưởng "caffé sospeso" (cà phê chờ, cà phê treo) xuất phát từ Ý.
Khách hàng có thể trả tiền mua thêm một phần cà phê nữa, nhưng không dùng mà được "treo" lại quán dành cho những người không có điều kiện.
Hình thức này sau đó dần lan sang các nước châu Âu khác và tại Pháp, không chỉ có cà phê "treo" (café suspendu) mà còn có bánh mì "đợi chờ" (baguette en attente).
Nhờ đó, người nghèo có thể vào tiệm bánh mang về những ổ bánh mì nóng giòn, do một người nào đó đã trả tiền trước.
Tại Việt Nam, hồi tháng 5/2024, một quán cơm tấm trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã triển khai mô hình cơm "treo".
Đó là quán cơm Thanh Niên của anh Nguyễn Thành Công. Mô hình của anh Công đã nhận được nhiều sự chia sẻ của những người giàu lòng nhân ái.