Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là lực lượng công an và sự đồng tình ủng hộ của quần chúng Nhân dân, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở các xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp đã có nhiều chuyển biến tích cực; tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế.

Công an xã Thạch Quảng (Thạch Thành) trực tiếp kiểm tra hệ thống camera giám sát tại cơ sở kinh doanh kết hợp tuyên truyền phòng ngừa tội phạm đến người dân. Ảnh: Anh Tuân
Xã Thạch Quảng nằm phía Tây Bắc huyện Thạch Thành, giáp ranh với huyện Cẩm Thủy và có tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 217B đi qua nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các loại tội phạm. Các đối tượng thường lợi dụng tính chất của địa bàn để ẩn nấp, che giấu hành vi phạm tội. Xã đã lắp đặt 34 camera, trong đó có 2 camera chuyên dụng ở những tuyến đường chính, đồng thời, tổ chức phối hợp các khu dân cư rà soát, vận động cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp và hộ dân tự lắp đặt camera để cung cấp hình ảnh liên quan đến ANTT cho lực lượng công an khi cần thiết. Thiếu tá Nguyễn Văn Thân, Trưởng Công an xã Thạch Quảng, cho biết: “Chúng tôi triển khai đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân; huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Với phương châm “4 cùng”, sát dân, sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân được cán bộ công an xã giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, qua đó tạo được uy tín, hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an đối với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương”.
“Vai trò của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyển hóa được nâng lên rõ rệt. Đến nay, tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế và giảm dần hàng năm; không để xảy ra các vụ việc phức tạp nổi cộm, gây bức xúc trong Nhân dân”, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Quảng, Quách Trọng Huần khẳng định.
Trước năm 2023, thị trấn Hà Trung từng là điểm nóng về tội phạm ma túy, gây hoang mang, lo sợ cho người dân. Nhiều kẻ cầm đầu và điều hành đường dây mua bán ma túy lại là người trong cùng một gia đình. Chúng còn thuê cả trẻ em, người khuyết tật để làm công cụ chia và cất giấu ma túy. Đặc biệt là ở tiểu khu Thượng Quý, nhiều thời điểm có khoảng 200 đối tượng đến trao đổi, mua bán ma túy mỗi ngày.
“Trước đây tình trạng mua bán, sử dụng ma túy hoành hành, chúng tôi sợ lắm. Có thời điểm người dân còn không dám chăn nuôi gia súc, gia cầm vì sợ bị trộm hết. Con nghiện đến đây lang thang rất nhiều, ngày có khi đến 20 - 40 đối tượng mua bán ma túy như mua rau ngoài chợ”, ông Nguyễn Văn Cung, tiểu khu Thượng Quý vẫn còn nguyên cảm giác hãi hùng khi kể lại.
Để tập trung chuyển hóa, đưa thị trấn Hà Trung ra khỏi diện địa bàn phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy, Công an thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân; phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác đấu tranh, trấn áp, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an thị trấn thường xuyên tổ chức các buổi tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, nhất là các ca tuần tra đêm nhằm phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Trung tá Phạm Thế Đức, Trưởng Công an thị trấn Hà Trung cho biết: “Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, ngày 7/12/2023 thị trấn đã được Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ra quyết định công nhận chuyển hóa thành công địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Đó cũng là tiền đề để thị trấn tiếp tục giữ vững ANTT, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Từ việc đồng loạt ra quân chuyển hóa 88 địa bàn cấp xã trọng điểm về trật tự an toàn xã hội vào năm 2023, đến nay Công an Thanh Hóa đã tạo ra nhiều dấu ấn, điểm đột phá quan trọng với mục tiêu kéo giảm tội phạm thực chất và bền vững. Công tác tuyên truyền được thực hiện theo hướng nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời đến được với người dân; nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng. Các đơn vị công an trong tỉnh đã củng cố, nhân rộng các mô hình, tổ chức tự quản về an ninh, trật tự tại cơ sở; phát huy tối đa sự ủng hộ và tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi tại địa bàn dân cư; siết chặt quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; góp phần kiềm chế, làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm...
Với nhiều cách làm quyết liệt và linh hoạt, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh nói chung, các xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ANTT nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, phạm pháp hình sự giảm 7,5%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Năm 2024 phạm pháp hình sự giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó một số loại tội phạm nổi, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, giảm mạnh; tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt 82,5%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Trong quý I/2025, tội phạm về trật tự xã hội giảm 152 vụ (41%), 103 đối tượng (32%) so với cùng kỳ năm 2024; kết quả điều tra khám phá án đạt tỷ lệ cao (76,82%), không có tội phạm hoạt động lộng hành, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.
Từ thành công bước đầu của việc thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội, thời gian tới, Công an tỉnh duy trì các giải pháp để giữ vững kết quả đã đạt được. Tiếp tục tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết các tình hình nổi lên về ANTT tại cơ sở, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, địa bàn đặc thù, không để bị động, bất ngờ, phát sinh điểm nóng về ANTT, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.